'Em là đôi mắt của anh'

Trở về từ chiến trường với đôi mắt vĩnh viễn không còn ánh sáng, người lính Cao Văn Thành đã có vợ làm đôi mắt, cùng ông đi qua giông bão cuộc đời.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, câu chuyện của thương binh nặng Cao Văn Thành và người vợ tần tảo Phan Thị Kim Song, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, như một định mệnh (2/2/1951) vẫn là một bản tình ca bất tử.

Ông, người thương binh hạng 1/4, dù không còn nhìn thấy, vẫn toát lên vẻ rắn rỏi của một người lính. Bà, với mái tóc đã điểm bạc, ngồi cạnh ông, ánh mắt luôn chan chứa một tình yêu dịu dàng. Câu chuyện của họ, được kể lại sau gần nửa thế kỷ, vẫn vẹn nguyên những cảm xúc của một thời hoa lửa.

 Mất đi đôi mắt, nhưng người thương binh Cao Văn Thành lại được ánh sáng tình yêu bù đắp suốt cuộc đời. Ảnh: Mai Loan.

Mất đi đôi mắt, nhưng người thương binh Cao Văn Thành lại được ánh sáng tình yêu bù đắp suốt cuộc đời. Ảnh: Mai Loan.

Lời hứa từ giảng đường và tình yêu nơi lửa đạn

"Ngày ấy, chúng tôi học cùng lớp ở khoa Máy thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi quê Sầm Sơn, Thanh Hóa, còn bà người Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tình cảm thì có, nhưng thời chiến tranh ác liệt, chuyện yêu đương trai gái trong trường bị coi là “tiểu tư sản”. Giữa lúc chiến trận cam go mà mình lại “ríu rít” với nhau thì không phải “đạo”. Vì thế, chúng tôi chỉ biết giữ tình cảm ấy trong lòng”, ông Thành mở đầu câu chuyện với giọng bồi hồi.

Chỉ đến ngày chàng sinh viên Cao Văn Thành xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, bà Song mới chính thức nhận lời yêu.

"Tôi cũng như bao người con gái lúc bấy giờ, đều nói rằng: Các anh cứ yên tâm chiến đấu. Khi đất nước giải phóng, hết sạch quân thù thì trở về sẽ có chúng em chờ đợi”, bà Song nhớ lại. Lời hứa ấy đã trở thành sức mạnh cho người lính trẻ Cao Văn Thành trong những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến.

 Hai ông bà tham gia chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” do Hội LHPN thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.

Hai ông bà tham gia chương trình “Huyền thoại Trường Sơn” do Hội LHPN thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.

Năm 1972, ông Thành vào mặt trận Quảng Trị, nơi ông đã chiến đấu nhiều ngày đêm ròng rã trong thành cổ rực lửa. Trong quá trình hành quân vào Nam, với phong bì, tem, giấy mực được chuẩn bị sẵn, hễ có điều kiện, ông lại nhờ đồng đội gửi giùm thư về nhà, cho người yêu phương xa, kể về những chặng đường, những trận đánh ông đã trải qua.

Giữa bom đạn và cái chết cận kề, những lá thư nhận được từ người thương được các đồng đội chuyền tay nhau cùng đọc, cùng xem, bởi vì ai cũng khao khát tình cảm. “Tình yêu của chúng tôi cứ thế mà được cả đơn vị biết đến," ông Thành cười.

Đầu năm 1973, bà Song nghe tin đồn ông bị thương ở chân. Bà vội vàng viết thư, những dòng chữ đến giờ ông vẫn không thể nào quên: "Anh ơi, anh bị thương à, sao không nói với em? Anh bị thương vào chân à, hay vào tay? Anh bị thương ở đâu đi chăng nữa thì em đã xác định rồi, em vẫn yêu anh!".

Lời hứa sắt son ấy như một định mệnh, báo trước cho thử thách lớn nhất cuộc đời họ.

Nghẹn lòng ngày gặp lại, “không biết hôm nay em mặc áo màu gì”…

Mùa xuân năm 1975, trong một trận đánh ác liệt ở cứ điểm Bạch Mã , một vị trí chiến lược quan trọng của địch ở phía nam Huế, ông Thành bị thương nặng với hơn 100 mảnh đạn bắn vào người. Ông ngã xuống, máu tuôn ra từ mắt, từ tai. Với tình trạng đó, ông được chuyển ra Bắc, điều trị ở Bệnh viện Quân đội 108.

Với đôi mắt vĩnh viễn chìm trong bóng tối, tâm trạng ông lúc đó giằng xé. Nghĩ tới các đồng đội đã hy sinh, mình vẫn may mắn được sống, ông tự nhủ phải mạnh mẽ. Nhưng nghĩ tới người con gái trẻ trung đang chờ đợi, lòng ông rối bời.

"Lúc đó tôi nghĩ, người yêu thì hẹn ngày chiến thắng trở về, mà mình thì thương tật nặng quá, đến với tôi thì cô ấy sẽ khổ thế nào?", ông Thành nghẹn ngào. Trong nỗi tuyệt vọng, ông chỉ dám viết vài dòng thư nguệch ngoạc gửi về cho người yêu, nói mình bị thương và đang được điều trị, dặn người yêu cứ yên tâm học tốt. Khi đó, bà đang làm đồ án tốt nghiệp đại học.

