Ém quân, giấu bài trong thể thao Việt Nam
Thể thao thành tích cao sinh ra để mỗi VĐV, HLV đều hướng tới việc giành chiến thắng. Để nhắm đến mục tiêu là những tấm huy chương danh giá nhất, việc phong tỏa thông tin là điều tối quan trọng. Những việc như giấu 'bài tủ', hay ém quân chỉ là phần nổi của câu chuyện.
Tập kín, tập mở
Bóng đá là môn thể thao có độ mở cao nhất với truyền thông. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa phóng viên và người hâm mộ được tiếp xúc, quan sát mọi buổi tập của cầu thủ. Vì thế, mỗi buổi tập của CLB, hoặc đội tuyển quốc gia luôn chia thành 2 phần: tập mở và tập kín.

Việc phong tỏa thông tin gặp khó khăn khi vận động viên, huấn luyện viên tiếp xúc nhiều với truyền thông và có thể vô tình lộ “bài tủ”.
Phần tập mở thường kéo dài trong 30 phút, nơi cầu thủ thường khởi động và thực hiện những bài tập nhẹ. Đây cũng là khoảng thời gian sân tập mở cửa với người hâm mộ, đồng thời cho phép báo chí, truyền hình tác nghiệp. Các cầu thủ và HLV cũng biết giữ ý, khi trong thời gian của buổi tập mở, họ thường tỏ ra tươi cười cùng khuôn mặt dễ chịu.
Sau phần tập mở là buổi tập kín, nơi tất cả những người không phận sự đều không có quyền tiếp cận sân tập. Buổi tập kín là nơi toàn đội thực hiện những bài tập chiến thuật, nơi mọi thông tin không được để lộ cho đối thủ. Ngay cả với nhân viên truyền thông của CLB hoặc đội tuyển quốc gia, cơ hội xem một buổi tập kín là không nhiều.
Tập kín, xét trên bình diện chung, là một cách để HLV "giấu bài" - những miếng phối hợp, triển khai thế trận, hình khối đội hình và nhiều việc khác. Điều đó quyết định đến số phận của HLV và cầu thủ, thông qua kết quả trực tiếp trên sân. Vì thế, độ bảo mật của những buổi tập kín luôn được đặt ở mức rất cao.
Do thám buổi tập kín của đối phương là điều được nhiều HLV quan tâm, và không ít người từng cử "đặc vụ" thân tín làm điều này. Khoảng 30 năm trước, Jose Mourinho lúc còn làm trợ lý HLV tại một số đội bóng lớn là chuyên gia trong việc do thám đối thủ. Nhưng theo thời gian, việc làm trên bị xem là hoạt động vi phạm điều lệ giải đấu.

Đội tuyển Canada từng bị trừ 6 điểm, huấn luyện viên mất việc ở Olympic vì do thám đối thủ.
Tại Olympic Paris 2024, đội tuyển nữ Canada từng bị trừ 6 điểm ở vòng bảng do vi phạm nghiêm trọng quy định giải đấu. Theo thông tin được FIFA đưa ra, ban huấn luyện đội Canada đã dùng drone để do thám những buổi tập của đối phương. Ngay sau đó, HLV trưởng đội tuyển Canada từ chức.
Với bóng đá Việt Nam, trong quá khứ, hiện tượng do thám buổi tập của các đội tuyển quốc gia không phải chuyện quá hiếm gặp. Những người vi phạm bao gồm khán giả và cả phóng viên. Rất may là những việc làm như trên chưa mang lại hậu quả quá nghiêm trọng, nên hình thức kỷ luật mới chỉ ở mức nhắc nhở, cùng lời hứa không tái diễn.
Luyện “bài tủ” cho chung kết
Bóng đá không phải môn thể thao duy nhất được các HLV ém quân, giấu bài. Điều tương tự cũng diễn ra ở những môn khác. Những người thực hiện bài bản nhất thường là HLV trưởng các địa phương, nhất là một số tỉnh thành ở khu vực phía Bắc. Với họ, nuôi "gà chiến" và giữ "bài tủ" là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành tích cao.

