Elon Musk úp mở việc mua lại Ngân hàng Thung lũng Silicon, 'cổ đông Tesla' phản đối
Elon Musk cho biết ông 'để ngỏ ý tưởng' mua lại Silicon Valley Bank (Ngân hàng Thung lũng Silicon, hay SVB) vừa sụp đổ. Thế nhưng, ý tưởng này đã nhận được sự đón nhận lạnh lùng từ ít nhất một người tự xưng cổ đông Tesla.
“Tôi nghĩ Twitter nên mua SVB và trở thành một ngân hàng kỹ thuật số”, Min-Liang Tan, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Razer, công ty bán máy tính chơi game, viết trên Twitter.
Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và Twitter, phản hồi tweet này bằng câu trả lời ngắn: "Tôi cởi mở với ý tưởng này" mà không bình luận thêm.
Người dùng Twitter ủng hộ ý tưởng của Elon Musk, nói rằng "đây là một cơ hội". Song, người dùng Twittert khác có tên Sanjay đã phản hồi: "Và bán thêm 20 tỉ USD cổ phiếu Tesla. Không, cảm ơn!".
Hồ sơ Twitter của Sanjay mô tả anh là "khách hàng và nhà đầu tư vào Tesla, người hâm mộ bò tót và Elon". Trang Insider không thể xác minh liệu Sanjaycó phải là cổ đông hay quy mô nắm giữ cổ phiếu Tesla của anh.
Elon Musk đã thực hiện nhiều đợt bán cổ phiếu Tesla vào năm 2022 để hỗ trợ tài chính cho việc mua lại Twitter của mình. Việc này dẫn đến giá cổ phiếu Tesla giảm sâu.
Tỉ phú công nghệ đã bán số cổ phiếu Tesla trị giá 8,5 tỉ USD vào tháng 4.2022; 6,9 tỉ USD trong tháng 8.2022; 3,95 tỉ USD vào tháng 11.2022 và 3,6 tỉ USD trong tháng 12, tổng cộng gần 23 tỉ USD.
Là ngân hàng 40 năm tuổi có trụ sở tại hạt Santa Clara (bang California), lớn thứ 16 tại Mỹ và một trong những nhà cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp công nghệ, SVB đã phá sản hôm 10.3, buộc chính phủ Mỹ phải can thiệp.
Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, ngày 10.3 cho biết sẽ tiếp quản SVB. Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ và lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 (sau vụ ngân hàng Washinton Mutual phá sản).
Động thái này đặt gần 175 tỉ USD tiền gửi của khách hàng tại SVB dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vụ việc tạm thời chưa gây ra lo lắng về những tác động nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực tài chính hoặc nền kinh tế toàn cầu.
Sự sụp đổ của SVB xảy ra 2 ngày sau khi hàng loạt khách hàng, chủ yếu là người làm trong lĩnh vực công nghệ và các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm, đồng loạt rút tiền tại ngân hàng này.
Chỉ trong ngày 9.3, tổng số tiền bị rút ra khỏi SVB lên đến 42 tỉ USD, tương đương 1/4 tổng số tiền gửi tại đây. Cùng lúc đó, cổ phiếu SVB giảm sâu trong bối cảnh sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị các khoản đầu tư mà họ nắm giữ đã gây sốc cho Phố Wall và những người gửi tiền.
Theo hãng tin AP, sức khỏe tài chính của SVB ngày càng bị nghi ngờ trong tuần này sau khi ngân hàng công bố kế hoạch huy động tới 1,75 tỉ USD để củng cố vị thế vốn của mình trong bối cảnh có những lo ngại về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng cũng như về hiện trạng nền kinh tế. Dù vậy, nỗ lực huy động vốn đã thất bại và SVB buộc tìm cách bán lại chính mình.
Với tài sản trị giá 209 tỉ USD vào cuối năm 2022, SVB đã làm việc cùng các chuyên gia tài chính cho đến sáng 10.3 để tìm người mua lại, theo tờ The New York Times. FDIC đã không công bố người mua tài sản của SVB, việc thường xảy ra khi có một ngân hàng ngừng hoạt động theo trình tự.
SVB là một trong những kênh tài chính chủ chốt cho các công ty được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm. Các công ty này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong 18 tháng qua khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và khiến các tài sản công nghệ rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Các công ty gặp khó khăn đã được khuyến cáo rút ít nhất số tiền tương đương chi phí vận hành trong 2 tháng từ SVB, theo AP.
Để đối phó với sự sụp đổ đột ngột của SVB, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen đã triệu tập cuộc họp khẩn với các quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu.
Hoạt động dưới bóng của các hãng công nghệ lớn nhất thế giới, thất bại của SVB gây lo ngại rằng sẽ có thêm những ngân hàng khác chịu số phận tương tự, trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất cao đang “siết cổ” những ngân hàng yếu.
Trước cửa trụ sở của SVB, nhiều khách hàng tập trung thành từng nhóm nhỏ với nỗi lo không biết sẽ rút tiền ra như thế nào.
Hãng game Roblox Corp và công ty sản xuất thiết bị phát trực tuyến Roku cho biết vẫn còn gửi hàng trăm triệu USD trong SVB. Theo Roku, tiền gửi của hãng trong SVB phần lớn không được bảo đảm, khiến cổ phiếu giảm tới 10% trong phiên giao dịch vừa qua.
Liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hoạt động ổn định và độc lập trong bối cảnh công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ
Liên doanh Trung Quốc của SVB cho biết hoạt động của họ độc lập và ổn định, tìm cách xoa dịu các khách hàng địa phương trong bối cảnh công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ.
“SPD Silicon Valley Bank Co luôn hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập”, liên doanh giữa Shanghai Pudong Development Bank (Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải) và SVB cho biết trên tài khoản WeChat của mình hôm 11.3.
Được thành lập vào tháng 8. 2012 với tư cách là ngân hàng tập trung vào công nghệ đầu tiên ở Trung Quốc, SPD Silicon Valley Bank Co đã cam kết phục vụ các doanh nghiệp khoa học và đổi mới của đất nước, liên doanh cho biết.
SVB trở thành công ty cho vay lớn nhất của Mỹ thất bại trong hơn một thập kỷ. Đây là sự sụp đổ đáng kinh ngạc với một công ty cho vay đã tăng gấp 4 lần quy mô trong 5 năm qua.
Chỉ vài giờ trước khi SVB phá sản, Shanghai Pudong Development Bank đã chứng minh SVB là ngân hàng đáng tin cậy, cho thấy sự sụp đổ của nó đột ngột như thế nào.
Shanghai Pudong Development Bank cho biết liên doanh không bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn xung quanh công ty cho vay Mỹ và kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh.
Liên doanh có số vốn đăng ký là 2 tỉ nhân dân tệ (289 triệu USD) tính đến cuối tháng 6.2022, với công ty mẹ ở Trung Quốc và Mỹ mỗi bên nắm giữ một nửa cổ phần, theo hồ sơ công khai của Shanghai Pudong Development Bank.
Liên doanh có tổng tài sản là 21,3 tỉ nhân dân tệ và ghi nhận khoản lỗ ròng 5,5 triệu nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2022, theo hồ sơ của công ty.