Elon Musk thăm Bộ Thương mại Trung Quốc sau khi cổ phiếu Tesla tăng vọt
Elon Musk bắt đầu ngày thứ hai tại Trung Quốc với chuyến thăm Bộ Thương mại nước này vào sáng 31.5.
Trước đó một ngày, Giám đốc điều hành Tesla đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc - Tần Cương. Elon Musk ăn tối với Zeng Yuqun, Chủ tịch CATL - gã khổng lồ pin Trung Quốc và là nhà cung cấp chính cho Tesla, vào tối 30.5, theo một nguồn tin và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tesla và CATL không trả lời khi được đề nghị bình luận về cuộc họp hoặc kế hoạch của Elon Musk tại Trung Quốc.
Elon Musk rời khách sạn ở thủ đô Bắc Kinh vào sáng 31.5 cùng Grace Tao (người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của Tesla tại Trung Quốc) và Tom Zhu (người đứng đầu bộ phận sản xuất toàn cầu của Tesla). Ô tô chở Elon Musk sau đó được nhìn thấy đậu bên ngoài tòa nhà Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tỷ phú giàu thứ hai thế giới từ chối bình luận khi các phóng viên đặt câu hỏi về mục đích chuyến đi của ông, triển vọng Tesla ở Trung Quốc và kế hoạch cho nhà máy Tesla ở Thượng Hải.
Các nguồn tin cho biết Elon Musk dự kiến sẽ gặp các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc và thăm nhà máy Tesla ở Thượng Hải vào cuối tuần, dù không rõ chính xác ông sẽ gặp ai hoặc sẽ thảo luận vấn đề gì.
Ngày 30.5, Elon Musk có cuộc gặp với Ngoại trưởng Tần Cương, dấu hiệu cho thấy cam kết lâu dài của Tesla với thị trường tỷ dân.
Là cựu đại sứ tại Mỹ trước khi được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương cho biết “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, với đặc trưng dân số đông và “sự thịnh vượng chung sẽ tạo ra tiềm năng tăng trưởng và nhu cầu thị trường chưa từng có”.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cung cấp chi tiết nội dung thảo luận giữa Elon Musk và quan chức cấp cao, song dẫn lời ông Tần Cương rằng, thị trường ô tô điện “có nhiều triển vọng phát triển” và nước này sẽ tiếp tục mở cửa, tạo ra môi trường kinh doanh dựa trên luật pháp, cung cấp định hướng tốt hơn cho những doanh nghiệp nước ngoài như Tesla.
Đáp lại, Elon Musk đã ca ngợi con người và thành tựu Trung Quốc đạt được trong thời gian qua, khẳng định Tesla phản đối chính sách “tách rời” và sẵn sàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại quốc gia châu Á.
Cổ phiếu Tesla tăng 5% sau khi thị trường chứng khoán mở cửa ngày 30.5 và hiện được giao dịch ở mức 201,16 USD.
Cuộc gặp giữa Elon Musk và Tần Cương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Năm ngoái, Mỹ ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu sâu rộng với mặt hàng bán dẫn và thiết bị sản xuất chip quan trọng sang Trung Quốc, nhằm cản trở nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa quan trọng của Bắc Kinh.
Hôm 21.5, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) thông báo các sản phẩm của Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ) đã không vượt qua được đánh giá an ninh mạng và sẽ cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng mua hàng từ công ty này. CAC không cung cấp chi tiết về những rủi ro đã phát hiện hoặc những sản phẩm nào của Micron Technology sẽ bị ảnh hưởng.
Quyết định trên có thể áp dụng vào nhiều lĩnh vực từ viễn thông, dịch vụ thông tin, năng lượng, giao thông, tài nguyên nước đến tài chính, theo định nghĩa chung của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng.
Dù vậy, Ngoại trưởng Tần Cương cho biết mối quan hệ “xây dựng” giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ có lợi cho cả hai bên và toàn thế giới.
