{Emagazine} Hương sen đất Cố đô
Những ngày đầu tháng sáu, khi mà nhiều đồng lúa hầu hết đều ngả sang màu vàng cũng là thời điểm các đầm sen với lá và búp vươn lên xanh mướt.
Bạn Phương Thảo đến từ thành phố Hoa Phượng đỏ cho biết: Em book (đặt) một homestay và cùng bạn đến Ninh Bình từ chiều hôm trước, để sáng sớm có mặt ở đầm sen Hang Múa. Ở đầm sớm để thấy những hạt sương long lanh, lấm tấm bám trên những cánh sen hồng hay còn tròn chĩnh giữa những lá non biếc… Khi nắng lên cũng là lúc hương sen bắt đầu tỏa ra thơm ngát, chúng em chọn nhiều góc chụp ảnh check in… Đã chụp sen là phải đi sớm, vì khi đó ánh nắng vừa đủ, không bị nheo mắt, không bị cháy ảnh…
Với chị Nguyễn Hương Giang (thành phố Ninh Bình), không mùa sen nào là chị không có mặt tại các đầm sen. Với công việc "tay trái" là cho thuê trang phục và làm dịch vụ chụp ảnh, mùa sen năm nào chị cũng được khách hàng đặt kín lịch. Dù nhiều lần đến với đầm sen, nhưng theo chị Giang "Sen có một sức hấp dẫn kỳ lạ, khiến con người ta trở nên thư thái, cảm nhận được sự yên bình. Chụp với sen không chỉ là lưu lại kỷ niệm đẹp mà còn là trải nghiệm với một không gian trong lành với ngọt ngào hương sen…".
Được biết, từ cuối tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, khi sen vào mùa nở rộ, đẹp nhất cũng là lúc các bạn trẻ đua nhau tìm đến các đầm thả dáng chụp ảnh. Bất chấp thời tiết nắng nóng, các đầm sen nô nức đón khách. Ngày thường cũng có vài trăm khách và vào những nghỉ lễ, ngày cuối tuần, các Khu du lịch như Hang Múa đón gần 1.000 khách/ngày; Homestay HaLi đón trên 200 khách/ngày; chưa kể các đầm sen nhỏ lẻ khu vực các xã Ninh Hải, Ninh Xuân... cũng tấp nập khách đến check in, chụp ảnh từ sáng sớm. Trong đó có cả những du khách quốc tế, vì tò mò, vì yêu cái đẹp cũng say sưa tìm đến để khám phá nét đẹp riêng có của mùa sen Ninh Bình thông qua các bức ảnh, video/clip check in cùng sen…
Mỗi năm, sen ra hoa 3 vụ, từ tháng 5 đến tháng 11 nhưng những ngày này là thời điểm thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển.
Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hoa Lư đã mạnh dạn chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Đã xuất hiện các tổ hợp, HTX, các công ty đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo chuỗi giá trị bền vững từ cây sen.
Các đại biểu, du khách tham quan khu sơ chế sen.
Nhờ vậy, nơi đây đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho kết quả rất đáng ghi nhận. Thống kê từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư, đã có nhiều đầm sen cho giá trị kinh tế rất cao, từ 400 - 500 triệu đồng/ha. Diện tích sen tập trung ở những địa phương có tiềm năng du lịch ở các xã: Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Mỹ và Trường Yên.
Thu hái và sơ chế sen.
Ghi nhận tại các địa bàn có mô hình trồng sen, thả cá kết hợp làm du lịch cho thấy, đến nay sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, giống sen phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng.
Hiện, gia đình chị Hoàng Liên có 45 ha sen các loại ở xã Ninh Thắng và Ninh Xuân. Các diện tích sen của gia đình chị đang vào độ đẹp nhất. Trong đó cho thu hoạch hoa và lá là 35 ha, còn 10 ha để khai thác du lịch, sau khi hết mùa hoa thì chuyển sang thu củ. Chi phí check in tại đầm sen trung bình từ 100 - 200 nghìn đồng/khách/ngày.
Du khách nước ngoài hào hứng trải nghiệm sản xuất trà sen.
Chị Hoàng Liên cũng cho biết: Các sản phẩm từ sen hiện có trà Cố đô, trà hoa sen sấy lạnh thăng hoa, trà lá sen, trà gạo lứt lá sen, củ sen, hạt sen, bánh kẹo từ hạt sen… Doanh thu các sản phẩm từ sen đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng.
Một số sản phẩm được chế biến từ sen.
Khu trưng bày sản phẩm tham gia Tuần Du lịch Ninh Bình 2023 của Công ty TNHH nông nghiệp sạch Ninh Thắng (Hoa Lư).
Theo thống kê, mô hình trồng sen Nhật, trồng nhiều giống sen kết hợp du lịch sinh thái đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sen cho năng suất hạt trung bình đạt 3,6 tấn/ha; sen cho thu hoa trung bình trên 32 nghìn bông/ha/năm; sen cho củ trung bình 4,2 tấn/ha/năm. Ngoài ra, sen còn cho thu các sản phẩm khác như lá sen, ngó sen, trà sen… Thu nhập ước tính từ trồng sen, thả cá đạt trên 400 triệu đồng/ha/năm. Chưa kể nguồn thu từ dịch vụ câu cá giải trí, nghỉ dưỡng ở nhiều hộ có đầm, kết hợp mô hình homestay…
Trước những thành công ban đầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay, huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai, duy trì và từng bước mở rộng mô hình sen Nhật, sen giống mới kết hợp với nuôi cá, phục vụ du lịch, dịch vụ.
Mùa sen ở Hoa Lư đang vào độ đẹp nhất. Với nhiều giống sen được trồng gối vụ, sen còn nở hoa kéo dài đến hết tháng 11. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều đầm sen trên địa bàn huyện Hoa Lư nhanh chóng trở thành điểm check-in nổi tiếng được cộng đồng mạng, khách du lịch nhắc đến sau mỗi dịp về với Ninh Bình.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-huong-sen-dat-co-do/d2023061308360672.htm