Elon Musk muốn mua Twitter
Tỷ phú giàu nhất thế giới cũng cho biết sẽ 'xem xét lại tư cách cổ đông' nếu đề nghị không được chấp nhận.
Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) ngày 14/4, Elon Musk đã đề nghị mua lại toàn bộ Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 43 tỷ USD. Theo Musk, mức giá này cao hơn 54% so với giá cổ phiếu Twitter một ngày trước khi ông đầu tư.
Trong email dành cho hội đồng quản trị Twitter, tỷ phú giàu nhất thế giới nhận định nền tảng này "không thể phát triển mạnh và phục vụ (quyền tự do ngôn luận) ở tình trạng hiện tại", khẳng định Twitter cần được chuyển thành công ty tư nhân.
"Đây là lời đề nghị tốt nhất, cũng là cuối cùng. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại tư cách cổ đông của mình", Musk cho biết.
Theo dữ liệu của Bloomberg Billionaire Index, tài sản của Musk hiện vào khoảng 260 tỷ USD. Về lý thuyết, ông hoàn toàn có thể mua lại Twitter bởi vốn hóa thị trường của công ty đang là 37 tỷ USD.
Nhà phân tích Adam Crisafulli của Vital Knowledge cho rằng mức giá 54,20 USD/cổ phiếu là quá thấp để hội đồng quản trị hoặc các cổ đông chấp nhận bán Twitter cho Musk. Chưa đầy một năm trước, giá cổ phiếu Twitter từng chạm mốc 70 USD.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley là cố vấn của Elon Musk. Theo Bloomberg, mức giá 54,20 USD/cổ phiếu chứa số "420", chỉ đến việc sử dụng cần sa. Khi chia sẻ ý định biến Tesla thành công ty tư nhân vào năm 2018, vị tỷ phú cũng dùng số 420 làm giá cổ phiếu của công ty.
Trước khi đề nghị thâu tóm Twitter, Musk đã mua 9,2% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Theo hồ sơ gửi lên SEC, Musk đã mua 73 triệu cổ phiếu với giá 2,64 tỷ USD từ ngày 31/1-1/4, trung bình 36,14 USD/cổ phiếu.
Musk từng chỉ trích Twitter vì cho rằng mạng xã hội này không có tự do ngôn luận. Sau khi tiết lộ số cổ phần tại công ty, vị tỷ phú mở cuộc thăm dò để bổ sung nút chỉnh sửa, tính năng được người dùng mong đợi từ lâu.
CEO Tesla còn tỏ ra đùa cợt khi đề xuất bỏ chữ "w" trong tên Twitter hay biến trụ sở của công ty tại San Francisco (Mỹ) thành nơi ở cho người vô gia cư do không có nhân viên làm việc.
Musk cũng được đề nghị tham gia hội đồng quản trị Twitter nhưng đã từ chối. Theo SEC, không gia nhập vào hội đồng quản trị đồng nghĩa tỷ phú giàu nhất hành tinh không bị hạn chế về số lượng cổ phiếu có thể sở hữu tại Twitter. Ông không cần tuân thủ cam nắm giữ ít hơn 14,9% cổ phiếu công ty từ nay đến khi diễn ra cuộc họp cổ đông thường niên vào năm 2024.
Trước đó, Musk tỏ ra thiếu tôn trọng những chính sách quản lý khác. Năm 2018, ông từng bị SEC khởi kiện vì tội lừa đảo chứng khoán sau phát ngôn liên quan đến việc tư nhân hóa Tesla trên Twitter. Vị tỷ phú chấp nhận mức phạt 20 triệu USD và mất ghế chủ tịch Tesla trong vòng 3 năm. Đến năm 2019, Musk tiếp tục đối mặt với cáo buộc vi phạm thỏa thuận năm 2018 với SEC về việc sử dụng Twitter để công bố thông tin quan trọng về Tesla.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/elon-musk-muon-thau-tom-twitter-post1309676.html