Elon Musk: Chip não Neuralink đã được cấy ghép cho bệnh nhân thứ hai, giúp con người kiểm soát siêu AI

Neuralink đã cấy ghép chip não thành công cho bệnh nhân thứ hai, theo Elon Musk – chủ sở hữu công ty khởi nghiệp này. Đó là thiết bị được thiết kế để giúp bệnh nhân bị liệt có khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số bằng cách suy nghĩ.

Neuralink đang trong quá trình thử nghiệm thiết bị của mình, nhằm mục đích giúp những người bị tổn thương tủy sống. Thiết bị này cho phép bệnh nhân đầu tiên chơi game, duyệt internet, đăng bài trên mạng xã hội và di chuyển con trỏ trên máy tính của mình.

Trong một podcast kéo dài hơn 8 giờ được đăng cuối tuần qua, Elon Musk đưa ra rất ít thông tin chi tiết về bệnh nhân tham gia cấy ghép chip não thứ hai, ngoài việc nói rằng người này bị tổn thương tủy sống tương tự bệnh nhân đầu tiên (bị liệt trong tai nạn lặn biển).

Elon Musk cho biết 400 điện cực cấy ghép trên não của bệnh nhân thứ hai đang hoạt động. Neuralink tuyên bố trên trang web của mình rằng thiết bị cấy ghép của họ sử dụng 1.024 điện cực.

"Có vẻ như mọi việc diễn ra cực kỳ tốt với thiết bị cấy ghép thứ hai. Có rất nhiều tín hiệu, rất nhiều điện cực. Nó hoạt động rất tốt", Elon Musk nói với nhà khoa học máy tính Lex Fridman - người dẫn chương trình podcast.

Elon Musk không tiết lộ thời điểm Neuralink thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân thứ hai. Tỷ phú giàu nhất thế giới nói ông hy vọng Neuralink sẽ cung cấp thiết bị cấy ghép cho 8 bệnh nhân nữa trong năm nay như một phần của các thử nghiệm lâm sàng.

Bệnh nhân đầu tiên, Noland Arbaugh (29 tuổi, sống tại bang Arizona, Mỹ), cũng được phỏng vấn trên podcast cùng ba giám đốc Neuralink - những người cung cấp thông tin chi tiết về cách thức hoạt động của thiết bị cấy ghép và ca phẫu thuật do robot thực hiện.

Trước khi được cấy ghép chip não vào tháng 1, Noland Arbaugh phải dùng máy tính thông qua một thanh trong miệng để chạm vào màn hình.

Noland Arbaugh cho biết sau khi được cấy ghép chip não, anh có thể nghĩ về những gì muốn xảy ra trên màn hình máy tính, và thiết bị của Neuralink sẽ biến điều đó thành hiện thực. Noland Arbaugh nói thiết bị này đã mang lại cho anh một chút độc lập và giảm sự phụ thuộc vào người chăm sóc.

Noland Arbaugh ban đầu gặp phải vấn đề sau ca phẫu thuật khi những sợi dây nhỏ trên thiết bị cấy ghép của anh bị co lại, dẫn đến việc giảm mạnh các điện cực có thể đo tín hiệu não. Reuters đưa tin Neuralink đã biết về vấn đề này từ các thử nghiệm trên động vật của mình.

Công ty cho biết đã khôi phục khả năng theo dõi tín hiệu não của Noland Arbaugh bằng cách thực hiện các thay đổi, gồm cả sửa đổi thuật toán để nhạy hơn. "Noland Arbaugh đã cải thiện kỷ lục thế giới trước đó của mình về tốc độ điều khiển con trỏ chỉ bằng suy nghĩ với chỉ khoảng 10, 15% điện cực hoạt động", Elon Musk nói trên podcast.