Về phía Tesla, buổi làm việc ngày 30.5 diễn ra khi công ty đối mặt sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và bị cuốn vào cuộc chiến giá cả ở thị trường Trung Quốc. Tesla đã và đang thực hiện nhiều đợt giảm giá ô tô tại đây do môi trường kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn.
Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ hai của Tesla và không ngạc nhiên khi Elon Musk tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Tỷ phú công nghệ cũng cam kết đầu tư dài hạn và ca ngợi thành tựu công nghệ của Trung Quốc.
Nhà máy sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới của Tesla nằm ở thành phố Thượng Hải.
Hôm 9.4, Tesla tuyên bố sẽ mở một nhà máy mới ở Thượng Hải. Ban đầu nhà máy này sẽ sản xuất 10.000 pin Megapack mỗi năm, tương đương với khoảng 40 gigawatt giờ lưu trữ năng lượng và bổ sung cho hoạt động của nhà máy sản xuất ô tô điện hiện có ở Thượng Hải.
Tesla hiện có một nhà máy Megapack ở bang California (Mỹ) và các đơn đặt hàng tồn đọng cho đến đầu năm 2025. Theo trang web của Tesla, một pin Megapack có giá dưới 2,7 triệu USD ở California.
Mike Gallagher (hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa), Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, hôm 10.4 cho biết ông lo ngại về sự phụ thuộc của Tesla vào Trung Quốc, một ngày sau khi công ty tiết lộ kế hoạch mở nhà máy sản xuất pin Megapack ở Thượng Hải.
Khi được hỏi về nhà máy pin của Tesla ở Trung Quốc, Mike Gallagher nói với Reuters rằng: "Tôi đang quan ngại về điều này. Có vẻ như Tesla hoàn toàn phụ thuộc vào sự hào phóng của chính phủ liên bang Mỹ thông qua các khoản giảm thuế và cả việc tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các thỏa thuận mà Tesla đã ký với Trung Quốc dường như rất đáng lo ngại. Tôi chỉ muốn tìm hiểu là Elon Musk làm thế nào để cân bằng cả hai khía cạnh đó”.
Theo Mike Gallagher, không như Tesla, SpaceX - công ty hàng không vũ trụ của Elon Musk là "câu chuyện thành công lớn".
Trên Twitter, Elon Musk đã đáp lại những lời chỉ trích Tesla, cho biết trong một tweet rằng "Tesla đang tăng sản lượng nhanh chóng ở bang Texas, California và Nevada".
Trung Quốc đang thuyết phục các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư vào nước này sau khi việc phong tỏa kéo dài vì đại dịch gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Điểm đáng chú ý là Tesla vẫn đang chờ chính quyền Trung Quốc phê duyệt Full Self Driving (FSD), hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến của hãng. Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe. Tesla cũng đang gặp phải sự chậm trễ trong nỗ lực tăng gấp đôi công suất sản xuất tại nhà máy Thượng Hải.
Tại Trung Quốc, Tesla phải giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà sản xuất nội địa bao gồm BYD, Nio và Zeekr (thương hiệu của Geely Automobile).
Các hãng ô tô điện Trung Quốc có thể nhận được một cú hích nữa nếu CATL thực hiện kế hoạch giảm giá mạnh các loại pin được sử dụng trong xe của họ.
Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sản xuất trong nước có cơ hội tốt để tăng thị phần vào năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và lựa chọn những chiếc xe rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.
BYD cùng công ty khởi nghiệp như Li Auto và Leapmotor sẽ hưởng lợi từ việc hạ tiêu chuẩn tiêu dùng khi những tài xế chuyển hướng sang các mẫu xe rẻ hơn sau những lo lắng về triển vọng việc làm và tiền lương của họ, các nhà phân tích và đại lý bán hàng cho biết.
Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới. Có 6,9 triệu ô tô điện được bán ra ở Trung Quốc vào năm 2022, gần gấp đôi con số trong năm 2021, theo dữ liệu của ngành.