Ếch trong suốt và 10 sinh vật kỳ lạ sống trong rừng Amazon
Rừng nhiệt đới Amazon (Nam Mỹ) là nơi sinh sống của hàng triệu loài động, thực vật. Sự kỳ diệu của tiến hóa đã tạo ra một số sinh vật kỳ lạ, đẹp và hấp dẫn ở đây.
Cá Candiru: Candiru (hay canero, cá tăm, cá ma cà rồng) là loài cá da trơn sống ký sinh ở vùng nước ngọt. Sinh vật này có thể dài hơn 40 cm và được tìm thấy khắp lưu vực sông Amazon. Candiru được biết đến với tập tính ký sinh ở mang của những loài cá lớn hơn và hút máu của vật chủ để tồn tại. Ảnh: All That's Interesting.
Potoo Potoo: Potoo Potoo là một nhóm các loài chim thuộc họ cú muỗi và cú muỗi mỏ quặp, sinh sống khắp rừng nhiệt đới Amazon. Những sinh vật này được mệnh danh là bậc thầy cải trang. Chúng sống về đêm và dành cả ngày để bất động trên gốc cây với đôi mắt khép hờ. Gốc cây được Potoo Potoo lựa chọn cẩn thận vì đây sẽ là ngôi nhà cho quả trứng duy nhất của chúng. Ảnh: Pinterest.
Ếch thủy tinh: Ếch thủy tinh thuộc họ Centrolenidae. Điều khiến loài vật này trở nên hấp dẫn là các cơ quan nội tạng của chúng có thể nhìn xuyên thấu qua lớp da ở mặt dưới cơ thể. Kích thước của ếch thủy tinh thường dài từ 3-7,5 cm. Chúng cũng được biết đến là loài động vật ăn thịt chính con non của mình. Ảnh: Reddit.
Thằn lằn Jesus: Thằn lằn Jesus có thể chạy trên mặt nước. Năng lực kỳ diệu ấy chính là nguồn gốc của tên gọi sinh vật này. Khi chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi, thằn lằn mở ngón chân để lộ lớp màng mỏng đặc biệt. Với đủ động lực, thằn lằn có thể chạy thành công trên bề mặt xa tới 20 m. Chúng được tìm thấy trên khắp các khu rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Bắc Nam Mỹ. Ảnh: Your Keyword Basket.
Cá mập bò: Dù được xem là sinh vật nước mặn thông thường, cá mập bò được phát hiện trong môi trường nước ngọt của Amazon, cách biển hơn 4.000 km. Cá mập bò to và nặng. Con cái trưởng thành có thể dài hơn 3,3 m và nặng hơn 300 kg. Chúng có thể thích nghi với môi trường nước ngọt hoặc nước mặn và sống cả đời trong một hệ thống sông. Nhiều chuyên gia đã gán cho cá mập bò là loài cá mập nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Azertag.az.
Nhện tạo mồi nhử: Nhện tạo mồi nhử thuộc chi Cyclosa. Loài vật này dài khoảng 5 mm nhưng có thể tạo ra một con nhện mồi nhử làm từ lá khô và mảnh vụn hoàn chỉnh với kích thước lớn hơn nhiều. Nhện tạo mồi nhử lần đầu tiên được phát hiện tại trung tâm nghiên cứu Tambopata (Peru). Ảnh: Ciência Hoje no Tumblr.
Capybara: Capybara là loài gặm nhấm lớn nhất thế giới, nặng hơn 90 kg, sống theo đàn có thể đạt số lượng 100 con, phổ biến nhất là nhóm từ 10-20 cá thể. Loài vật này là con mồi ưa thích của trăn Nam Mỹ, báo đốm, mèo gấm Ocelot và cá sấu Caiman. Chúng có tuổi thọ trung bình khoảng bốn năm, là động vật ăn cỏ nên không gây nguy hiểm cho con người. Ảnh: Pinterest.ca.
Arapaima: Arapaima (hay paiche) là loài cá nước ngọt lớn nhất ở Nam Mỹ. Một số cá thể dài hơn 2,5 m và nặng hơn 100 kg. Con cá lớn nhất được ghi nhận có chiều dài 4,52 m. Arapaima có mang với mô cấu tạo như phổi nên cần phải nổi lên mặt nước sau 5-15 phút để hít không khí. Ảnh: Dailymotion.
Lươn điện: Lươn điện là loài duy nhất được biết đến trong chi cá điện. Chúng có thể tạo ra những cú sốc điện mạnh như một cơ chế phòng thủ và để săn bắt. Được biết đến với hành vi sinh sản bất thường, vào mùa khô, con đực sẽ xây dựng tổ từ nước bọt để con cái đẻ trứng. 3.000 con non có thể nở ra từ trứng của một con cái. Ảnh: Pinterest.
Cá heo hồng: Cá heo hồng được xem như là những cư dân nổi tiếng nhất của sông Amazon. Lý do những con cá heo sông này có bộ da màu hồng riêng biệt chưa được lý giải chính xác. Tuy nhiên, một số người cho rằng do các mao mạch máu gần bề mặt da. Theo truyền thuyết, vào buổi tối, cá heo hồng có thể biến mình thành một người đàn ông, thôi miên và quyến rũ những người phụ nữ trẻ nhẹ dạ. Ảnh: Jolly Tour International.