'Em có về xứ Nghệ với anh không?'
'Em có về xứ Nghệ với anh không/ Có dòng sông tuổi thơ anh lặn lội/ Câu dân ca bắt nguồn từ lao động/ Để ai xa luôn vẫn nhớ về quê' (Về xứ Nghệ cùng anh - thơ Phương Thảo, nhạc Xuân Hòa). Trên đường di chuyển từ Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai, Nghệ An) trở lại sân bay Vinh, tôi được đắm chìm trong giai điệu ngọt ngào của bài hát. Tôi chỉ là một vị khách phương xa, lạc bước đến nơi đây, trộm một chút nhớ thương đem về…
Mái đền cửa biển
Người dân địa phương hay bảo nhau: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Cờn là ngôi đền linh thiêng, đi sâu vào tâm thức của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, đến Quỳnh Phương mà không đến đền Cờn là một tiếc nuối lớn. Ngôi đền ấy từng được đại thi hào Nguyễn Du nhắc đến trong bài “Giao vọng Càn Hải” (Xa trông đền Cờn): “Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi/ Bến phù chiều tới cây man mác/ Cửa bể thu dồn khói tả tơi…” (bản dịch của Phan Khắc Hoan và Lê Thước).
Đền nằm gần cửa (lạch - cửa biển) Cờn, được xây dựng vào thời Trần, phát triển quy mô lớn ở thời Lê và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Đền có đền chính (đền trong) và đền phụ (ngoài cửa biển), với kiến trúc cổ: có nghinh môn, trung điện, hạ điện, hậu cung, tòa ca vũ. Sau đền trong có 2 đồi nhỏ nhô cao, giăng dài ra 2 bên như cánh phượng. Tại 2 đồi có 2 giếng nước, theo truyền thuyết thì đó là mắt phượng. Bên phải là dòng Mai Giang, phía trước đền là núi Voi, núi Xước và sau lưng là đền ngoài quay mặt ra biển, sừng sững đón, che chở cho những chiếc thuyền khơi xa lắm tôm nhiều cá, cho những người con xứ biển chân cứng đá mềm trở về bình an.
Các hoạt động nhộn nhịp ở làng biển
Trong những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đền Cờn đã bị bom đạn phá nát, nay chỉ còn lại tòa ca vũ. Trong những năm 1988-1989, đền Cờn được khôi phục và trả lại hình dáng như xưa. Năm 1993, đền Cờn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trong Đền còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ, đồ tế khí có giá trị lịch sử văn hóa, tín ngưỡng. Ngoài ra, còn nhiều câu chuyện linh thiêng được lưu truyền trong nhân dân, với lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội đền Cờn diễn ra từ 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm, với các nghi lễ: rước kiệu từ đền trong ra đền ngoài và rước kiệu từ đền ngoài vào đền trong (2 đường thủy - bộ), đại lễ tại đền trong; các trò chơi dân gian; các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ… luôn thu hút rất đông du khách thập phương về tham dự.
Làng biển cổ xưa
Phường Quỳnh Phương có hơn 2,7km bờ biển, như một “ngư trường” tất bật với lượng hải sản khổng lồ. Hàng ngàn năm trước, nơi đây đã có bước chân con người, bám biển để bám làng. Khí hậu khắc nghiệt, biển cũng chẳng dịu êm, trong khi sức người hữu hạn. Ẩn đằng sau vẻ đẹp nên thơ của núi bên bờ biển, của bãi cát vàng, của con đường ven biển uốn lượn, của mây trời xanh ngắt, là nỗi vất vả ngàn đời của ngư dân. Nhưng rồi, sự hữu hạn đã trở thành vô hạn, khi người dân địa phương biết tận dụng “lộc của trời”, mang đến một khung cảnh trù phú cho làng biển, bằng nghề đánh cá, làm nước mắm, làm muối, buôn bán… Mùa cá nam (từ tháng 4 đến tháng 9) hay có bão tố, nên ngư dân khai thác vùng lộng và vừa khơi vừa lộng. Vùng cá bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), họ khai thác các bãi cá vùng khơi là chủ yếu. Cá biển ở Quỳnh Phương có nhiều loại: cá thu đen, thu trắng, cá ù, cá nục, cá sú, cá thiều, cá cháo... và cả tôm hùm, tôm he, tôm sắt, mực ván, mực ống...
Đền Cờn- địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng
Khi tôi đến, trời vừa ấm lên một tí, nhưng vẫn buốt tay chân. Bãi biển thơ mộng vô cùng, nhưng bàng bạc một màn sương lạnh. Dù vậy, mọi sinh hoạt thường ngày của người dân vẫn diễn ra rất nhộn nhịp, bởi với họ, lạnh thế này đã ăn thua gì so với lúc lạnh nhất! Thế nên, tôi cũng lang thang khắp làng, tận hưởng cảm giác lạnh ít có ở miền Nam. Điều thú vị nhất, đến Quỳnh Phương, là đến với một thiên đường ẩm thực biển. Sáng sớm, ngồi túm tụm bên bếp, vừa xem người ta làm món bánh mướt, vừa “trộm” chút hơi nóng của bếp lò. Giống như bánh ướt nóng ở miền Tây, cũng được cuốn tròn cùng với thịt, cũng trắng tinh ưa nhìn, nhưng chất bột tan trong miệng khác hẳn, mịn màng và quện đầu lưỡi. Rảo bước đến chợ cá, chỉ sợ không còn bụng để ăn. Cá biển tươi mới được đánh bắt lên, nướng sơ qua bếp than, vừa bắt mắt, vừa thơm cả một góc chợ. Hải sản ngon mà giá rẻ không ở đâu bằng. Họ đánh bắt được đủ loại, số lượng lại nhiều vô kể, nên chẳng ai nỡ nói thách, cân bớt với khách chi đâu.
Tôi nhớ anh Bảy (một người dân địa phương) đã dành chút thời gian đưa tôi đi các ngõ ngách ở Quỳnh Phương, tự hào kể cho tôi nghe nguồn gốc quê mình. Và trong những câu chuyện của anh luôn gắn với ký ức khó quên về tháng ngày thay cha đi biển kiếm chút gạo về cho cả chục người ở nhà, chẳng quen sóng gió nên say đến mức nằm bẹp. Là chuỗi ngày cùng bạn bè “lặn lội” trên dòng sông quê, bắt cua ốc cho thỏa sức thiếu niên. Là về tình làng nghĩa xóm, truyền thống văn hóa khoáng đạt nhưng đầy ắp yêu thương của dân làng Quỳnh… Nhờ có anh, tôi mới hiểu thêm làng biển cổ xưa, để yêu hơn những điều bình dị mà thấm đẫm hồn đất, tình người.
Bài, ảnh: VẠN LỘC
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-em-co-ve-xu-nghe-voi-anh-khong--a293946.html