Cuối tháng 5, Noland Arbaugh đã chia sẻ với trang Insider về trải nghiệm cấy chip não của mình: “Tôi không hề sợ hãi khi tham gia dự án của Neuralink hồi tháng 1. Tôi nghĩ bất cứ điều gì sắp xảy ra đều là kế hoạch của Chúa dành cho cuộc đời mình. Tôi cũng tin tưởng đội ngũ Neuralink. Họ là những người xuất sắc, mọi câu hỏi của tôi đều được giải đáp rất tốt. Có nhiều rủi ro đi kèm, nhất là khi tôi là người đầu tiên, nhưng điều duy nhất tôi lo lắng là bị tổn thương não. Tôi nói với bố mẹ, nếu chẳng may bị thiểu năng trí tuệ, tôi muốn vào viện thay vì để họ chăm sóc. Đó có lẽ là điều khó khăn nhất tôi phải chuẩn bị.

Một tháng sau khi cấy chip, một số sợi kết nối tự tách khỏi mô. Đây không phải lỗi của Neuralink. Nhóm nghiên cứu đã nói chuyện với nhiều bác sĩ phẫu thuật và kết luận vấn đề xảy ra do não di chuyển khoảng 1mm. Khi kiểm tra kỹ, nhóm phát hiện bộ não thực tế xê dịch khoảng 3mm.

Khi biết chuyện đang xảy ra, phản ứng đầu tiên của tôi là hỏi xem họ có lắp chip mới không. Câu trả lời là chưa vì nhóm muốn xem có thể giải quyết vấn đề bằng phần mềm không, điều mà cuối cùng họ đã làm được thay vì phẫu thuật gắn chip mới. Họ xử lý vấn đề thực sự tốt, bởi quá trình không gây tổn thương về thể chất và không nguy hiểm.

Khi chip hoạt động ổn định, tôi đã dùng não để nhắn tin cho mọi người trên X, sử dụng Instagram, trả lời email, chơi game, đọc truyện tranh trực tuyến và truy cập website hay học tiếng Nhật. Có lần tôi ngủ quên khi đang sử dụng, con trỏ vẫn di chuyển khi ngủ, vẫn bấm vào nội dung. Sau 5 phút, tôi thức dậy và thấy khoảng 10 ứng dụng khác nhau đang mở trên máy tính.

Thiết bị kết nối với máy tính bằng Bluetooth và có ứng dụng Neuralink cho phép bộ cấy ghép truy cập nên tôi có thể kết nối và ngắt theo ý muốn. Đôi khi, tôi bắt đầu ngày mới lúc 7 giờ và sử dụng thiết bị cấy ghép đến 23 giờ. Với tôi, thời gian trôi qua nhanh.

Tôi tham gia buổi học với nhóm giao diện não - máy tính ở Maryland khoảng 4-8 giờ mỗi ngày. Nhóm cung cấp cho tôi thông tin về hệ thống. Tôi đưa ra các cảm nhận khi sử dụng. Mọi thứ giúp cải thiện phần mềm.

Tôi có cảm giác như sống thêm một lần nữa sau khi cấy chip. Nó cho phép kết nối lại với thế giới, bạn bè và gia đình bằng các tương tác trên mạng xã hội hay nhắn tin, thứ mà tôi tưởng chừng không thể làm được nữa.

Một trong những điều quan trọng khi bị liệt tứ chi là cảm giác bất lực, muốn lấy lại quyền kiểm soát nhiều nhất có thể. Có những ngày sau tai nạn, năm 2016, tôi không muốn làm gì cả, luôn nghĩ mọi thứ thật tồi tệ. Tôi không biết mình đang làm gì trong vài tháng, giống như thứ bỏ đi.

Việc cấy ghép mang lại cho tôi nhiều mục đích sống hơn mỗi khi thức dậy. Tôi cảm thấy mình đang làm một việc có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn sẽ ảnh hưởng đến nhiều người sau chuyện này. Điều đó đủ giúp tôi tiếp tục cố gắng".

Neuralink tiết lộ đã dùng robot đặt bộ phận cấy ghép giao diện não - máy tính vào vùng não. Bác sĩ phải mất vài giờ thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị cùng với bộ phận chip siêu mỏng chứa khoảng 64 sợi khác nhau vào trong. Các sợi mỏng bằng 1/14 chiều rộng sợi tóc.

