ECB sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm tới để chờ tác động thuế quan
NHTW châu Âu (ECB) được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm tới sau 8 lần cắt giảm lãi suất liên tiếp. Song mối quan tâm của thị trường là lộ trình chính sách tiếp theo, cũng như những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của ECB đang quan tâm.

Sẽ giữ nguyên lãi suất vào thứ Năm tới
Theo các nhà kinh tế, ECB gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất chính ở mức 2% tại cuộc họp chính sách kết thúc vào thứ Năm tới trong bối cảnh các dữ liệu cho thấy triển vọng sẽ không thay đổi nhiều kể từ cuộc họp chính sách tháng 6, đồng thời hiện vẫn chưa rõ mức thuế quan cuối cùng mà Mỹ áp dụng đối với EU sẽ như thế nào.
“ECB sẽ muốn chờ xem liệu có điều gì thực sự đẩy họ ra khỏi trạng thái cân bằng hiện tại hay không”, Salomon Fiedler - Chuyên gia kinh tế tại Berenberg cho biết.

Lãi suất tiền gửi của ECB từ tháng 1/1999 đến tháng 6/2025, với các chu kỳ cắt giảm lãi suất được in đậm (Nguồn: Reuters/LSEG)
Chưa hết theo các nhà phân tích, các nhà hoạch định chính sách của ECB sẽ không muốn tỏ ra như thể họ đang phản ứng với một mối đe dọa thuế quan.
Theo đó mặc dù các dự báo kinh tế mới sẽ không được công bố trong tuần này, nhưng các nguồn tin cho biết ECB sẽ phải đánh giá lại các kịch bản của mình, vì mức thuế quan 30% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa cao hơn mức 20% mà ECB dự đoán trong kịch bản tiêu cực nhất mà ECB đưa ra vào tháng 6.
“Có sự không chắc chắn đáng kể về tác động của thuế quan đối với tăng trưởng và lạm phát ở châu Âu”, Mohit Kumar - chuyên gia kinh tế trưởng của Jefferies tại châu Âu cho biết. “Tôi dự đoán (Chủ tịch ECB Christine) Lagarde sẽ có giọng điệu chờ đợi và quan sát”.
Lộ trình chính sách sau tháng 7?
Đó đang là một cầu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn khi mà không ai đoán được mức thuế quan cuối cùng của Mỹ sẽ được áp dụng sẽ như thế nào.
Mặc dù vậy các nhà giao dịch vẫn giữ kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất nữa. Hiện thị trường tiền tệ định giá động thái này gần như giống như tung đồng xu giữa tháng 9 và tháng 12. “Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào tháng 9”, Anatoli Annenkov - Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu của Societe Generale cho biết.
Trong khi Kumar của Jefferies ước tính, mức thuế quan trung bình 10-15% sẽ không yêu cầu ECB phải cắt giảm lãi suất quá một lần, nhưng mức thuế 30% sẽ làm giảm tăng trưởng khu vực đồng euro khoảng 0,5% vào năm tới và đòi hỏi cơ quan này phải cắt giảm thêm.
Tuy nhiên, Gilles Moec - nhà kinh tế trưởng của AXA cho biết, thị trường đang quá lạc quan về thương mại và đánh giá thấp triển vọng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. “Cơ sở là chúng ta thực sự sẽ phải chịu mức thuế quan khá cao, có thể không phải 30%, nhưng vẫn là mức thuế quan cao và chúng ta sẽ phải đối mặt với áp lực giảm phát lớn hơn từ Trung Quốc”, Moec nói. Vị này dự kiến sẽ có hai đợt cắt giảm trong năm nay.

Diễn biến lãi suất tiền gửi của ECB và lãi suất ngụ ý của thị trường vào ngày 5/6 và ngày 16/7 (lần lượt có màu xanh đậm và đỏ)
ECB đang lo ngại điều gì?
Theo các nhà phân tích, một trong những mối quan tâm của các quan chức ECB tác động của chính sách thuế quan đối với lạm phát trong khu vực.
Mặc dù ECB kỳ vọng lạm phát sẽ phục hồi, nhưng đó không phải là một viễn cảnh tươi sáng khi mà chính sách thuế quan làm tăng thêm rủi ro giảm phát. ECB đã nghĩ rằng mức thuế quan 20% kèm theo sự trả đũa của EU sẽ giữ lạm phát dưới 2% vào năm 2027 thay vì đạt mục tiêu như ngân hàng hiện đang kỳ vọng. Chưa hết, Annenkov của Societe Generale cho biết, viễn cảnh Trung Quốc bán phá giá các sản phẩm của EU có thể làm tăng nguy cơ giảm phát.
Ở chiều ngược lại, các nhà phân tích cho rằng, gói kích thích tài khóa khổng lồ của Đức là một rủi ro tăng đối với lạm phát.
Hiện các nhà hoạch định chính sách đang bị chia rẽ về triển vọng lạm phát và qua đó là lộ trình chính sách của ECB.
Thống đốc NHTW Ý Fabio Panetta, một người theo chủ nghĩa ôn hòa cho biết, ECB nên tiếp tục nới lỏng chính sách nếu căng thẳng thương mại làm gia tăng nguy cơ giảm phát. Trong khi Isabel Schnabel - Thành viên Hội đồng quản trị của ECB và là một người theo chủ nghĩa diều hâu lại cho rằng, ngưỡng cho một đợt cắt giảm lãi suất khác là “rất cao”.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm trong khu vực đồng Euro với dự báo là đường chấm
Một nỗi lo khác của các nhà hoạch định chính sách là sự mệnh lên của đồng euro, bởi điều đó sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng và lạm phát. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos đã xác định mức 1,20 USD/EUR là một điểm đau (pain point).
Đồng euro đã tăng gần 17% từ tháng 2 đến đầu tháng 7, đạt mức cao nhất kể từ năm 2021 vào khoảng 1,18 USD/EUR. Tuy nhiên kể từ đó, đồng tiền này đã giảm nhẹ. Thế nhưng các nhà phân tích dự đoán đồng euro sẽ đạt 1,20 USD/EUR trong vòng một năm, cao hơn nhiều so với mức 1,13 USD/EUR cho 2 năm tới mà ECB đã dự báo vào tháng 6.
Thậm chí Morgan Stanley dự kiến đồng euro sẽ tăng lên 1,25 USD/EUR vào năm 2027 và kỳ vọng điều này sẽ làm giảm lạm phát 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,7%, ngăn lạm phát tăng lên mức mục tiêu.
Đồng euro mạnh lên là một lý do tại sao BNP Paribas dự kiến ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, Paul Hollingsworth – Trưởng bộ phận thị trường phát triển của ngân hàng này cho biết.
“Chúng ta gần như chú ý quá nhiều đến thuế quan hơn là ngoại hối”, Moec của AXA cho biết.

Giá trị đóng cửa của đồng Euro so với đồng USD và dự báo trong một tháng, ba tháng, sáu tháng và một năm