Elon Musk và loạt sếp công nghệ kêu gọi ngừng cuộc đua AI 'mất kiểm soát'
Kiến nghị được đưa ra chỉ hai tuần sau khi startup Mỹ OpenAI công bố GPT-4, phiên bản mạnh mẽ hơn của công nghệ đằng sau công cụ chat tự động (chatbot) ChatGPT đang gây sốt trên toàn cầu...
Theo CNN, một số tên tuổi đình đám trong giới công nghệ đang kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) ngừng đào tạo cho các hệ thống AI quyền lực nhất thế giới hiện tại trong ít nhất 6 tháng để tránh những “rủi ro sâu sắc với xã hội và nhân loại”.
Tỷ phú Elon Musk nằm trong số hơn 1.100 nhà lãnh đạo công nghệ, giáo sư và nhà nghiên cứu đã ký tên vào thư kiến nghị được đăng tải ngày 29/3 bởi Viện Future of Life. Đây là tổ chức phi lợi nhuận được ông Musk hậu thuẫn và do ông Max Tegmark, giáo sư và nhà nghiên cứu AI của Viện Công nghệ Massachusetts điều hành.
Cũng tham gia đơn kiến nghị này còn có các giáo sư hàng đầu về AI như Stuart Russell và Yoshua Bengio, các nhà đồng sáng lập Apple, Pinterest và Skype, Stability AI. Một số kỹ sư và nhà nghiên cứu tại Microsoft, Google, Amazon, Meta và DeepMind (thuộc sở hữu của Alphabet) cũng ký tên vào đơn kiến nghị.
Thư kiến nghị này được đưa ra chỉ hai tuần sau khi startup Mỹ OpenAI công bố GPT-4, phiên bản mạnh mẽ hơn của công nghệ đằng sau công cụ chat tự động (chatbot) ChatGPT đang gây sốt trên toàn cầu. Trong các đợt thử nghiệm sớm và bản demo của công ty, GPT-4 cho thấy khả năng làm việc với các vụ kiện tụng, vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn và xây dựng một trang web từ một bản thảo vẽ tay.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI lập tức dừng việc đào tạo các hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 trong ít nhất 6 tháng. Việc tạm dừng này phải được công khai và có thể kiểm chứng, đồng thời bao gồm tất cả bên tham gia chính. Nếu việc tạm dừng như vậy không thể được thực hiện nhanh chóng, các chính phủ nên can thiệp và đưa ra lệnh cấm”, thư kiến nghị viết.
Thư kiến nghị cho rằng các chuyên gia độc lập nên tận dụng khoản thời gian tạm dừng này để phát triển và triển khai một bộ giao thức chung cho các công cụ AI an toàn.
“Trí tuệ nhân tạo tiên tiến có thể đại diện cho sự thay đổi sâu sắc trong lịch sử sự sống trên Trái Đất và cần được lập kế hoạch cũng như quản lý với sự quan tâm và nguồn lực tương xứng”, thư kiến nghị viết. “Không may là, mức độ lập kế hoạch và quản lý như vậy hiện chưa xảy ra, dù những tháng gần đây nhiều phòng thí nghiệm AI đã bị cuốn vào một cuộc chạy đua mất kiểm soát và nguy hiểm để phát triển những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ chưa từng thấy mà không ai - kể cả những người tạo ra chúng - có thể hiểu, dự báo hay kiểm soát một cách đáng tin cậy được”.
Con sốt xoay quanh ChatGPT từ cuối năm ngoái đã thổi bùng một cuộc chạy đua mới giữa các các công ty công nghệ để phát triển và triển khai các công cụ AI tương tự trong sản phẩm của mình. OpenAI, Microsoft và Google đang dẫn đầu trong xu hướng này, còn IBM, Amazon, Baidu và Tencent cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghệ tương tự. Đó là chưa kể một danh sách dài các startup đang tích cực phát triển các trợ lý viết và tạo hình ảnh dựa trên AI.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia trí tuệ nhân tạo ngày càng quan ngại về việc các công cụ AI có thể đưa ra những phản hồi mang tính định kiến, lan truyền thông tin sai lệch cũng như tác động tới quyền riêng tư của người dùng. Những công cụ này cũng làm dấy lên câu hỏi về việc AI có thể thay đổi các nghề nghiệp, cho phép sinh viên gian lận trong học tập và thay đổi mối quan hệ của con người với công nghệ.
Trên thế giới, cơ quan quản lý tại một số nước như Trung Quốc, Singapore và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những phiên bản khuôn khổ pháp lý đầu tiên để quản trị AI.