Ông không ngờ, từ những dòng chữ xiêu vẹo đó, bà Song nhận ra có điều gì đó bất bình thường, nên đã tìm đến tận nơi. Khoảnh khắc đó, với ông không thể nào quên: "Tôi đang nằm, toàn thân băng bó. Anh bạn cùng phòng bảo: “Thành có khách”. Tôi hỏi ai, anh ấy bảo: “Song”. Tôi nhỏm dậy rồi lại ngồi phịch xuống, nói với anh em: “Các đồng chí đừng có lừa tôi! Song không thể đến được, cô ấy còn đang đi học, làm sao biết địa chỉ mà đến?", ông kể.

Nhưng rồi, ông cảm nhận được một vòng tay ôm chầm lấy mình. Giọng nói thân thương của bà Song vang lên, lạc đi trong tiếng nấc: "Anh ạ, anh không nhận ra em à? Em là Song đây".

Nước mắt người lính cứ thế tuôn trào, thấm ướt cả những lớp băng gạc dày cộp trên mắt. Giữa lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất, tình yêu đã đến, mang theo tất cả ánh sáng và hy vọng. Trong nỗi xúc động, cả đêm thao thức không ngủ được, ông đã viết một bài thơ, ghi lại khoảnh khắc định mệnh trong cuộc đời:

"Hôm đầu tiên em đến bên giường tôi,

Chỉ đứng lặng nhìn thôi mà không nói.

Tôi không nhìn được vào mắt em

Có lẽ em không khóc,

nhưng trong lòng em đau đớn vô cùng...

Từng cơn bão tố

Từng đợt sóng trào dâng

Tất cả đã dội vào lòng em đó

Nắm tay tôi, ngậm ngùi em khẽ nói:

"Vui lên anh, em luôn mãi bên anh".

Lòng chung thủy làm tim tôi se lại

Không biết hôm nay em mặc áo màu gì,

tím hay xanh?

Tóc em tết đuôi sam hay chải dài sau lưng áo?

Nhìn lên trời cao, em thấy đôi én lượn

Anh cũng nghe tiếng hót của mùa xuân".

Video: Ông Cao Văn Thành xúc động đọc bài thơ ông đã làm trong đêm sau cuộc gặp gỡ với người yêu. Thực hiện: Mai Loan.

“Em đã không rời đi, em ở lại”…

Mùa xuân ấy đã thực sự trở lại trong cuộc đời ông. Sau này, có những lúc ông mặc cảm, đã nhiều lần nói lời từ chối: "Thôi em đừng yêu anh nữa, em quên anh đi". Ngoài miệng nói vậy, nhưng trong lòng ông lại sợ, chỉ sợ “em” từ chối thật thì đời ông sẽ không biết thế nào.

 Bao nhiêu năm qua, với bàn tay nắm chặt, bà là người vợ, người đồng hành, đã cùng ông viết nên câu chuyện tình yêu xúc động. Ảnh: Mai Loan.

Bao nhiêu năm qua, với bàn tay nắm chặt, bà là người vợ, người đồng hành, đã cùng ông viết nên câu chuyện tình yêu xúc động. Ảnh: Mai Loan.

“Nhưng em đã không rời đi. Em đã ở lại, trở thành đôi mắt, thành điểm tựa, thành người đồng hành cùng tôi vượt qua tất cả”, ông xúc động.

Một đám cưới giản dị nhưng đầy nước mắt hạnh phúc đã diễn ra. Bà Song kể, khi ấy, bố bà là một cán bộ quân đội, đã nói với mọi người: "Nếu con gái tôi yêu một người khác thì mình có thể khuyên ngăn. Nhưng đây là một chiến sĩ từ chiến trường trở về, mình không thể ngăn cấm con được". Ngày đón dâu, cô dâu đèo chú rể về nhà chồng trên xe đạp, thay vì được ngồi sau như bao cô gái khác. Cả gia đình bà đều khóc, vì thương và cũng vì cảm phục tình yêu của hai người.

Thời bao cấp khó khăn, sau khi xây dựng gia đình, bà Song vừa đi làm, vừa chăn nuôi, trồng trọt, gánh vác mọi việc. Khi ấy, ông Thành vẫn được chăm sóc tại trại an dưỡng Ninh Bình, cách nhà 30km. Cứ vài tháng, bà lại lọc cọc đạp chiếc xe đạp cũ đón chồng về Thanh Hóa thăm nhà.

Phía trước tay lái buộc chiếc chăn to, sau tay lái là người chồng và ba lô cồng kềnh, bà Song bé nhỏ như lọt thỏm ở giữa. Cứ thế, chiếc xe kẽo kẹt trên chặng đường dài, mang theo tất cả tình cảm, hơn cả chữ thương mà bà dành cho ông. Thương vợ, ông Thành đã đề nghị về hẳn nhà an dưỡng để giảm bớt gánh nặng cho vợ, và đỡ đần vợ phần nào.

