Elon Musk cũng gặp khó khi phải trả lãi ngân hàng
Khoản vay để mua Twitter sắp đến kỳ trả lãi, khiến người giàu thứ hai thế giới đứng trước lựa chọn khó khăn, phá sản Twitter hoặc bán thêm cổ phiếu Tesla đang trượt giá.
Các nguồn tin trong thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk cho biết đợt trả lãi đầu tiên, phát sinh từ khoản vay 13 tỷ USD để mua nền tảng mạng xã hội, sẽ đến hạn vào cuối tháng 1, theo FT. Khoản nợ khổng lồ đồng nghĩa với khoản trả lãi lên đến 1,5 tỷ USD hàng năm.
Để có tiền để mua Twitter với giá 44 tỷ USD vào tháng 10/2022, sếp Tesla và SpaceX đã thỏa thuận vay một khoản tiền lớn từ nhóm ngân hàng do Morgan Stanley, Bank of America, Barclays và Mitsubishi đứng đầu. Dù vậy, thực thể "đứng tên" khoản nợ là Twitter, và không có đảm bảo từ Musk.
Kể từ khi tiếp quản, Musk tìm mọi cách cắt giảm chi phí, sa thải một nửa số nhân viên thậm chí cắt giảm nhiều tiện ích văn phòng, đồng thời tìm kiếm các nguồn doanh thu mới, chẳng hạn như dịch vụ đăng ký Twitter Blue.
Dù vậy, doanh thu Twitter đã tiếp tục giảm so với mức lỗ 221 triệu USD vào năm 2021 trước khi được Musk mua lại. Sếp Twitter thường xuyên đưa ra viễn cảnh rằng công ty có thể phá sản.
Trong khi đó, chia sẻ với Zing, chuyên gia phân tích cho rằng Musk có thể phải vận dụng số cổ phiếu Tesla mà ông đang giữ để cứu Twitter.
"Tuy không có đủ thông tin để đánh giá, nhưng có thể Musk đang rất khó khăn về dòng tiền. Việc giảm giá xe Tesla có lẽ để kích giá cổ phiếu lên trước khi Musk phải bán tiếp lấy tiền mặt cho thương vụ Twitter", TS Lê Hồng Giang, nhà phân tích tài chính và Giám đốc đầu tư tại Tactical Management Global, cho biết.
2 kịch bản với Twitter
“Công ty này giống như bạn đang ở trong một chiếc máy bay đang lao thẳng xuống mặt đất với tốc độ cao, trong khi động cơ bốc cháy và hệ thống điều khiển không hoạt động”, Musk cho biết vào tháng trước.
Nếu Twitter không trả được khoản lãi đầu tiên, công ty sẽ gia nhập một câu lạc bộ nhỏ nhưng khét tiếng gồm các doanh nghiệp được giới buôn nợ gọi là “NCAA”, viết tắt của “no coupon at all” hay các khoản nợ không trả lãi và sẽ bị mua lại với giá rẻ hơn để bù cho phần lãi đáng nhẽ phải có, bao gồm công ty cho thuê ôtô Hertz của Mỹ và tập đoàn thanh toán Wirecard của Đức.
Việc không trả được nợ như vậy cũng có thể dẫn đến việc ban quản lý của Twitter phải nộp đơn xin phá sản, và các tòa án Mỹ sẽ bắt đầu một quy trình tái cơ cấu nợ.
Musk có thể tránh kịch bản này bằng cách trả lãi với nguồn dự trữ tiền mặt đang cạn kiệt của Twitter, hoặc bán thêm vốn cổ phần trong công ty, cả hai lựa chọn đều gây thiệt hại.
Công ty đang có khoảng 1 tỷ USD tiền mặt, Musk cho biết. Tỷ phú cũng đã cảnh báo rằng dòng tiền ra ròng của Twitter có thể vào khoảng 6 tỷ USD vào năm tới nếu không có thêm các biện pháp tiết kiệm chi phí.
Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc khoản nợ sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời giá trị doanh nghiệp của Twitter bị tổn hại.
Lựa chọn khó khăn của Elon Musk
Trong khi đó, các chủ ngân hàng và các chuyên gia quan sát thương vụ cho biết Musk khó có thể nộp đơn xin phá sản, vì sẽ khiến tỷ phú có nguy cơ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.
Khoản đầu tư vốn cổ phần cá nhân của Musk vào Twitter, trị giá khoảng 26 tỷ USD, sẽ bị xóa sạch trong trường hợp phá sản, cùng với vốn của các bên chủ sỡ hữu khác như Sequoia Capital, đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed bin Talal.
Trong trường hợp Twitter phá sản, nhóm này sẽ không được ưu tiên bằng các ngân hàng đã cho Twitter vay bảo đảm bằng tài sản công ty, cũng như các bên cho vay không có bảo đảm và các chủ nợ thương mại.
“Tôi cho rằng Twitter sẽ không vỡ nợ vì những gì xảy ra cho các chủ sở hữu trong kịch bản này sẽ khá rõ ràng”, một chủ ngân hàng nắm giữ một khoản nợ lớn nói với FT. Người này cho biết các cuộc thảo luận giữa các ngân hàng và ban quản lý của Twitter về việc trả nợ đang diễn ra.
Các chủ ngân hàng cũng nói rằng Musk có thể mua lại khoản nợ của Twitter với giá rẻ, trong hoặc ngoài thời kỳ phá sản. Trong trường hợp này, nếu các ngân hàng sẵn sàng bán khoản nợ cho Musk với giá ưu đãi, thì tỷ phú vẫn sẽ phải trả thêm một khoản tiền nữa nếu muốn tiếp tục nắm quyền kiểm soát công ty.
Nhưng với việc cổ phiếu của Tesla giảm 65% vào năm ngoái và Musk bán tháo mạnh, giá trị cổ phần của ông trong công ty đã giảm xuống còn khoảng 50 tỷ USD, từ mức 170 tỷ USD khi đề nghị mua Twitter vào tháng 4 năm ngoái. Vì vậy, Musk ngày càng ít có ít khả năng huy động tiền mặt bằng cách thế chấp thêm cổ phiếu Tesla.
Một giải pháp thay thế là thực hiện quyền chọn cổ phiếu, nhưng như vậy Musk sẽ phải trả một khoản thuế lớn ngay lập tức. Mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà đầu tư Tesla là nếu Twitter tiếp tục thua lỗ thì Musk có thể phải bán thêm cổ phiếu Tesla. Kể từ cuối năm 2021, tỷ phú đã bán gần 40 tỷ USD cổ phiếu Tesla, một phần để tài trợ cho thương vụ mua lại Twitter.
Musk đã cố gắng huy động thêm tiền cho Twitter. Tháng trước, người quản lý tài sản của tỷ phú, Jared Birchall, đã mời các nhà đầu tư cổ phần hiện tại mua thêm cổ phần với mức giá mà họ đã trả vào tháng 11/2022.
Nhưng trên thực tế, giá trị của Twitter đã giảm kể từ khi Musk tiếp quản. Nhà phân tích cổ phần công nghệ Dan Ives tại Wedbush Securities cho biết Twitter hiện trị giá gần 15 tỷ USD, so với 44 tỷ USD mà Musk đã trả.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/elon-musk-cung-gap-kho-khi-phai-tra-lai-ngan-hang-post1395155.html