ECB họp khi thị trường trái phiếu chao đảo và nền kinh tế trì trệ

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ ngăn chặn chuỗi tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử khi các nhà hoạch định chính sách gặp nhau ở Athens vào ngày 26/10. Tuy nhiên, với lạm phát của khu vực đồng Euro tăng hơn gấp đôi mục tiêu và xung đột Israel-Hamas đẩy giá năng lượng lên cao, cộng với sự biến động gần đây của thị trường trái phiếu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự kiến sẽ tỏ rõ quan điểm duy trì lãi suất ở mức cao hiện tại hoặc thậm chí cao hơn trong một thời gian nữa.

ECB đã tăng lãi suất lên mức cao nhất mọi thời đại trong cuộc họp vào tháng trước.

ECB đã tăng lãi suất lên mức cao nhất mọi thời đại trong cuộc họp vào tháng trước.

Rủi ro lạm phát trở lại

Hầu hết các nhà đầu tư, khi nhìn vào tình trạng gần như trì trệ của nền kinh tế khu vực đồng Euro trong năm nay và quỹ đạo đi xuống của lạm phát đều cho rằng, khả năng lãi suất khu vực đồng Euro tăng thêm là rất mong manh.

Konstantin Veit - nhà quản lý danh mục đầu tư tại tập đoàn đầu tư Pimco của Mỹ, cho biết: “Họ sẽ để ngỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung, nhưng rào cản khá cao để điều đó xảy ra”. Tuy nhiên, ý tưởng về lãi suất khu vực đồng Euro sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn dự đoán hồi đầu năm nay đang có cơ sở, bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế khu vực này khó tăng trưởng.

Câu hỏi lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” giữ bao lâu sẽ là chủ đề lớn ở Athens. Nói cách khác: khi nào ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất?

“Hội đồng quản trị sẽ thận trọng về việc chuyển hướng cắt giảm lãi suất quá sớm” - Mark Wall, kinh tế trưởng của Deutsche Bank, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Veit cho biết: “Chỉ một tháng trước, thị trường đã dự đoán ECB có ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới, nhưng bây giờ chỉ còn hai lần. Vẫn còn rất nhiều rủi ro về lạm phát và còn quá sớm để nói chính xác việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu trong bao lâu”.

Để đối phó với sự gia tăng hai con số trong chi phí sinh hoạt của người châu Âu, mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ, ECB đã tăng chi phí vay trong 10 cuộc họp liên tiếp. Điều này đã nâng lãi suất tiền gửi chuẩn từ mức thấp nhất mọi thời đại là âm 0,5% lên mức cao kỷ lục 4%. Tuy nhiên, các quan chức vẫn thận trọng về việc sẽ mất bao lâu để hoàn thành “chặng cuối cùng” trong hành trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Bà Lagarde cho biết trong tháng này rằng áp lực giá vẫn “cao không mong muốn”, mặc dù đã giảm xuống mức thấp gần hai năm là 4,3% vào tháng 9. Tỷ lệ này dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa vào tháng 10, mặc dù dữ liệu chỉ được công bố vài ngày sau cuộc họp tuần này.

Thêm bằng chứng cho thấy hoạt động kinh tế đang suy yếu và lạm phát đang hạ nhiệt được đưa ra, ngày 24/10, khi cuộc khảo sát mới nhất với các nhà quản lý mua hàng cho thấy, sản lượng kinh doanh của khu vực đồng Euro tiếp tục sụt giảm, tình trạng cắt giảm việc làm gia tăng và áp lực giảm giá ảnh hưởng đến các công ty.

Cuộc khảo sát riêng của ECB đối với các ngân hàng cũng cho thấy nguồn cung tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp từ các ngân hàng khu vực đồng Euro tiếp tục bị thu hẹp. Tuy nhiên, xung đột giữa Israel và Hamas đã làm dấy lên lo ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và đẩy giá dầu, khí đốt tăng cao trong những tuần gần đây, điều mà các nhà kinh tế lo ngại có thể khiến lạm phát ở mức cao.

