Ðể điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc

Qua 15 năm triển khai thi hành Luật, nền điện ảnh nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Bên cạnh những bước tiến đó, Luật Điện ảnh năm 2006 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: nội dung chủ yếu điều chỉnh hoạt động điện ảnh đang tồn tại ở dạng 'truyền thống', không phù hợp với nền điện ảnh kỹ thuật số ngày nay. Do đó, điện ảnh cần được nhìn dưới góc độ không chỉ là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật mà còn là một sản phẩm dịch vụ cần được thúc đẩy theo khuôn khổ pháp lý để điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh góp ý Luật Điện ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh góp ý Luật Điện ảnh

Luật Điện ảnh (sửa đổi) hiện đang là vấn đề được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh trong nước quan tâm. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; đồng thời, cụ thể hóa nội dung về quyền con người, quyền công dân, quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa quy định trong Hiến pháp 2013.

Một số người quan tâm tới lĩnh vực này cho rằng, cần đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi giải trí, thời trang,…) và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong môi trường công nghệ số, tiên tiến, hội nhập quốc tế… Đó cũng là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các nhà sản xuất phim, các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.

Luật cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”, quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh. Đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi cụ thể về tín dụng, thuế, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Với quy định phân loại phim như Dự thảo Luật - đây là điểm mới, phù hợp với mục đích thẩm định, cấp phép và xu hướng của điện ảnh thế giới. Đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, kết hợp phân loại phim theo độ dài phim, thể loại phim, độ tuổi của đối tượng xem phim.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, phim do cơ sở điện ảnh trong nước sản xuất tăng cả về số lượng và chất lượng, đề tài phim phong phú hơn; nhiều phim đoạt giải tại liên hoan phim quốc gia và quốc tế, lập kỷ lục về doanh thu. Tuy nhiên, số lượng phim Việt Nam còn hạn chế; tỷ lệ chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp, trên hệ thống truyền hình thấp hơn quy định, chưa đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân; tỷ lệ phim có kịch bản chuyển thể từ phim nước ngoài khá cao, tiềm ẩn nguy cơ phai nhạt hoặc đánh mất giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và ảnh hưởng đến lối sống của thế hệ trẻ.

Có ý kiến đề nghị quy định về xuất khẩu phim cần thông thoáng hơn; phim xuất khẩu chỉ cần phù hợp với tiêu chí của nước nhập khẩu phim và không được vi phạm các quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu phim Việt Nam ra thế giới.

Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh - là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật bỏ quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm tại Điều 7 Luật hiện hành. Thực tế cho thấy, vi phạm về bản quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh khá nhiều, gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim nhưng xử lý chưa đủ sức răn đe. Theo đề nghị của Ủy ban Xã hội (Quốc hội), cần xác định cụ thể các đối tượng được hưởng quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan... để tránh xung đột về quyền, lợi ích của các bên. Đồng thời, làm rõ cơ chế phối hợp hoạt động, thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh; nghiên cứu, bổ sung quy định theo hướng dẫn chiếu nội dung liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề này, tham gia góp ý cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: Qua 15 năm triển khai thi hành Luật, nền điện ảnh nước ta đã có những bước tiến đáng kể, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động điện ảnh, đưa điện ảnh đến nhiều hơn với các tầng lớp nhân dân, ngày càng có nhiều tác phẩm điện ảnh đoạt các giải thưởng quốc tế. Bên cạnh những bước tiến đó, Luật Điện ảnh năm 2006 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập: Nội dung chủ yếu điều chỉnh hoạt động điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”, không phù hợp với nền điện ảnh kỹ thuật số ngày nay; Luật được xây dựng trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật tập trung điều chỉnh các hoạt động sáng tác, phát hành, phổ biến tác phẩm điện ảnh, trong khi điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp.

Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, điện ảnh cần được nhìn dưới góc độ không chỉ là một tác phẩm văn hóa nghệ thuật mà còn là một sản phẩm dịch vụ cần được thúc đẩy theo khuôn khổ pháp lý để điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng vừa tiên tiến hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Để Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với thực tế phát triển của xã hội nói chung và điện ảnh nói riêng, tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững thì việc sửa đổi lần này là rất cần thiết. Đề nghị nghiên cứu chính sách tài trợ cho hoạt động điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ.

Tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nơi rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đưa hình ảnh đất nước, con người của “xứ sở Kim chi” đến khắp nơi trên thế giới. Một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của Chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Nói cách khác, các trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Ngày nay, Chính phủ quan tâm và tập trung nhiều hơn vào khán giả là những người hưởng thụ, tiêu thụ văn hóa, tác phẩm điện ảnh, nhằm đạt được sự cân bằng giữa “sáng tạo”, “truyền bá” và “hưởng thụ” các giá trị văn hóa nghệ thuật. Khán giả là động lực quan trọng cho văn hóa nghệ thuật, thậm chí là lực lượng thúc đẩy và định hướng cho điện ảnh phát triển. Đặc biệt, khi các tổ chức văn hóa nghệ thuật phải độc lập về tài chính trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động và sản phẩm nghệ thuật của họ phải hướng tới khán giả nhiều hơn để đảm bảo cho tổ chức có thể hoạt động và phát triển.

Mặt khác, cần thay đổi cơ chế quản lý văn hóa từ việc “Chính phủ ra quyết định và quản lý” sang việc “hợp tác giữa Chính phủ và các khu vực tư nhân”. Với chính sách này, việc tham gia của nhiều bộ phận xã hội từ chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương cho đến các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách không phải áp đặt từ trên xuống mà chính sách phản ánh được nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội, của từng người dân. Đây cũng chính là xu hướng quản lý văn hóa hiện đại của nhiều nước như Pháp, Thụy Điển, Phần Lan.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202111/e-dien-anh-viet-nam-phat-trien-theo-huong-vua-tien-tien-hien-dai-vua-dam-da-ban-sac-dan-toc-3087437/