El Nino 'nung nóng' toàn cầu: 84 nghìn tỷ USD có nguy cơ 'bốc cháy'
Mới đây, Tổ chức Khí tượng Thế giới thông báo, vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương đã hình thành các điều kiện cho sự xuất hiện của hiện tượng El Nino lần đầu tiên sau bảy năm, tạo tiền đề cho sự phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ, dẫn tới các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới.
Kỷ lục nóng liên tục bị xô đổ
Tổ chức này kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cảnh báo sớm và ứng phó trước "để giảm thiểu tác động đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái và nền kinh tế".
Từ đầu năm đến nay, khu vực Đông Á, Bắc Mỹ và châu Âu trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm, sau khi bước sang tháng 5, nhiệt độ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là bắc bán cầu, thường xuyên ghi nhận các kỷ lục nóng nhất.
Cơ quan theo dõi khí hậu của Liên minh châu Âu, Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus, cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 6 là cao nhất trong cùng kỳ được ghi nhận.
Ngày 4/7, Cơ quan Khí tượng Mỹ công bố, ngày 3/7 là ngày có nhiệt độ trung bình cao nhất từng được ghi nhận trên thế giới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 17 độ C.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau (5/7), trung tâm đã tự "bác bỏ" kết luận này, khẳng định ngày 4/7 mới là ngày nóng nhất với nhiệt độ trung bình toàn cầu lên tới 17,18 độ C, phá kỷ lục 3 ngày trước đó.
Nhiệt độ cực cao thường xuyên đã gây ra các vấn đề tiêu cực liên quan đến lương thực, năng lượng, vận chuyển và hệ sinh thái, đồng thời có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu
Theo Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc), nhiệt độ cao đã làm giảm sản lượng ngũ cốc, kèm theo biến động giá nghiêm trọng. Kể từ đầu năm nay, nhiều quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn đã bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt.
Cục Khoa học và Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Úc (ABARES) dự báo sản lượng lúa mì của Úc có thể giảm 34% xuống 26,2 triệu tấn, trong khi sản lượng lúa mạch sẽ giảm 30% xuống 9,9 triệu tấn.
Tại Tây Ban Nha, hơn 3,5 triệu ha cây trồng ở 60% diện tích nông nghiệp bị "thiệt hại không thể khắc phục" do hạn hán khắc nghiệt.
Một số nhà phân tích chỉ ra, hạn hán không chỉ dẫn đến giảm sản lượng ngũ cốc mà còn là lý do tốt nhất khiến giá ngũ cốc tăng mạnh. Biến động giá lương thực có thể gây ra sự mất cân bằng thị trường, làm gián đoạn thương mại trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực và làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu.
Nhiệt độ cao còn ảnh hưởng đến thương mại và giao thông vận tải trên toàn thế giới. Hạn hán do nhiệt độ cao gây ra đã làm giảm đáng kể mực nước và việc vận chuyển nước bị hạn chế rất nhiều.
Ở châu Âu, sông Rhine, huyết mạch giao thông và thương mại chính, lại xuống mức cực thấp vào mùa hè này.
Dữ liệu của Đức cho thấy mực nước tại Kaub, một điểm quan trọng ở phía tây Frankfurt, đã giảm từ cuối tháng 5 và hiện ở mức khoảng 1,13 mét, mức thấp nhất trong 30 năm. Khi mực nước ở sông Rhine giảm, chi phí cho các tàu container sẽ tăng lên.
Tại châu Mỹ, do hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua, Cơ quan quản lý kênh đào Panama đã 5 lần hạ mức nước của tàu trong năm nay, từ 15,24m xuống 13,41m và dự kiến hạ thêm lần nữa vào tháng 7 để hạn chế lượng tàu qua lại.
Theo ước tính, một số tàu chở container có thể phải giảm 40% sức chứa hàng hóa để đi qua, điều này sẽ càng hạn chế sức tải của các tàu đi qua kênh. Được biết, một số công ty vận chuyển phụ thuộc vào tuyến kênh đào Panama đã tăng giá vận chuyển một container từ 300 USD lên 500 USD.
Vấn đề thiếu điện cũng nghiêm trọng không kém. Khi nhiệt độ tăng cao liên tục, Ấn Độ, Bangladesh và các nước khác liên tiếp xảy ra tình trạng thiếu điện.
Tập đoàn North American Electric Reliability gần đây đã báo cáo rằng thời tiết càng nóng thì khả năng xảy ra sự cố với lưới điện của Mỹ càng cao.
Ngoài ra, tác động của nhiệt độ cực cao đối với hệ sinh thái dễ gây ra các thảm họa thứ cấp.
Cơ quan Môi trường Châu Âu hồi tháng 6 tuyên bối, sóng nhiệt đã trở thành hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất ở Châu Âu. Những đợt nắng nóng gây chết người sẽ trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn trong tương lai. Trung Âu sẽ khô và nóng hơn, nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời, cháy rừng tàn phá Canada, Mỹ, Úc, Bồ Đào Nha và các quốc gia khác ngày càng trở nên thường xuyên hơn.
Đặc biệt, theo Washington Post, một nghiên cứu trên Tạp chí Science cho thấy, một số sự kiện El Nino dữ dội nhất trong quá khứ đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 4 nghìn tỷ USD trong những năm tiếp theo.
Do biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất và cường độ của các sự kiện El Nino trong tương lai. Nghiên cứu này dự đoán rằng thiệt hại kinh tế toàn cầu có thể lên tới 84 nghìn tỷ USD vào cuối thế kỷ 21, ngay cả khi các cam kết giảm lượng khí thải carbon hiện tại được đáp ứng.
Nguồn: Thepaper