Được về gần nhau, bà Song lại kiên nhẫn đèo ông trên chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, đi gõ cửa từng nơi để xin thành lập Hội người mù, giúp ông tìm lại ý nghĩa cuộc sống qua công tác xã hội. Vượt qua mặc cảm, ông Thành đã tự nhủ phải sống để xứng đáng với tình yêu của vợ. Ông tích cực tham gia công tác xã hội, là người sáng lập, trở thành Chủ tịch Hội người mù tỉnh Thanh Hóa.

Vì muốn sát cánh cùng chồng, bà Song đã quyết định nghỉ việc tại nhà máy, nơi bà đang có công việc ổn định mà nhiều người mơ ước, để đăng ký theo học văn bằng 2 tại Học viện Hành chính Quốc gia, với mong muốn có thể trở thành “đôi mắt” hỗ trợ chồng trong công việc.

Với ánh sáng tình yêu từ đôi mắt của vợ, ông Thành đã có những bước tiến trong công việc, có nhiều đóng góp to lớn cho phong trào của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Từ đó, ông Thành đã được Trung ương Hội Người mù Việt Nam điều động ra Hà Nội công tác, rồi trở thành Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Video: Bà Song, ông Thành xúc động kể lại những chặng đường tình yêu đầy thử thách ông bà đã đi qua. Thực hiện: Mai Loan.

Giờ đây, khi đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", tình yêu của họ vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Ông Thành hóm hỉnh nói: "Cơm vua thua cơm vợ. Phải có bà ấy chăm sóc thì tôi mới được thế này. Chứ ngày xưa, từ lúc còn là sinh viên đến khi ra chiến trường, tôi gầy lắm, làm gì có đủ ăn".

Ông Thành kể lại, ngày biết ông không còn đôi mắt, bà Song đã gặp bác sĩ, xin hiến một bên mắt cho ông. Nhưng khi đó, điều kiện y học chưa làm được, nên đề nghị của bà Song không thể thực hiện. Nhưng cả cuộc đời sau này, những gì bà dành cho ông còn hơn cả ánh sáng của một đôi mắt. Không chỉ chăm lo ông về vật chất, bà luôn chú ý tới đời sống tinh thần cho ông. Bà trồng hoa thơm, mở cửa cho ông nghe chim hót… để ông cũng có thể cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của thế giới bên ngoài.

Cuộc sống của họ còn có một thử thách đặc biệt khác. Cô con gái đầu lòng của ông bà bị ảnh hưởng chất độc hóa học từ người cha, khiến cháu không thể nói và nghe được. Bà Song lại trở thành một "phiên dịch viên" đặc biệt. Bà là người đứng giữa, dùng hành động để "nói" với con gái, và dùng lời nói để "vẽ" lại thế giới cho ông.

“Em chính là ánh sáng, là âm thanh, là cầu nối yêu thương cho cả cuộc đời tôi", ông Thành mỉm cười tự hào.

Lắng nghe những chia sẻ của chồng, bà Song mỉm cười hiền hậu, đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ mà một người bạn cảm phục tình yêu của họ đã viết tặng. Bài thơ như một lời tổng kết cho cả một cuộc đời hy sinh và yêu thương:

"Năm xưa tiễn anh lên đường

Hoa xoan rơi rơi đầu ngõ

Màu tím lạc vào mắt nhỏ

Mênh mang nỗi nhớ đợi chờ

Em đợi anh về ngay cả trong mơ

Từ giã chiến trường xưa

Ngày gặp lại

anh chẳng còn đôi mắt

Thương anh, trái tim em quặt thắt

Em biết mình chẳng thể khác được đâu

Nguyện một đời ta mãi mãi bên nhau,

Sông có khúc nào sâu

Em cũng lội tìm, để lặn tìm hạnh phúc...

Dù cuộc đời lấy của ta bao nước mắt

Nhưng lại dành bao hạnh phúc sẻ chia

Em tham lam không chịu chia lìa,

Muốn ghì siết đại ngàn anh hạnh phúc.

Em là đàn bà đích thực,

Biết yêu anh... ngay cả khi chết rồi".

Video bà Phan Thị Kim Song đọc bài thơ người bạn tặng vì xúc động trước chuyện tình đẹp như cổ tích của ông và bà. Thực hiện: Mai Loan.

Bà Song dịu dàng đặt tay lên vai chồng. Ông Thành quay lại, mỉm cười hạnh phúc. Đúng như ông chia sẻ, bà không chỉ là người vợ, là đôi mắt, mà hơn cả đôi mắt, là ánh sáng, là huyền thoại tình yêu của cả cuộc đời ông.

“Tình yêu của chúng tôi đã đi qua những năm tháng khó khăn nhất của chiến tranh, vượt qua những thử thách tưởng chừng không thể. Và đến bây giờ, khi tóc đã bạc, chúng tôi vẫn ở bên nhau, vẫn là điểm tựa, là đôi mắt, là tất cả của nhau. Đó chính là mùa xuân vĩnh cửu mà chúng tôi đã cùng nhau vun đắp nên”, ông Cao Văn Thành xúc động chia sẻ.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/em-la-doi-mat-cua-anh-post1557092.html