Fed có thể hành động chậm hơn trong xu hướng hạ lãi suất trên toàn cầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp khó khăn trong thuyết phục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, nhưng các nhà hoạch định chính sách trên thế giới sẽ không cần phải thuyết phục nhiều như vậy.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương) tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, nhưng các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới sẽ không cần phải thuyết phục nhiều như vậy.
Theo Bloomberg Economics (BE), tuyên bố về thuế quan của Tổng thống Mỹ có thể sẽ buộc hầu hết 23 ngân hàng trung ương được nêu trong báo cáo triển vọng tiền tệ toàn cầu hàng quý phải nới lỏng chính sách hơn nữa trong những tháng tới.
Chỉ số tổng hợp về lãi suất của các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm hơn 70 điểm cơ bản vào năm 2025, trong khi chỉ số tương tự về chi phí đi vay trên toàn thế giới dự kiến sẽ giảm nhiều hơn nữa.
Xu hướng chính sách chung đó phản ánh quan điểm của nhiều quan chức tiền tệ rằng nỗ lực đưa ngành sản xuất về nước và tái cấu trúc thương mại của ông Trump, nếu được thực hiện lâu dài, có thể gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng hơn là ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.
Phát biểu tuần trước sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Gita Gopinath, cho rằng nhu cầu và giá năng lượng giảm cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia. Rủi ro suy giảm tiếp tục chi phối triển vọng và sự bất ổn vẫn còn ở mức cao.
Đối với Mỹ, việc giá hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ tăng do thuế quan có thể gây quan ngại cho các quan chức Fed. Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ phản đối áp lực giảm lãi suất từ ông Trump cho đến khi tình hình cuối cùng cho phép một đợt điều chỉnh lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong quý IV/2025.
Các ngân hàng trung ương Khu vực sử dụng đồng euro, Anh và Canada (Ca-na-đa) đều được dự đoán sẽ thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất ở mức tương tự vào năm 2025. Nằm trong số ít ngoại lệ của động thái nới lỏng này là Nhật Bản, quốc gia có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa, trong khi Brazil (Bra-xin) có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất.
Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của BE, Tom Orlik, cho rằng, đối với Mỹ, tác động của thuế quan rất phức tạp. Giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn đe dọa làm lạm phát gia tăng và tăng trưởng giảm sút. Điều này sẽ khiến Fed không thể hạ lãi suất cho đến cuối năm 2025, dù ông Trump kêu gọi nới lỏng chính sách tiền tệ. Đối với phần còn lại của thế giới, những tác động là rất rõ ràng. Thuế quan cao hơn đồng nghĩa với tăng trưởng yếu hơn, lạm phát thấp hơn, và do đó sẽ phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
Phần lớn những gì diễn ra trong những tháng tới sẽ phụ thuộc vào bất kỳ thỏa thuận thương mại nào được ký kết, cùng với khả năng gây bất ngờ, thử thách cả nhà đầu tư lẫn các nhà dự báo của ông Trump.