El Nino trở lại cùng nhiều đe dọa

Ngày 15/6, Trung tâm Dự báo khí hậu thuộc Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) chính thức tuyên bố hiện tượng thời tiết El Nino đã trở lại sau 3 năm. Trong khi đó, Cục Thời tiết Nhật Bản cho biết El Nino đã hình thành, kéo theo tình trạng khô, nóng gia tăng.

Người dân thành phố Karachi (Pakistan) tìm cách giải nhiệt trước cái nóng dữ dội. Nguồn: REUTERS.

Người dân thành phố Karachi (Pakistan) tìm cách giải nhiệt trước cái nóng dữ dội. Nguồn: REUTERS.

El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực trung tâm và đông Thái Bình dương gần xích đạo, xảy ra trung bình 2-7 năm một lần. Nó được dự báo gây ra thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm nay, với những cơn bão nhiệt đới dày đặc hơn tấn công các hòn đảo ở Thái Bình Dương, mưa lớn ở Nam Mỹ, hạn hán tại Australia và một số khu vực ở châu Á.

Michelle L’Heureux - nhà khoa học khí hậu của NOAA cho biết, hiện tượng này sẽ khiến nhiều khu vực trên thế giới đón nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới trong mùa hè này. Trong lần gần nhất El Nino xuất hiện, thế giới trải qua năm 2016 nóng nhất từng được ghi nhận. Giờ đây, năm 2023 hoặc 2024 có thể phá kỷ lục về nhiệt độ cao này.

Các chuyên gia khí hậu lo ngại về những gì đang diễn ra với đại dương. Khi El Nino xuất hiện, nước biển ở Đông Thái Bình Dương ấm hơn bình thường. Dù vậy, ngay cả trước khi hiện tượng này bắt đầu, vào tháng 5, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đã cao hơn khoảng 1ºC so với bất kỳ mức nhiệt độ nào khác từng được ghi nhận. Điều đó khiến thời tiết khắc nghiệt càng trở nên trầm trọng hơn. “Chúng ta đang ở trong tình huống chưa từng có” - ông Michelle L'Heureux nhận xét.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tuần thứ 2 của tháng 6/2023 trên tạp chí Science, El Nino năm nay có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3.000 tỷ USD, GDP giảm do thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng nông nghiệp, sản xuất và khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Chính phủ các nước dễ bị tác động nhất đang quan tâm chặt chẽ đến tình hình biến đổi thời tiết. Peru đã dành hơn 1 tỷ USD để đối phó với các tác động của El Nino và biến đổi khí hậu. Philippines, quốc gia có nguy cơ hứng chịu nhiều bão và lốc xoáy, đã thành lập một nhóm đặc biệt của chính phủ để xử lý các hậu quả tiềm tàng.

Các nhà khoa học cho biết, trong thời kỳ El Nino 2015-2016, trữ lượng cá cơm ngoài khơi bờ biển Peru đã giảm 1/4 do nước ấm hơn. Gần 1/3 số san hô trên rạn san hô Great Barrier của Australia đã chết. Ở vùng nước quá ấm, san hô sẽ khiến tảo sống bị vôi hóa và chuyển sang màu trắng. Sự tích tụ nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương cũng truyền nhiệt vào khí quyển thông qua sự đối lưu, tạo ra giông bão.

Tom DiLiberto - nhà khí tượng học Mỹ cho biết, khi El Nino di chuyển dòng nước ấm đó, nó sẽ di chuyển đến nơi xảy ra giông bão. “Đó là chính là hiện tượng domino khí quyển”.

Trong khi đó, theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), thế giới hiện đứng trước nguy cơ chứng kiến nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hàng năm sẽ cao hơn 1,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, do sự kết hợp giữa ô nhiễm bẫy nhiệt và hiện tượng El Nino. Sự thay đổi trong hoạt động của bão ảnh hưởng đến luồng phản lực cận nhiệt đới (luồng không khí di chuyển nhanh làm thay đổi thời tiết trên khắp thế giới) và đẩy đường đi của nó về phía Nam. Gió thay đổi khiến hoạt động của các cơn bão tại Đại Tây Dương thay đổi. Tuy nhiên, ngược lại, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được tăng cường và thường hướng về phía các hòn đảo dễ bị tác động. Điều đó đồng nghĩa với các quốc gia châu Á năm nay sẽ đối diện với nhiều trận bão lớn.

Vẫn theo ông Tim DiLiberto, El Nino làm biến đổi khí hậu như thế nào vẫn là một câu hỏi rất lớn, tuy rằng trên thực tế nó có thể làm gia tăng gấp đôi tác động xấu về thời tiết khi nhiệt chồng nhiệt và mưa chồng mưa. Hiểu một cách đơn giản là El Nino khiến cho vùng đất này khô khát, nhưng lại gây mưa bão, lụt lội ở vùng đất khác.

El Nino xuất hiện không chỉ đem tới sự bất ổn của thời tiết mà còn gieo họa về sản xuất, kinh tế. Hiện tại, thời tiết khô nóng do El Nino gây ra đang đe dọa các nhà sản xuất lương thực khắp châu Á và Australia; với ước tính sản lượng giảm 34%. Trong khi đó, người trồng trọt ở châu Mỹ đang mong mưa trở lại sau thời gian hạn hán nghiêm trọng. Các chuyên gia cũng cho rằng khi El Nino mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mía đường tại Ấn Độ và Thái Lan, cũng như làm gián đoạn vụ thu hoạch mía ở Brazil.

Chưa hết, nhóm chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, sự thay đổi của các điều kiện thời tiết do El Nino sẽ làm gia tăng số ca sốt xuất huyết tại một số quốc gia châu Á. Ông Thongchai Keeratihattayakorn - Cục trưởng Cục Dịch vụ y tế Thái Lan, cho biết từ giữa tháng 5 tới 2 tuần đầu tháng 6 đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh, trong đó có 15 trường hợp tử vong. Kinh khủng hơn, theo Reuters, Peru đang trải qua dịch sốt xuất huyết tồi tệ kể từ đầu năm tới nay với hơn 130.000 ca bệnh được ghi nhận và số trường hợp tử vong là hơn 200.

Để ứng phó với El Nino, đại diện cấp bộ trưởng các nước Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan đã nhóm họp ở Singapore để bàn cách ứng phó. Trong đó có việc chống đỡ tình trạng khói mù xuyên biên giới. Ông Nik Nazmi Nik Ahma - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia cho biết, Trung tâm Khí tượng Asean (ASMC) dự báo mùa khô năm nay sẽ khốc liệt và kéo dài hơn những năm gần đây; từ tháng 6 đến tháng 10. Cùng đó, ASMC dự báo nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng khói mù xuyên biên giới ở phía nam các nước Asean. ASMC cảnh báo, do dễ bắt lửa, nhất là từ hoạt động đốt ruộng, rẫy, các bãi than bùn khô là "thủ phạm" của 90% vụ cháy gây khói mù. Khói mù do cháy rừng tác động xấu đến người đau tim, mắc bệnh đường hô hấp, suy yếu miễn dịch, đau mắt... ngoài ra còn liên quan tới tình trạng sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/el-nino-tro-lai-cung-nhieu-de-doa-5720867.html