Đỗ Thị Trang là vận động viên nhiều năm vô địch quốc gia.
Một trong những nhân tố mới của đội tuyển boxing nữ Việt Nam bổ sung cho 6 tháng cuối năm 2025 là Đỗ Thị Trang, VĐV thuộc tỉnh Hưng Yên (Thái Bình cũ). Đỗ Thị Trang có nhiều năm liền vô địch quốc gia. Thành tích của Đỗ Thị Trang luôn có dấu ấn đậm nét từ VĐV này và HLV Nguyễn Thị Hoa, người vốn không thiếu "bài tủ" cho sân chơi quốc nội.
Trong quá khứ, HLV Nguyễn Thị Hoa là cựu VĐV đội tuyển quốc gia, từng giành HCB SEA Games và Asian Indoor Games. Bà được biết đến nhờ sở hữu giáo án đào tạo VĐV "nghịch kèo" do chính mình nghĩ ra, dạy những võ sĩ thuận tay phải bẩm sinh thi đấu như người thuận tay trái. Đỗ Thị Trang là một trong những VĐV như thế.
Nội hàm của giáo án đào tạo VĐV Boxing thành tích cao được HLV Nguyễn Thị Hoa giữ kín trong hơn 1 thập niên. Điều đó giúp tỉnh Thái Bình (cũ) được biết đến như một địa phương có dàn VĐV Boxing tuy ít nhưng chất lượng. Ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, cả 3 VĐV Thái Bình đều vào chung kết.
Đến giải vô địch Boxing toàn quốc 2023, trong ngày diễn ra vòng bán kết, Đỗ Thị Trang và HLV Nguyễn Thị Hoa ngồi trong nhà thi đấu theo dõi những màn so tài. Bất chợt, HLV nói nhỏ với Trang: "Ra tập nào". Đó là lúc họ bắt đầu thực hiện một buổi tập kín để rèn bài tủ cho chung kết.
Buổi tập không diễn ra trước sân nhà thi đấu như nhiều VĐV khác, mà tiến hành ở một góc khuất, không có người qua lại. Tại góc khuất đó, hai cô trò thực hiện những tổ hợp đòn cho trận tranh HCV. Toàn bộ hình ảnh, video của buổi tập ngắn đó không được hé lộ trước khi trận đấu diễn ra. Đến trận chung kết, Đỗ Thị Trang thi đấu tốt và giành HCV.
Việc giấu bài với những VĐV như Đỗ Thị Trang là điều kiện tiên quyết để giành chiến thắng, trong bối cảnh hạng cân của cô có nhiều võ sĩ sở hữu trình độ tương đồng. Về phía HLV Nguyễn Thị Hoa, bà có nhiều bài tủ cho VĐV, nhưng chỉ đưa ra theo từng thời điểm tùy theo mức độ quan trọng của mỗi giải đấu có VĐV tham dự.
Tiết lộ đúng lúc
Bên cạnh “giấu bài”, “ém quân” và tiết lộ đúng lúc cũng là một tuyệt chiêu quyết định cơ hội tranh HCV của nhiều đơn vị. Trong giới Boxing Việt Nam, câu chuyện kinh điển diễn ra ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022. Khi ấy, võ sĩ Trần Văn An (Hà Nội) tưởng như đã giải nghệ, bất ngờ trở lại thi đấu và giành HCV với màn thể hiện ấn tượng.

Tập kín luôn đóng cửa trước truyền thông, nhằm giấu bài cho những trận đấu quan trọng.
Trần Văn An là một võ sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam ở hạng cân 51kg trước đây. Anh từng có thời gian giải nghệ, nhưng quay lại tập trước thềm Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022. Quyết định trở lại thi đấu của Trần Văn An diễn ra vào Tết Nguyên đán, và chính thức bắt đầu vào tháng 5 năm đó.
