'Em có chồng rồi, trả gánh lúa cho anh!'
Cách độ mười năm, tôi đi lang thang các làng quê rồi không nhớ từ đâu dẫn dắt tôi đến ngôi nhà ở làng Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cùng bà Nhung. Ngồi ở chiếc bàn đặt trước sân nhà. Bà Nhung bấy giờ đã ở tuổi tám mươi. Bà nổi tiếng là người giỏi hát hố, năm này đã trở thành của hiếm. Bà hát cho tôi nghe và ghi rất nhiều bài.
Bà hát câu của anh con trai có người yêu bỏ đi lấy chồng: "Hò khoan trật búa hố khoan trật búa/ Em có chồng rồi trả gánh lúa cho anh!".
Cô con dâu bà Nhung đang giặt đồ ở góc sân quay lại nhìn mẹ chồng, cười ngặt nghẽo. Quả thực là tình huống rất độc: Cô người yêu bỏ đi lấy chồng, anh người yêu không thể hiện nỗi buồn thương, mà lại đòi trả gánh lúa. Ắt hẳn cô người yêu trước có nợ anh gánh lúa. Anh con trai ắt hẳn tiếc gánh lúa thì ít, mà ấm ức cô người yêu thì nhiều, nên đẩy cô vào thế người thực dụng, dung tục, khó ăn khó nói, để “chọc quê” cho bõ ghét. Thường thì vận của thể thơ lục bát người ta là bằng, còn ở đây câu lục câu bát gọi nhau bằng vần trắc, nghe như một thứ discord nghe rất đã. Và thực tình thì tình thế người nữ hát đáp thế nào nghe cho đặng đây? Thật khó.
Thế nhưng, cô gái hát đáp, không chỉ hai câu mà nhiều câu hơn thế: "Sao anh cắc cớ trớ trêu/ Cho em mượn gánh lúa mà anh kêu, anh đòi?".
Hai câu đầu nhẹ nhàng, như phần dạo cho thấy sự vô lý trong cách đòi nợ. Tiếp theo là các câu nói về tình cảm: "Anh về nghĩ lại mà coi/ Lòng em ăn ở gương soi nào bằng/ Thịt heo rừng thì chấm tái thịt heo nái thì xào lăn/ Hồi nào anh lên xuống uống ăn".
Có nghĩa là cô gái đã đối đãi, cư xử tốt với người yêu bằng việc đãi đằng các món ngon rồi, lại còn “đòi” nỗi gì, đồng thời đoạn này cũng là tiền đề để cô chốt hạ câu cuối cùng mới thật đắc địa: "Em mượn gánh lúa ba trăng em trừ!".
Câu hát chuyển từ tình cảm đến chuyện lý lẽ, đáp trả sòng phẳng, theo đúng cái cách mà anh con trai tưởng như đã bắt bí được. Anh con trai hẳn phải bẽ mặt vì chính gậy ông đập lưng ông, đòi lại cái món “tình phí” mà lẽ ra nên quên luôn nó đi.
Cô con dâu bà Nhung lại cười đến chảy nước mắt, ắt hẳn chị cũng không ngờ người xưa lại cũng từng có những kiểu cách đối đáp nhau hài hước, thông minh đến vậy. Nội dung hát như trên người ta gọi là hát biếm, tức hát để trêu ghẹo, gây cười. Các cuộc hát hố xưa kia hấp dẫn người ta thâu đêm suốt sáng, bởi chất trữ tình với nhiều cung bậc khác nhau, có bi có hài, qua tài năng của những người đi hát ở các làng quê.
Mấy năm sau, bà Nhung qua đời. Tôi tiếc vì bỏ lỡ cái thời điểm đi viếng tang cụ bà. Nhưng tôi không thể quên những nghệ nhân xưa cũ như bà, đã sống đời sống tinh thần phong phú, với phẩm chất nghệ thuật bẩm sinh, mỗi làng quê may ra có được vài người.
Ở làng Tư Cung cũng như nhiều làng quê khác, “thế hệ hát hố” hầu như giờ không còn nữa. Hát hố là hát đối đáp, có kịch tính là các tình huống mà bạn hát đặt ra trong nội dung câu hát, xuất phát không ở đâu xa mà chính từ cuộc sống thực tế. Hát hố sản sinh, mặc nhiên lưu truyền thời phải tát nước, giã gạo, dện nền nhà, gánh lúa, thời chưa có điện đóm, chưa có ti vi, chưa có karaoke và các máy hát đủ kiểu.
"Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ". Nhớ và tiếc. Nhưng để phát huy những giá trị từng tồn tại khi xưa không phải dễ.