Đầu tháng 5, Neuralink cho biết thiết bị cấy ghép gặp vấn đề cơ học, khi một số sợi gắn điện cực nằm trong mô não bắt đầu tự tách khỏi mô, khiến "hoạt động không bình thường". Công ty đã khắc phục vấn đề thông qua bản cập nhật phần mềm.

Theo Elon Musk, Neuralink đã cấy ghép chip não thành công cho bệnh nhân thứ hai - Ảnh: Reuters

Theo Elon Musk, Neuralink đã cấy ghép chip não thành công cho bệnh nhân thứ hai - Ảnh: Reuters

Elon Musk: Chip não của Neuralink giúp con người kiểm soát siêu AI

Elon Musk cho rằng chip não Neuralink sẽ là phương án tốt nhất để con người kết hợp và cạnh tranh với hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo (AGI) tương lai.

Trong cuộc phỏng vấn với Lex Friedman, Elon Musk nói ngoài việc cho phép con người vận hành giao diện máy tính đơn giản bằng suy nghĩ của họ, Neuralink sẽ cung cấp cho họ những khả năng đặc biệt.

"Hãy trao cho mọi người siêu năng lực", tỷ phú 52 tuổi người Mỹ nói đùa.

Theo ông, mọi người sẽ thấy tương tác truyền thống giữa con người và máy tính "chậm đến mức đau đớn" sau khi sử dụng thiết bị cấy ghép để giao tiếp "nhanh hơn kiểu giao tiếp bằng cách gõ hoặc nói".

Elon Musk nhiều lần khẳng định Neuralink là công nghệ thúc đẩy cộng sinh giữa người và AI trong tương lai. Trong cuộc phỏng vấn, ông nhấn mạnh đây là phương án tốt nhất để ngăn AI vượt con người và mất kiểm soát theo kiểu robot trong loạt phim Kẻ hủy diệt.

"Đây là ý tưởng giúp ích cho nỗ lực duy trì an toàn AI. Chúng ta có thể giúp ý chí con người đạt năng lực như AI nếu khả năng tính toán tăng đáng kể", ông chủ Neuralink nói.

Hàng loạt hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), công nghệ cho phép AI suy luận như con người. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều lo ngại. Elom Musk từng chỉ trích OpenAI, công ty dẫn đầu về AI mà ông đồng sáng lập, vì cho rằng họ phát triển quá nhanh mà không xem xét đầy đủ những biện pháp bảo đảm an toàn AI.

Không chỉ cạnh tranh với AI, Elon Musk nói thiết bị Neuralink sẽ có khả năng phục hồi tế bào thần kinh bị thương tổn, giúp những người bị mù và liệt. "Nó cũng có thể giải quyết những vấn đề thần kinh như tâm thần phân liệt hoặc co giật, cũng như cải thiện trí nhớ", ông nói.

Elon Musk khẳng định mục tiêu của Neuralink không chỉ mang đến khả năng sinh hoạt bình thường cho người bị tổn thương thần kinh, mà còn nhằm cải thiện năng lực tự nhiên của con người. Ông cho rằng người dùng Neuralink sẽ có khả năng thị giác vượt trội người bình thường trong tương lai.

Neuralink được Elon Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Tỷ phú giàu nhất thế giới có tham vọng lớn khi tin Neuralink sẽ thay đổi thế giới, mở ra tiềm năng thần giao cách cảm. Năm 2019, Elon Musk nói con người sẽ "hợp nhất và đạt được sự cộng sinh với AI". Dù vậy, giới bảo mật lo ngại hệ thống có thể bị hacker tấn công.

Mới đây, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX tiết lộ đã nói chuyện với Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa mà ông ủng hộ, về việc thành lập một ủy ban nhằm cải thiện "hiệu quả chính phủ" thông qua việc giảm quy định kinh doanh. Elon Musk sẵn sàng tham gia vào ủy ban này. Theo quan điểm của Elon Musk, các quy định của Mỹ cản trở đổi mới.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/elon-musk-chip-nao-neuralink-da-duoc-cay-ghep-cho-benh-nhan-thu-hai-giup-con-nguoi-kiem-soat-sieu-ai-222363.html