Việc Trần Văn An trở lại tập luyện và thi đấu được phía Hà Nội giữ kín, chỉ có rất ít người biết thông tin này. Bởi khi trở lại, Trần Văn An thi đấu ở hạng cân 54kg, vốn có rất nhiều võ sĩ giỏi như Bùi Trọng Thái (Quân Đội), Trần Văn Thảo (Bình Dương). Trong đó, Trần Văn Thảo được xem là đối thủ chính của Trần Văn An.
Đầu năm 2022, Trần Văn Thảo quyết định trở lại thi đấu Boxing thành tích cao. Anh đăng ký tham dự giải Các đội mạnh toàn quốc đầu năm 2022 ở Tiền Giang, nhưng không tranh tài vì bận tập trung đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games. Mục đích thực sự của Trần Văn Thảo khi đăng ký "ảo" là để thi đấu ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, nhưng anh không ngờ một đối thủ cũ trở lại.
Sau nửa năm ém quân và giữ kín thông tin Trần Văn An trở lại, phía Hà Nội công khai điều này với chính Trần Văn Thảo. Họ làm theo cách ít ai nghĩ tới, và chỉ có những HLV tự tin nhất mới dám làm việc đó. Vào mùa thu 2022, các VĐV của đội Hà Nội có buổi tập, thi đấu giao hữu với thành viên của một CLB nằm ở Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.
Phía đội Hà Nội biết lúc này Trần Văn Thảo đang tập luyện trong thời gian ngắn ở Thủ đô nên họ mang Trần Văn An tới. Sự xuất hiện, cũng như màn thể hiện "10 điểm" của Trần Văn An trong trận đấu tập áp đảo hôm đó đã khiến nhiều người sửng sốt. Quả thực, đến Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Trần Văn An gặp Trần Văn Thảo trong trận chung kết.
Cuộc đấu giữa Trần Văn An và Trần Văn Thảo là một trong những màn so tài hấp dẫn nhất của ngày cuối cùng. Trần Văn An thi đấu hoàn toàn vượt trội so với đối thủ. Đại diện Thủ đô giành chiến thắng thuyết phục, qua đó giành HCV.
Tấm HCV của Trần Văn An diễn ra trong bối cảnh anh và toàn đội đã thực hiện chiến thuật hoàn hảo suốt 10 tháng. Họ tiến hành nhuần nhuyễn từ việc phong tỏa thông tin, ém quân, sau đó công bố trực tiếp đến đối phương trong một khoảnh khắc bất ngờ. Đó thực sự là đỉnh cao của thể thao Việt Nam, xét trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Phong tỏa thông tin tới mức "ngại" báo chí
Trong bối cảnh thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng cởi mở với truyền thông, việc các đội tuyển gần gũi, cung cấp thông tin cho báo chí không phải chuyện hiếm hoi. Nhưng theo chia sẻ từ một HLV nhiều năm dẫn đội tuyển quốc gia, điều đó vô tình mang lại khả năng để lộ thông tin, qua đó có thể bị đối thủ khai thác triệt để.
"Chúng tôi không ngại việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình, thời sự. Tuy nhiên, VĐV và HLV có thể vô tình chia sẻ thông tin nội bộ. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đội tuyển tại các giải quốc tế. Bởi, thông tin bây giờ được tiếp cận công khai, nếu khán giả trong nước biết thì quốc tế cũng biết", HLV chia sẻ.
Xét về bình diện chung, thể thao Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục những sân chơi cấp độ cao nhất như Olympic và ASIAD. Vì thế, việc "giấu bài" thông qua hoạt động phong tỏa thông tin cần được thực hiện chi tiết hơn, nhằm hạn chế để lộ chiến thuật, hoặc hướng sử dụng nhân sự tại những giải đấu lớn.
Trong môn cầu lông, tay vợt Nguyễn Thùy Linh từng nói cô và nhiều đồng nghiệp khá ngại chia sẻ video luyện tập lên mạng xã hội. Họ thường chỉ đăng phần nội dung là những bài tập cơ bản. Với "bài tủ" thuộc giáo án chuyên sâu, mọi HLV, VĐV chỉ được phép ghi lại video để phục vụ tham khảo nội bộ, không chia sẻ qua các kênh truyền thông.