ÊĐê Café - Khát vọng buôn làng
Đã từng 'thoát ly' quê nhà với nghề nghiệp bác sĩ, nhưng chàng trai dân tộc Ê-đê, Y Pôt Niê ở Đắk Lắk vẫn không thể quên kỷ niệm cà phê ở buôn làng.
Luôn nhớ hương cà phê hòa trong mùi khói bếp, ưu tư với những hạt cà phê quý giá nhưng chẳng thể giúp amí, ama bớt nghèo, Y Pốt Niên đã trở về với buôn Kla, xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để gắn bó với cà phê theo một cách hoàn toàn mới. Sau 4 năm khởi nghiệp với dòng cà phê quen thuộc từ niên thiếu, Êđê Café của Y Pốt đã chinh phục được cả thị trường trong và ngoài nước, kể mãi câu chuyện văn hóa cà phê đặc trưng của buôn Kla.
Buôn K’La xã Đray Sáp cũng bình dị như bao buôn làng Ê-Đê ở tỉnh Đắk Lắk, với con đường nông thôn mới và những vườn cà phê thấp thoáng bên những ngôi nhà sàn.
Nhưng sâu bên trong buôn K’La là sự khác biệt với một nhà máy chế biến cà phê suốt ngày tỏa hương nồng nàn. Đó là nhà máy của công ty Cổ phần Êđê Café.
Y Pôt Niê -người sáng lập và là giám đốc điều hành của công ty cũng đang ở đây. Anh vừa vận hành hệ thống máy rang, xay, sàng tuyển , đồng thời vừa tay làm –miệng nói, sáng tạo nội dung số về câu chuyện doanh nghiệp mình sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất những loại cà phê chất lượng.
Sau 4 năm khởi nghiệp, từ một bác sĩ quay trở lại với nghề làm cà phê, Y Pôt Niê đã vượt nhiều khó khăn về rào cản ngôn ngữ, về thiếu cả tài chính và kinh nghiệm. Anh chia sẻ, mình thật may mắn khi ngay từ đầu đã coi trọng sự hòa hợp giữa văn hóa và kinh doanh. Sản phẩm “Cà phê khói” cùng câu chuyện về bếp củi, chảo gang, cối giã và bàn tay tảo tần của các amí trong buôn K’La khi làm ra loại cà phê này, đã giúp anh tìm thấy nhiều khách hàng và cả những cộng sự.
“Tôi rất may mắn khi vừa khởi nghiệp ra, ngay sản phẩm chính đầu tiên, đã mang tới những con người có cùng đam mê như tôi. Họ đã gọi điện đề nghị được đồng hành. Từ đó bản thân của Pốt đã sắp xếp được nhân sự trong công ty. Người thì phụ trách vùng nguyên liệu, người thì phụ trách việc rang xay. Còn bản thân Pốt là người đi tìm tòi, đi xúc tiến thương mại ở các tỉnh, tham gia các hội chợ và đặc biệt hơn nữa là đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài”- Y Pôt Niê nói.
Rào cản về ngôn ngữ được khai thông bằng nỗ lực học tập không ngừng, bây giờ Y Pốt Niê đã có đủ tự tin trong những chuyến đi Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Canada. Buôn K’la vắng vẻ và cách xa trung tâm Buôn Ma Thuột, cũng không làm khó được Êđê Café, bởi sản phẩm của công ty đang được bán ở khắp các sàn thương mại điện tử. Ngay cả những người già ở buôn K’La bây giờ cũng biết về cách làm mới ở Êđê Café, thấy được cái hay, cái giỏi của lớp trẻ.
Ông Ama Băm, 64 tuổi, trầm trồ: "Nó giỏi lắm. Cà phê nhân hái chín nó biết, hái xanh nó biết, hái non nó biết. Nếu mà cà phê mình hái chín hết rồi thì nó mua giá đắt. Cà phê hái xanh thì giá rẻ, nhưng cũng không rẻ như đại lý đâu. Nếu đại lý mua 135.000 thì ở đây nó mua 136.000- 137. 000 đồng cơ."
Vượt qua khó khăn, doanh thu, lợi nhuận được cải thiện từng năm, Y Pot thấy hạnh phúc vì những cố gắng của mình đã đem lại giá trị bền vững cho buôn làng.
Những ngày cuối năm 2024, Y Pốt Niê đã dự Hội nghị báo cáo viên trực tuyến của Trung ương Đoàn về “nhận thức, hành động của thanh niên về kỷ nguyên mới và sứ mệnh, trách nhiệm của thế hệ trẻ”, anh càng thêm tin tưởng rằng các giá trị mà mình theo đuổi sẽ đưa nghề cà phê, đưa buôn làng và lớp trẻ đến với những thành công mới.
"Bản thân của Pốt muốn truyền lại cảm hứng để các em nhỏ và các nhân viên mới về sau này là cách làm cà phê của mình là để thấy được giá trị của nông nghiệp, giá trị của buôn làng, để cho các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi tư duy, làm tốt hơn, phát triển nông nghiệp ở buôn làng ngày càng vững mạnh hơn"- Y Pốt Niê chia sẻ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ede-cafe-khat-vong-buon-lang-post1145858.vov