Elon Musk: Đốt tiền vào tiêm kích có người lái là 'sai lầm', Mỹ nên dốc sức cho UAV
Tỷ phú công nghệ Elon Musk vừa gây chú ý với loạt bình luận công khai chỉ trích các dự án máy bay chiến đấu có người lái của Mỹ, đặc biệt là F-47, mẫu máy bay thế hệ thứ 6 do Boeing sản xuất.
Ông Musk cho rằng đầu tư vào các nền tảng như vậy là sai lầm nghiêm trọng, làm suy yếu năng lực quốc phòng và khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua vũ trang hiện đại.

Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Reuters
Ưu tiên máy bay không người lái
CEO Tesla từ lâu đã thể hiện quan điểm nghi ngờ về hiệu quả của máy bay chiến đấu có người lái. Từ năm ngoái, ông đã công khai chỉ trích mẫu F-35 của Lockheed Martin, mô tả nó là "lỗi thời" trong một thế giới đang chuyển mình sang vũ khí không người lái. Trên nền tảng X (trước đây là Twitter), ông Musk đăng video máy bay không người lái Trung Quốc kèm dòng chữ: “Một số người vẫn đang chế tạo F-35 như thể năm 2005”.
Tuần này, Musk tiếp tục tấn công quan điểm truyền thống bằng phát biểu mạnh mẽ hơn trên X: “Chúng ta cần nhanh chóng tìm ra cách sản xuất máy bay không người lái với quy mô lớn. Nếu không, chúng ta sẽ sẽ bị bỏ lại”.
“Chi hơn một nghìn tỉ USD cho một máy bay chiến đấu có người lái mới thay vì đẩy mạnh chương trình UAV (máy bay không người lái) là đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”, ông viết.
Theo National Interest, mặc dù ông Musk không nêu tên trực tiếp nhưng những gì ông nói được hiểu là đang nhắm vào Boeing F-47, mẫu chiến đấu cơ thế hệ 6 được chọn vào tháng 3 trong chương trình NGAD (Chiếm ưu thế trên không Thế hệ tiếp theo) của không quân Mỹ.

Boeing được chọn để sản xuất tiêm kích F-47 - Ảnh: Reuters
Boeing đã giành được hợp đồng trước đối thủ Lockheed Martin. Sự xuất hiện của F-47 đang tạo ra nhiều tranh luận, không chỉ về công nghệ mà còn về chính trị và ngân sách. Ông Musk cho rằng việc theo đuổi một chiến đấu cơ có người lái thế hệ mới là một bước lùi, nhất là khi các quốc gia đối thủ đang vượt lên trong lĩnh vực UAV chiến đấu.
Quan hệ rạn nứt giữa ông Musk và Tổng thống Trump
Ông Musk và Tổng thống Donald Trump từng được xem là đồng minh, đặc biệt trong bối cảnh Musk được giao lãnh đạo "Bộ Hiệu quả Chính phủ" (DOGE) với nhiệm vụ cắt giảm lãng phí trong bộ máy liên bang. Tuy nhiên, gần đây mối quan hệ này có dấu hiệu rạn nứt.
Ngòi nổ là "Dự luật Một lớn, Đẹp đẽ", vừa được ông Trump ký thành luật, khiến tỷ phú Musk tức giận vì theo ông, đạo luật này sẽ làm tăng nợ công thêm hàng nghìn tỉ USD và cắt giảm ưu đãi thuế cho xe điện, một lĩnh vực then chốt đối với Tesla. Đáp lại, ông Musk tuyên bố sẽ thành lập một đảng chính trị mới.
Điều này cho thấy những bất đồng giữa hai nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường và công nghệ Hoa Kỳ đang ngày càng sâu sắc, và vấn đề quốc phòng, cụ thể là F-47, chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn.
Không quân vẫn đẩy mạnh UAV
Dù tỷ phú Musk chỉ trích mạnh mẽ các chương trình máy bay có người lái, thực tế cho thấy không quân Mỹ không hề phớt lờ công nghệ UAV. Hai dự án quan trọng là “Fury” của Anduril và “Gambit” của General Atomics Aeronautical Systems (GA-ASI) đã vượt qua giai đoạn đánh giá thiết kế quan trọng. Cả hai mẫu đều đang tiến tới giai đoạn thử nghiệm thực tế.
Hai mẫu UAV này được phát triển trong chương trình CCA (Collaborative Combat Aircraft). Máy bay chiến đấu phối hợp, với vai trò hỗ trợ các phi công như một “cánh tay phải trung thành”. Các UAV sẽ có thể phối hợp với máy bay có người lái như F-35 hoặc F-47 trong chiến đấu thực địa.
Đặc biệt, Lockheed Martin F-22 Raptor, một trong những chiến đấu cơ uy lực nhất hiện nay, sẽ là nền tảng đầu tiên thử nghiệm điều khiển các UAV trong CCA.
Vào tháng 3, Fury và Gambit đã được định danh quân sự là YFQ-44A và YFQ-42A, với hàng loạt thử nghiệm mặt đất diễn ra trong năm nay. Những thử nghiệm này đánh giá hiệu suất hệ thống động cơ, điện tử hàng không và tích hợp điều khiển từ xa.
Ngoài ra, không quân Mỹ cũng đã thành lập một đơn vị mới để tăng tốc thử nghiệm và triển khai UAV. Đơn vị Tác chiến thử nghiệm (EOU) trực thuộc phi đoàn 53 tại căn cứ không quân Nellis, Nevada (Mỹ), có nhiệm vụ thúc đẩy các năng lực chiến đấu của UAV trong thực tế.
Điều này cho thấy, mặc dù vẫn tiếp tục đầu tư vào các máy bay có người lái như F-47, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) không đứng yên trước làn sóng thay đổi về công nghệ quân sự. Sự phát triển song song giữa F-47 và UAV chiến đấu cho thấy Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa chiến lược truyền thống và tương lai.
F-47 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đang được phát triển bởi Boeing. Được thiết kế để thay thế F-22 Raptor, F-47 dự kiến sẽ trở thành chiến đấu cơ tiên tiến nhất thế giới, với khả năng tàng hình vượt trội, bán kính chiến đấu trên 1.000 hải lý và tốc độ tối đa vượt Mach 2. Máy bay bắt đầu thử nghiệm bí mật từ năm 2020 với các mẫu X-plane, và mục tiêu đưa vào hoạt động là giữa năm 2025 và 2029.
F-47 được trang bị công nghệ AI để phối hợp với các máy bay không người lái, tạo thành một hệ thống chiến đấu mạng lưới. Tên "F-47" gợi nhớ đến P-47 Thunderbolt thời Thế chiến II, cũng như vinh danh năm thành lập không quân Mỹ (1947) và sự ủng hộ của Tổng thống thứ 47, Donald Trump. Tuy nhiên, nhiều chi tiết kỹ thuật vẫn còn được giữ kín.