ECB nên tránh “phản ứng tức thời”

Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras, một trong 26 thành viên hội đồng quản trị của ECB cho biết, ngân hàng trung ương nên tránh “phản ứng tức thời” trước sự tăng giá năng lượng do xung đột ở Trung Đông gây ra. Kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane cũng giảm bớt lo ngại khi cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ ngăn giá cả tăng cao. Lane nói: “Khi bị kiềm chế bởi lãi suất thì khả năng các công ty chuyển những khoản tăng giá năng lượng đó sang giá tiêu dùng sẽ ít hơn”.

Đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu gần đây đã làm tăng dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 10. Ảnh: Bloomberg/IMAGO/Reuters

Đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu gần đây đã làm tăng dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 10. Ảnh: Bloomberg/IMAGO/Reuters

Tuy nhiên, kinh tế trưởng của ECB cũng bày tỏ lo ngại về thu nhập tăng vọt, tăng 4,5% trong khu vực tính từ đầu năm đến quý II. Ông nói: “Chúng ta cần thấy tốc độ tăng lương chậm lại. Nếu cú sốc lạm phát đủ lớn hoặc dai dẳng, ECB sẽ phải sẵn sàng làm nhiều hơn nữa”.

Anatoli Annenkov - chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại Societe Generale cho biết: “Việc tăng lãi suất dài hạn, tùy thuộc vào các nguyên nhân cơ bản và biến động thị trường gia tăng có thể là thách thức chính đối với quan điểm chính sách hiện tại của ECB cũng như nỗ lực tránh suy thoái kinh tế”.

Những người ấn định lãi suất cũng dự kiến sẽ thảo luận về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua bảng cân đối kế toán của họ. Tranh luận là liệu có nên ngừng tái đầu tư số tiền thu được từ danh mục đầu tư trị giá 1,7 nghìn tỷ Euro được mua để đối phó với đại dịch sớm hơn dự kiến hay không.

Tuy nhiên, đợt bán tháo gần đây trên thị trường trái phiếu khiến chi phí đi vay của chính phủ lên mức cao nhất trong một thập kỷ, đã khiến một số người lo lắng về việc thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Họ cho rằng ECB cần sự linh hoạt để nhắm mục tiêu số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn nhiều hơn vào khoản nợ của bất kỳ quốc gia nào bị ảnh hưởng bởi sự phân kỳ, hoặc phân mảnh mạnh về chi phí tài chính so với các quốc gia khác.

Chi phí đi vay của Ý đã tăng nhiều hơn của Đức do lo ngại về thâm hụt tài chính gia tăng của Rome, khiến chênh lệch lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của hai nước được theo dõi chặt chẽ lần đầu tiên lên trên 2% sau nhiều tháng. Sven Jari Stehn - chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, cho biết: “Với sự gia tăng của lợi suất dài hạn, với lợi suất trái phiếu 10 năm của Ý khoảng 5% và rủi ro tài chính bổ sung, chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ hành động thận trọng”.

Một số thành viên hội đồng ECB cũng đang thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất mà họ phải trả cho các ngân hàng thương mại. Những người ấn định lãi suất sẽ làm như vậy bằng cách tăng lượng dự trữ tối thiểu mà ngành cần gửi vào ngân hàng trung ương, khi mà người cho vay không kiếm được gì từ đó. Ý tưởng này đang gây tranh cãi vì dường như nó được thiết kế chủ yếu để giảm tổn thất nặng nề mà một số ngân hàng trung ương quốc gia khu vực đồng Euro đang gánh chịu hơn là góp phần vào cuộc chiến chống lạm phát.

Veit tại Pimco cho biết: “Nếu lo ngại về tổn thất của ngân hàng trung ương tác động vào chính sách và ECB dường như có các mục tiêu khác ngoài việc ổn định giá cả thì điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngân hàng trung ương”.

Cuộc tranh luận khó có thể được giải quyết cho đến khi ECB hoàn thành việc đánh giá rộng hơn về khuôn khổ hoạt động của mình. Quá trình xem xét đó sẽ đánh giá quy mô tối ưu của bảng cân đối kế toán, sẽ được hoàn thành vào mùa xuân tới./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ecb-hop-khi-thi-truong-trai-phieu-chao-dao-va-nen-kinh-te-tri-tre-138215.html