Ðể học sinh vui đến trường
Nhằm duy trì sỹ số học sinh người dân tộc thiểu số trong xã vùng sâu của huyện Ðạ Huoai, một trường tiểu học nơi đây đã đưa ra rất nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút các em đến lớp hằng ngày.
“Khoán” cho trường
Ngôi trường có nhiều hoạt động đó chính là Tiểu học Võ Thị Sáu nằm ở Phước Lộc - xã vùng sâu của huyện Đạ Huoai với hầu hết dân cư là người dân tộc thiểu số sinh sống.
Khi nói về chuyện dạy và học, cô giáo Nguyễn Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng trường đã tươi cười “Hầu như phụ huynh nơi đây cứ “khoán trắng” mọi việc của học sinh cho nhà trường”.
Tiểu học Võ Thị Sáu hiện có 2 điểm trường, 1 điểm trường chính tại trung tâm xã và 1 điểm trường tại thôn Phước Bình cách đó 6 km. Năm học 2018-2019 này, trường có tổng cộng 289 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó điểm trường Phước Bình có 70 học sinh, 5 lớp học; số học sinh còn lại đang theo học tại điểm trường chính ở xã. Trên 91% học sinh của trường là con em cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Dù nằm trong vùng sâu nhưng Tiểu học Võ Thị Sáu được xây dựng rất khang trang, nhất là điểm trường chính tại trung tâm xã. Lớp học rộng rãi, bàn ghế tinh tươm, đủ mỗi lớp học 1 phòng trong năm: có nhà đa năng cho học sinh sinh hoạt, nhà hiệu bộ, các phòng chức năng, thư viện, sân trường rộng với cây xanh, vườn rau nhỏ phía sau do học sinh tự trồng và chăm sóc, nhà vệ sinh sạch sẽ, giếng nước và hệ thống bồn bơm nước tự động dùng cho mùa khô.
Theo cô Huyền, học sinh dân tộc thiểu số nơi đây hầu hết đều rất ngoan, lễ phép với thầy cô giáo, đoàn kết với bạn bè trong lớp, trong trường. Những năm gần đây, nhờ đời sống trong xã được cải thiện dần nên nhiều gia đình đã bắt đầu quan tâm đến việc học hành của con em mình. “Ngày trước mời họp phụ huynh thì hầu như chẳng có mặt ai, lớp chỉ vài người nhưng gần đây phụ huynh đi dự rất đông, có lớp không thiếu phụ huynh nào” - cô Huyền nói.
Tuy nhiên, như cô Huyền cho biết, không ít các bậc phụ huynh đến trường tìm giáo viên để “gửi gắm” con mình: “Cô ơi, trường đã mua cặp mới cho cháu chưa vì cặp cũ đã rách, cô ơi vở cháu hết có thêm vở mới cho cháu chưa...?”.
Coi việc hỗ trợ cho học sinh như là một nhiệm vụ, trường lâu nay theo cô Huyền đã huy động sự giúp đỡ từ rất nhiều nguồn: sự hỗ trợ của huyện, trường giúp trường, các giáo viên đang công tác, cựu học sinh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện.
Nhờ đó, toàn bộ học sinh nơi đây hầu như không thiếu sách vở khi đến trường, những trường hợp khó khăn qua tìm hiểu nhiều cá nhân cũng nhận giúp đỡ áo quần, dép giày để các em hằng ngày đến trường..
Nhiều hoạt động vui
Nhưng một điều quan trọng, giải pháp chống bỏ học hữu hiệu nhất theo cô Huyền, là phải luôn làm trường có không khí vui tươi để các em thích đến lớp.
Cũng cần biết rằng những năm trước đây, toàn bộ học sinh Tiểu học Võ Thị Sáu khi đi học đều được hỗ trợ bữa ăn trưa tại trường. Bữa ăn này chính là một phần quan trọng trong chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học SEQAP (School Education Quality Assurance Program) được áp dụng cho các trường vùng sâu. Tuy nhiên, trong 3 niên học gần đây, khi chương trình này kết thúc, bữa ăn trưa cho học sinh đã không được duy trì tại trường nữa. Vì là chương trình giáo dục 2 buổi ngày nên học sinh buổi trưa tự về nhà ăn cơm, chiều quay lại trường.
Rất nhiều hoạt động được trường đưa ra. Đó là các hoạt động ngoại khóa trong chương trình, đồng thời tăng cường thêm các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; thi, biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ, tết, tổ chức các giải thể thao trong năm; duy trì và phát triển các câu lạc bộ thể dục thể thao, nhất là đá bóng. “Hầu hết các em nơi đây đều có khiếu về văn nghệ, thể dục thể thao, các em hát, múa rất khéo, rất thích các hoạt động ngoài trời. Trường đến nay có giải bóng đá hằng năm, với sự tranh tài của các khối lớp; trong các giải cấp xã, cấp huyện khi tham gia đều được giải” - cô Huyền cho biết.
Cùng đó, nhà trường lâu nay đã vận động các giáo viên người Kinh đang công tác tại đây học tiếng dân tộc. Theo cô Huyền, hầu như học sinh các lớp đầu cấp nơi đây khi đến lớp rất ít nói tiếng Việt, nếu giáo viên biết tiếng dân tộc sẽ là một điều kiện rất tốt để tiếp xúc với học sinh, tạo sự gần gũi với các em.
Thông qua các cuộc họp lớp hay gặp gỡ với phụ huynh, nhà trường cũng vận động phụ huynh tích cực khuyến khích con em mình đi học, cộng tác cùng nhà trường, chính quyền đưa con em mình đến lớp trở lại khi các cháu muốn nghỉ học giữa chừng.
Nhờ những cách làm này, những năm gần đây, theo cô Huyền, tỷ lệ học sinh bỏ học nơi đây đã giảm rất nhiều. Như năm học 2018-2019 này, trường không có trường hợp nào nghỉ học ở tất cả các khối lớp.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201906/e-hoc-sinh-vui-den-truong-2950164/