Telegram: Từ ứng dụng nhắn tin đến 'chợ đen' ưa thích của những kẻ tội phạm

Vụ bắt giữ người sáng lập Telegram Pavel Durov đã thu hút sự chú ý về cách thức mà các nhóm tội phạm, kẻ trộm danh tính và buôn ma túy sử dụng ứng dụng này như một nơi bán hàng ưa thích.

Elisabet Balk không phải nghĩ nhiều khi đăng tải một bức ảnh selfie và một ảnh chứng minh thư quốc gia của mình để xác thực tài khoản mạng xã hội mới. Tuy nhiên, cô đã rất hoảng sợ khi phát hiện ra rằng những bức ảnh này đang được rao bán trên Telegram, một ứng dụng nhắn tin.

Dữ liệu cá nhân của Balk chỉ là một trong vô số thông tin bị thu trái phép đang được rao bán trên một “khu chợ” mới của tội phạm. Telegram, nền tảng kết hợp giữa mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, đã trở thành nơi để mua bán mọi thứ: từ dữ liệu bị hack, vũ khí, ma túy cho đến các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em...theo các quan chức và các nhà nghiên cứu tội phạm mạng.

Telegram, trụ sở chính ở Dubai, cho phép mở tài khoản chỉ với một số điện thoại và tuyên bố chưa bao giờ làm lộ dữ liệu người dùng cho bên thứ ba. Telegram cũng áp dụng cách tiếp cận tự do trong việc quản lý nội dung.

Các cơ quan chức năng Pháp đã cáo buộc Pavel Durov, Giám đốc điều hành của Telegram, tiếp tay trong việc phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em, ma túy và phần mềm hack trên ứng dụng này. Các cơ quan pháp lý cũng cáo buộc ông từ chối hợp tác với các cuộc điều tra về hoạt động bất hợp pháp trên Telegram.

Ông Durov cho biết vào ngày 5/9 rằng Telegram không hoàn hảo, nhưng cũng không phải là một "thiên đường vô chính phủ". Ông nói rằng Telegram luôn sẵn sàng đối thoại với các cơ quan quản lý.

 Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov (Ảnh: WSJ)

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov (Ảnh: WSJ)

Giám đốc vận hành của Telegram, Mike Ravdonikas, cho biết số lượng người dùng tăng nhanh đã gây ra “những khó khăn trong việc kiểm duyệt nội dung”, và Telegram đang cố gắng khắc phục vấn đề này. Ông khẳng định rằng Telegram không được thiết kế cho tội phạm mà cho phần lớn người dùng hợp pháp.

Ông Ravdonikas cho biết những người quản lý của Telegram phải xóa hàng triệu bài viết gây hại mỗi ngày và tích cực chống lại nội dung bất hợp pháp, bao gồm việc bán dữ liệu cá nhân và chia sẻ nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.

Theo các nhà nghiên cứu và hồ sơ trò chuyện, những kẻ trộm danh tính, nhóm ấu dâm và buôn ma túy sử dụng Telegram như một “cửa hàng”. Một nghiên cứu vào tháng 2 năm nay của một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế cho thấy Telegram là ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất để xem và chia sẻ nội dung tình dục trẻ em.

Kênh Telegram đã đăng tải hình ảnh của Balk được thành lập cách đây 2 năm và có khoảng 3.000 người đăng ký.

 Kênh Telegram đăng tải hình ảnh của Elizabet Balk có bán hộ chiếu, thẻ căn cước và ảnh selfie mà những kẻ lừa đảo có thể sử dụng để mở tài khoản ngân hàng dưới tên của nạn nhân (Ảnh: WSJ)

Kênh Telegram đăng tải hình ảnh của Elizabet Balk có bán hộ chiếu, thẻ căn cước và ảnh selfie mà những kẻ lừa đảo có thể sử dụng để mở tài khoản ngân hàng dưới tên của nạn nhân (Ảnh: WSJ)

Mỗi ngày, kênh này quảng cáo hàng loạt hộ chiếu, chứng minh thư và ảnh selfie như “mẫu” cho các gói hàng lớn hơn, và yêu cầu người mua liên hệ qua tin nhắn riêng để mua gói đầy đủ. Kênh này đã bị xóa sau khi tờ The Wall Street Journal đặt câu hỏi cho Telegram về nó.

Có hàng nghìn kênh và nhóm trên Telegram bán danh tính bị đánh cắp, có thể dùng để mở tài khoản ngân hàng và đầu tư. Một số kênh thậm chí cung cấp tài khoản ngân hàng đã được tạo sẵn bằng thông tin bị đánh cắp. Một kênh có tên Bank Store Online đã rao bán tài khoản tại hơn 60 ngân hàng và sàn giao dịch tiền mã hóa, với giá từ 80 USD cho tài khoản cá nhân đến 1.800 USD cho tài khoản doanh nghiệp. Việc thanh toán được thực hiện bằng tiền mã hóa.

Tại Nga, nơi ông Durov sáng lập Telegram vào năm 2013, nền tảng này cũng được sử dụng để tổ chức các giao dịch lách luật trừng phạt của Mỹ, như buôn lậu các bộ phận vũ khí. Một số nhóm quảng cáo việc bán máy bay không người lái cho các đơn vị quân đội Nga tại Ukraine.

