EC đề xuất hạn ngạch đánh bắt đối với những loài cá có nguy cơ cạn kiệt
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 26/8 đã công bố đề xuất về cơ hội đánh bắt cá cho năm 2025 tại biển Baltic, với mục tiêu bảo vệ và duy trì nguồn cá trong khu vực này. Đề xuất này được xây dựng dựa trên những đánh giá khoa học gần đây cho thấy một số loài cá đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nghiêm trọng.
Theo phóng viên TTXN tại Brussels, trong đề xuất lần này, EC đã đưa ra tổng lượng đánh bắt cho phép (TAC) và hạn ngạch cho 9 trong số 10 loài cá mà Liên minh châu Âu (EU) đang quản lý tại biển Baltic. Riêng với loài cá herring Bothnian (cá trích sống ở vịnh Bothnian), hạn ngạch sẽ được đưa ra vào một thời điểm khác.
Đáng chú ý, EC đề xuất tăng hạn ngạch đánh bắt cá herring ở trung tâm Biển Baltic lên 108% và ở Vịnh Riga lên 10%. Ngược lại, đề xuất giảm mạnh lượng đánh bắt cá hồi ở lưu vực chính (-36%) và Vịnh Phần Lan (-20%), cùng với đó là giảm đánh bắt cá sprat (cá trích cơm -42%). Đối với loài cá plaice (cá bơn), hạn ngạch sẽ giữ nguyên. Tuy nhiên, Ủy ban đề xuất giảm mạnh lượng đánh bắt phụ của cá tuyết Baltic tây (-73%), cá tuyết Baltic đông (-68%) và cá trích Baltic tây (-50%).
Đặc biệt, cá tuyết Baltic đông và cá tuyết Baltic tây đang trong tình trạng rất xấu. Mặc dù đã có các biện pháp bảo vệ từ năm 2019, tình trạng này vẫn không được cải thiện. Vì vậy, EC đề xuất duy trì giới hạn đánh bắt phụ để bảo vệ hai loài cá này, đồng thời điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Tình trạng cá trích Baltic phía tây vẫn đang ở mức đáng lo ngại khi số lượng cá tiếp tục dưới mức an toàn. EC đề xuất hủy bỏ việc miễn trừ cho các hoạt động đánh bắt quy mô nhỏ ven biển và điều chỉnh hạn ngạch, chỉ cho phép bắt những lượng cá không thể tránh khỏi trong quá trình đánh bắt.
Trong khi đó, cá trích ở trung tâm Biển Baltic đã có dấu hiệu phục hồi, vượt mức tối thiểu từ năm ngoái. Tuy nhiên, EC vẫn giữ quan điểm thận trọng, không đề xuất tăng hạn ngạch lên mức tối đa như khuyến nghị. Đối với cá trích ở Vịnh Riga, tình trạng sức khỏe của loài này được đánh giá tốt, EC đề xuất thiết lập hạn ngạch đánh bắt tối đa theo đúng khuyến nghị của các nhà khoa học.
Với loài cá bơn, mặc dù có thể tăng sản lượng đánh bắt, nhưng EC quyết định giữ nguyên hạn ngạch để bảo vệ cá tuyết, một loài cá bị ảnh hưởng phụ khi đánh bắt cá bơn. Đối với cá trích cơm, do số lượng giảm mạnh và tỷ lệ sinh sản thấp, EC đề xuất giảm hạn ngạch đáng kể để tránh tình trạng suy giảm nghiêm trọng.
Tình trạng cá hồi tại các dòng sông Baltic rất đa dạng, một số còn yếu trong khi số khác khá khỏe. Để đảm bảo sự phục hồi, EC đề xuất hạn chế hoạt động đánh bắt cá hồi và cấm việc đánh bắt cá hồi nuôi cho hoạt động giải trí, nhằm bảo vệ cá hồi hoang dã.
Trên cơ sở đề xuất này, các quốc gia thành viên EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về lượng cá thương mại có thể đánh bắt tại Biển Baltic trong cuộc họp của Hội đồng vào ngày 21-22/10.
Đề xuất của EC là một phần trong nỗ lực bảo vệ và duy trì nguồn lợi thủy sản bền vững tại Biển Baltic. Khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức, từ ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, đến những tác động của biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ ngư dân và các khu vực ven biển, EU đã khuyến khích việc sử dụng Quỹ Xã hội châu Âu Plus để thực hiện những biện pháp phát triển kỹ năng và học tập suốt đời.
Biển Baltic hiện là vùng biển ô nhiễm nhất châu Âu, với mức độ ô nhiễm, phú dưỡng, và suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Trước tình hình này, EC đã tổ chức các hội nghị cấp cao vào những năm 2020 và 2023, quy tụ các bộ trưởng từ tám quốc gia xung quanh Biển Baltic để thảo luận về những biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường biển.