Em trai 'bầu Thụy' xuất hiện trong danh sách đề cử vào HĐQT LienVietPostBank

Danh sách ứng viên vào Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhiệm kỳ mới có 3/7 ứng viên là thành viên đương nhiệm. Đáng chú ý còn có ông Nguyễn Văn Thùy là em trai của 'bầu Thụy'.

Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: BNEWS phát

Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank. Ảnh: BNEWS phát

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã chứng khoán: LPB) vừa công bố công bố danh sách đề cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ IV (2023-2028). Nội dung này dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng, diễn ra chiều nay 23/4 tại Ninh Bình.

Theo đó, số lượng thành viên Hội đồng quản trị được bầu là 7 thành viên (tăng thêm 1 người), trong đó có 1 thành viên độc lập.

Danh sách ứng viên vào Hội đồng quản trị LienVietPostBank nhiệm kỳ mới có 3/7 ứng viên là thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm, gồm: Ông Nguyễn Đức Thụy (Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn được gọi là "bầu Thụy"), ông Huỳnh Ngọc Huy (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị) và ông Lê Hồng Phong (thành viên Hội đồng quản trị).

Ngoài ra, còn có 4 ứng viên khác là: ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm (thành viên Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam), ông Hồ Nam Tiến (quyền Tổng Giám đốc LienVietPostBank) và ông Bùi Thái Hà (Phó Tổng Giám đốc thường trực ngân hàng).

Trong đó, đáng chú ý có ông Nguyễn Văn Thùy là em trai của bầu Thụy, hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành.

Ông Thùy sinh năm 1981 và là gương mặt trẻ tuổi nhất trong số 7 ứng viên vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ này. Ông là cử nhân Trường Đại học Xây dựng và mới đầu quân cho LienVietPostBank từ ngày 30/3/2023.

Bên cạnh đó, LienVietPostBank cũng tiến hành bầu Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới với 4 thành viên, bao gồm: Bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh.

Hội đồng quản trị LienVietPostBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua nhiều nội dung quan trọng khác như báo cáo kết quả kinh doanh 2022, kế hoạch kinh doanh 2023, phương án phân phối lợi nhuận 2022, phương án tăng vốn điều lệ, đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng...

Năm 2023, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% so với năm 2022 lên 375.000 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng 18% lên 295.740 tỷ đồng; tín dụng tăng 16% lên 273.490 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 5,4% lên thành 6.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 6,4% lên mức 4.800 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 12%.

Ngoài ra, LienVietPostBank cũng có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 19%, tương ứng với khoảng 3.285 tỷ đồng và dự kiến chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Sau khi hoàn thành các phương án trên, LienVietPostBank sẽ thu về hơn 11.385 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 17.291 tỷ đồng lên hơn 28.676 tỷ đồng.

Về kế hoạch đổi tên, LienVietPostBank muốn thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ "LienVietPostBank" thành "LPBank" vì tên gọi này quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ. Từ đó dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao.

Cổ phiếu LPB đã giảm 8,7% giá trị trong vòng 1 tháng qua xuống còn 13.650 đồng/cổ phiếu tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 21/4./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/em-trai-bau-thuy-xuat-hien-trong-danh-sach-de-cu-vao-hdqt-lienvietpostbank/288864.html