ECDC: Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở châu Âu đã được cải thiện

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Ý. Ảnh: AFP/TTXVN

* Nhật Bản phát hiện cơ chế giúp Omicron dễ lây lan hơn so với chủng virus gốc

Ngày 2/2, phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn báo cáo được công bố cùng ngày của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 ở lục địa này đã cải thiện trong tuần thứ 4 của năm 2023 (tuần kết thúc vào ngày 29/1).

ECDC chỉ ra rằng dữ liệu được báo cáo cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Liên minh châu Âu và Khu vực Kinh tế châu Âu có sự cải thiện về tổng thể và liên tục. Các chỉ số về tỉ lệ nhập viện, tỉ lệ bệnh nhân tại phòng chăm sóc đặc biệt, tỉ lệ tử vong vì COVID-19... đều ở mức thấp nhất trong 12 tháng qua.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu đã báo cáo mức gia tăng các ca mắc trong thời gian gần đây, dù các chỉ số vẫn tương đối thấp ở những nước bị ảnh hưởng. ECDC lưu ý mặc dù tình hình dịch tễ học đã được cải thiện, COVID-19 vẫn tiếp tục đè nặng lên các hệ thống y tế của EU và Khu vực Kinh tế châu Âu.

Đặc biệt, tổng cộng có hơn 1.000 trường hợp tử vong vì COVID-19 đã được báo cáo tại 26 quốc gia EU và Khu vực Kinh tế châu Âu trong tuần thứ 4 của năm 2023. Vì vậy, ECDC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine mũi nhắc lại phòng virus SARS-CoV-2, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy các giọt nước bọt của các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có chứa nhiều virus hơn, di chuyển xa hơn và tồn tại lâu hơn trong không khí so với các giọt nước bọt của bệnh nhân nhiễm chủng virus gốc.

Trong công trình nghiên cứu này, ông Kenichi Imai, Giáo sư bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học thuộc Khoa răng của Đại học Nihon và các cộng sự đã lấy mẫu nước bọt của 90 bệnh nhân mắc COVID-19 từng tới khám tại một phòng khám ở Nagoya trong thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2022, sau đó sử dụng phương pháp ly tâm và xét nghiệm di truyền để phân tích trạng thái của các biến thể Omicron và Delta cùng với chủng virus SARS-CoV-2 gốc trong nước bọt của các bệnh nhân này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy các phần tử virus tồn tại ở hai trạng thái trong nước bọt gồm: nằm trong các tế bào hoặc bám vào bề mặt của chúng; hoặc tồn tại ở trạng thái không có tế bào, không liên kết với các tế bào. Các nhà khoa học Nhật Bản đã tập trung nghiên cứu các phần tử virus ở trạng thái không có tế bào và phát hiện rằng đối với biến thể Omicron, số lượng các phần tử virus này lên tới 3,21 triệu phần tử/cm3 nước bọt, gấp khoảng 3 lần so với con số 1,17 triệu phần tử/cm3 nước bọt của biến thể Delta và gấp 18 lần so với con số 180.000 phần tử/cm3 của chủng virus gốc.

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, Giáo sư Imai khẳng định trạng thái tồn tại của virus trong nước bọt có thể là yếu tố chính đằng sau sự lây lan của biến thể Omicron qua không khí.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết phát hiện trên có thể lý giải nguyên nhân làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron kéo dài. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng khuyến nghị cần thông gió trong phòng và đeo khẩu trang trong thời gian tới.

Biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào mùa đông năm ngoái và là tác nhân chính dẫn tới đợt bùng phát thứ sáu của dịch COVID-19 ở nước này. Kể từ đó tới nay, Omicron vẫn là biến thể chủ đạo trong hai đợt bùng phát sau đó, bao gồm cả đợt bùng phát thứ tám hiện nay.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/293001/ecdc--tinh-hinh-dich-benh-covid-19-o-chau-au-da-duoc-cai-thien.html