“Đây là nơi tập trung của mọi hoạt động bất hợp pháp mà bạn có thể nghĩ đến”, ông Evan Kohlmann, người sáng lập Cloudburst Technologies, tổ chức theo dõi tội phạm mạng, cho biết.

“Chợ đen” của những kẻ tội phạm

Trước khi Telegram trở nên phổ biến, tội phạm thường hoạt động trên các trang web đặc biệt trên internet gọi là “darknet”. Những trang này không được các trình duyệt web tìm thấy và chỉ có thể truy cập bằng phần mềm đặc biệt ẩn danh. Người dùng internet thông thường rất hiếm khi gặp phải chúng. Một ví dụ nổi tiếng là “Silk Road”, một chợ đen trực tuyến đã bị đóng cửa.

Các trang web trên darknet thường chậm chạp, giao diện cồng kềnh và dễ bị các cơ quan thực thi pháp luật tấn công. Ngược lại, Telegram nhanh và dễ sử dụng, với các tính năng giúp việc mua bán trở nên thuận tiện ngay trên ứng dụng.

Theo các nhà nghiên cứu, tính hữu ích của Telegram đã thúc đẩy nhiều hoạt động tội phạm, đặc biệt là việc bán dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và tài liệu lạm dụng trẻ em.

Ông Dan Sexton, Giám đốc công nghệ của Internet Watch Foundation (IWF), cho biết Telegram là “phiên bản tiếp theo” sau khi internet ban đầu cho phép những kẻ tội phạm kết nối với nhau trên không gian mạng.

 Dữ liệu riêng tư của Elisabet Balk chỉ là một phần nhỏ trong số dữ liệu bị bán trái phép trên Telegram (Ảnh: WSJ)

Dữ liệu riêng tư của Elisabet Balk chỉ là một phần nhỏ trong số dữ liệu bị bán trái phép trên Telegram (Ảnh: WSJ)

IWF cho biết họ phát hiện rằng gần như tất cả các trang web mới bán tài liệu lạm dụng trẻ em đều chỉ dẫn người dùng đến Telegram để trao đổi thông tin tài chính và thực hiện giao dịch.

Khác với các công ty mạng xã hội khác như Meta và Snap, Telegram không báo cáo các hình ảnh lạm dụng trẻ em cho IWF hoặc Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và Bị lạm dụng (NCMEC) của Mỹ.

Ông Ravdonikas, Giám đốc vận hành của Telegram, cho biết các hình ảnh được tải lên Telegram sẽ được kiểm tra với cơ sở dữ liệu của công ty về nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, và Telegram đang mở rộng cơ sở dữ liệu này bằng nguồn dữ liệu từ bên ngoài.

Dữ liệu cá nhân bị bán như hàng hóa

Dữ liệu cá nhân như của Balk bị rò rỉ ra thị trường đen thông qua các vụ rò rỉ và tấn công mạng. Balk, 21 tuổi, sống gần Helsinki, đã tải lên ảnh selfie và thẻ ID để xác minh tài khoản trên trang mạng xã hội người lớn OnlyFans. Cô cho hay cô chỉ đang đùa với bạn bè.

Tháng 2 năm nay, hình ảnh của cô được đăng lên Telegram trên một kênh có tên “Dock Services”, nơi bán danh tính của công dân Phần Lan với giá 8 USD mỗi cái. Bức chân dung của cô có vẻ như đã được chỉnh sửa bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để thành một video deepfake, có thể làm giả thông tin để lừa ngân hàng vay tiền hoặc rửa tiền bẩn dưới tên của cô, theo các nhà nghiên cứu tội phạm mạng.

Balk nhắn tin cho một người dùng khác từng cảnh báo cô về vụ rò rỉ: “Tôi thực sự rất sợ bây giờ. Tôi không biết điều này có thể xảy ra với tôi”.

 Elisabet Balk cho biết cô rất lo ngại khi dữ liệu cá nhân vẫn bị tội phạm bán trên Telegram (Ảnh: WSJ)

Elisabet Balk cho biết cô rất lo ngại khi dữ liệu cá nhân vẫn bị tội phạm bán trên Telegram (Ảnh: WSJ)

Hình ảnh của Balk sau đó đã được bán lại ở nhiều nơi khác, trong đó có người quản lý một nhóm Telegram khác có tên “The Dragon Boi.” Người này khoe rằng họ kiếm được rất nhiều tiền từ việc lừa đảo danh tính, đến nỗi đã mua được một chiếc Mercedes-Benz và một chiếc đồng hồ Rolex.

Balk đã báo cáo vụ mất danh tính với cảnh sát Phần Lan. Các sĩ quan sau đó thông báo rằng họ đã dừng điều tra vì không thể tìm ra kẻ phạm tội. OnlyFans đã thông báo với Balk qua email rằng họ đang kiểm tra bất kỳ vụ rò rỉ dữ liệu nào có thể xảy ra.

Một phát ngôn viên của OnlyFans ở London nói rằng họ không thể đưa ra thông tin về từng trường hợp cụ thể, nhưng khẳng định hệ thống của họ không bị tấn công.

Vì không có hành động nào để gỡ bỏ hình ảnh của mình, Balk vẫn lo lắng rằng những kẻ tội phạm trên Telegram vẫn đang “bán dữ liệu của tôi”.

Theo Wall Street Journal

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/telegram-tu-ung-dung-nhan-tin-den-cho-den-ua-thich-cua-nhung-ke-toi-pham-post178042.html