Ðể TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính lớn

Ðột phá từ nhiều yếu tố

TP Hồ Chí Minh muốn phát triển thành trung tâm tài chính phải thực hiện và duy trì được nhiều mục tiêu. Trước hết, về kinh tế, phải ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của một đầu tàu phát triển của vùng và cả nước. Thể hiện được vai trò kết nối và động lực cho sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố phải được duy trì với mức tăng trưởng cao hơn khoảng 1,5 lần mức bình quân của cả nước như đã từng có được trước đây. Hoạt động kinh tế phải là nơi mang "tính thị trường" nhất so với cả nước. Nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế. Song song đó, ba nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh là thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của TP Hồ Chí Minh.

Thứ hai, thành phố phải là nơi có thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn, như quy tụ, tập trung nhiều nguồn cung - cầu sản phẩm tài chính; thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài phục vụ cho thương mại, đầu tư theo ý nghĩa của một trung tâm chuyển tải vốn cho nền kinh tế trong nước và có tác động nhất định đến thị trường khu vực và thế giới. Ðồng thời, thành phố là nơi tập trung các định chế tài chính đặt trụ sở chính, những "con sếu đầu đàn" trên thị trường tài chính; nơi có hạ tầng "cứng" và hạ tầng "mềm" khả dĩ cho thị trường tài chính vận hành thông suốt.

Ðối chiếu về một số đặc trưng, tính chất của một trung tâm tài chính nêu trên cho thấy, để thành phố xác lập được vị trí, vai trò của một trung tâm tài chính ngang tầm quốc tế thì vẫn còn nhiều bất cập.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trường đại học Fulbright, cho rằng, muốn trở thành trung tâm tài chính, thành phố cần có sự đột phá đến từ các yếu tố, như chính sách của quốc gia, từ chính tầm nhìn và quyết tâm tự thân của thành phố. Ngoài ra, thành phố phải giải quyết cùng lúc nhiều bài toán, nhất là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Trước tiên, thành phố cần phải xây dựng thành trung tâm tài chính quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới. Vì thế, thành phố cần một cách tiếp cận khác phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tránh theo lối mòn truyền thống để tạo sự khác biệt và đột biến rút ngắn thời gian.

Cần cơ chế đặc thù

Ông Trần Quốc Hùng, Chuyên gia cao cấp về tiền tệ quốc tế, đặt vấn đề: Câu hỏi được đặt ra là làm sao để tiếp tục phát triển và nâng cấp thành phố thành một trung tâm tài chính để đóng góp hữu hiệu hơn vào việc hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam? Ðể trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ sự đóng góp của hoạt động trung tâm tài chính vào quá trình phát triển kinh tế, từ đó xác định mục tiêu của việc xây dựng và phát triển. Trên cơ sở đó, có thể phát hiện các điều kiện cần và đủ để đạt mục tiêu này sau khi so sánh thành phố với các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực.

Cũng theo ông Trần Quốc Hùng, có hai khía cạnh để đánh giá hiệu quả của thị trường tài chính. Một là, tạo ra điều kiện và phương tiện để người tiết kiệm có thể đầu tư số vốn của mình một cách dễ dàng, an toàn và có lợi nhuận thích hợp, như thế giúp huy động được nhiều vốn. Hai là, hướng luồng tài trợ vào các doanh nghiệp tạo lợi nhuận cao, hoạt động trong các ngành có triển vọng phát triển trong tương lai. Làm được hai việc này thì thị trường tài chính sẽ giúp phát triển kinh tế bằng cách tăng lượng vốn đưa vào kinh doanh, sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, cụ thể là hiệu năng trong việc sử dụng vốn.

Ðánh giá cao nền kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, ông Noh Hee Jin, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường vốn Hàn Quốc, cho rằng, giờ đây, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa hệ thống tài chính để tiếp tục phát triển vượt bậc. Hệ thống tài chính có thể được phân loại thành hệ thống lấy ngân hàng làm trung tâm và hệ thống dựa trên thị trường vốn. Ðể nền kinh tế phát triển hơn nữa, ngành ngân hàng và thị trường vốn cần được cơ cấu một cách cân bằng. Ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua hệ thống ngân hàng, có thể huy động và phân bổ vốn trong nước cho các lĩnh vực phát triển kinh tế quan trọng về mặt chiến lược. Khi nền kinh tế phát triển, vai trò của thị trường vốn sẽ trở nên quan trọng hơn và thông qua thị trường này, các công ty có thể dễ dàng đầu tư.

"Hiện, Việt Nam muốn TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, để thực hiện được mục tiêu này, các quy định tài chính về thành lập các định chế tài chính, hành vi kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và sự lành mạnh của các tổ chức tài chính cần dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh như hệ thống công nghệ thông tin và văn phòng phải được cung cấp một cách thuận tiện, mang tính cạnh tranh. Cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có kỹ năng tiếng Anh thông thạo và kỹ năng kinh doanh tốt vận hành trung tâm tài chính", ông Noh Hee Jin cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, muốn xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính phải được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và xem đây là điều kiện để Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù để thực thi, bao gồm việc thí điểm các chính sách mới, nhất là chính sách về các sản phẩm tài chính.

-------------------------------

(*) Xem trang TP Hồ Chí Minh từ số ra ngày 22-10-2019.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, TP Hồ Chí Minh nên nghiên cứu phương án mở rộng về hướng nam, gồm toàn bộ diện tích quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh, Cần Giờ. Ðây là khu vực có diện tích đủ lớn, khoảng 88 nghìn ha với điều kiện kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật - xã hội và có quỹ đất để phát triển một thành phố tài chính, thương mại, dịch vụ quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42013602-%C3%B0e-tp-ho-chi-minh-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-lon.html