{Emagazine} - Ngành Y tế Ninh Bình, nhiều giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Những năm qua, các phong trào thi đua xây dựng y đức được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo thường xuyên, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện 12 điều y đức, quy tắc ứng xử công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế đã được thể chế bằng các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế, Sở Y tế, đã và đang thực hiện tại tất cả đơn vị y tế và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành.

Hướng dẫn người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh, năm 2023 đánh dấu sự đổi mới trong hoạt động khám bệnh tại Khoa khi thực hiện chuyển từ khám tổng quát sang khám bệnh chuyên sâu với việc triển khai 18 phòng khám chuyên khoa: hô hấp thần kinh, truyền nhiễm, tiêu hóa, huyết học, ung bướu… Có 2 bác sỹ tại Khoa và 12 bác sỹ từ các chuyên khoa khác về thực hiện nhiệm vụ. Trung bình một ngày, Khoa đón tiếp từ 400-500 lượt người bệnh, cao điểm trên 800 lượt/ngày. Lượng bệnh nhân đông nhưng không vì thế tinh thần, thái độ của các y, bác sỹ trong Khoa bị sao nhãng.

Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, cùng với việc đẩy mạnh các dịch vụ kỹ thuật phục vụ người bệnh, từng bước đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…, Ban giám đốc Trung tâm đã thành lập Hội đồng người bệnh, quan tâm tổ chức các hội nghị mời người bệnh và người nhà bệnh nhân đóng góp ý kiến, phỏng vấn trực tiếp về thái độ nhân viên y tế để chấn chỉnh ngay tinh thần, thái độ của nhân viên y tế (nếu có)… Qua phát phiếu thăm dò ý kiến của người bệnh, năm 2023 có từ 94-95% người bệnh hài lòng khi đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô.

Điểm nhấn trong các phong trào thi đua xây dựng y đức trong ngành Y tế Ninh Bình những năm qua chính là việc tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 4/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Sau 9 năm thực hiện, cán bộ y tế đã căn bản thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh. Tạo điều kiện tốt, thuận lợi để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; từng bước xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế trong Nhân dân.

Bà Bỗ Thị Ly (người ngoài, bên phải) chăm sóc người nhà tại Trung tâm Y tế huyện Yên Mô.

Là đơn vị y tế tuyến tỉnh tiêu biểu trong phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, phục vụ nhu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, năm 2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát triển và làm chủ được 19 kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật phẫu thuật soi cắt đoạn dạ dày nạo vét hạch D2 và làm miệng nối dạ dày - ruột được thực hiện tại Khoa Ngoại-Tổng hợp.

Áp dụng trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến vào khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tại tuyến huyện, với phương châm "Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ", Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn đã chú trọng phát triển các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng. Trung tâm đã tham gia các đề án chuyển giao kỹ thuật như 1816, khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương. Mời các tiến sĩ, bác sĩ có năng lực chuyên môn cao từ các bệnh viện đầu ngành về thăm khám trực tiếp cho người dân địa phương vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Đơn vị thường xuyên được đầu tư, sửa chữa, mua sắm bổ sung máy, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, hệ thống gây mê kèm thở, hệ thống Xquang số hóa, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy điện não đồ…

Trang thiết bị hiện đại được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn.

Thời gian qua, ngành Y tế tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển y tế cơ sở, hoàn thành nhiều chỉ tiêu đạt mức tốt hơn so với trung bình của toàn quốc. Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật mũi nhọn trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Năm 2023, Sở Y tế đã phê duyệt 553 kỹ thuật mới thực hiện tại các tuyến điều trị, trong đó: tuyến tỉnh 80 kỹ thuật, tuyến huyện 229 kỹ thuật, tuyến xã 244 kỹ thuật.

Đồng thời, ngành Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị y tế tiếp tục triển khai các đề án, dự án nâng cao năng lực chuyên môn như: Đề án 2628, Đề án 1816; tiếp tục duy trì tính bền vững các kỹ thuật đã tiếp nhận từ các bệnh viện tuyến Trung ương của Dự án NORRED và bệnh viện vệ tinh. Cải tiến chất lượng bệnh viện theo tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam. Kết quả hoạt động khám, chữa bệnh trong năm 2023, các chỉ số khám bệnh đều tăng so với năm 2022:

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh.

Một số thư cảm ơn của người nhà bệnh nhân gửi tới y, bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Những năm qua, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được ngành Y tế chú trọng. Toàn ngành tiếp tục duy trì ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn tại các tuyến. 100% đơn vị khám, chữa bệnh đã liên thông dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội phục vụ công tác quản lý và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh. Các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đã duy trì hiệu quả phần mềm một cửa; phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động thông minh; triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng phần mềm y tế cơ sở cho 143/143 trạm y tế…

Hệ thống lấy số thứ tự được số hóa, tạo điều kiện thuận cho người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hoạt động nghiệp vụ tại Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn.

Năm 2023, ngành Y tế đã triển khai tổng thể ứng dụng CNTT trong các hoạt động tại cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã, đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh cho người dân. Ngành Y tế đã triển khai 2 mô hình của Đề án 06 theo chỉ đạo của UBND tỉnh gồm: khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng VneID và khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ; triển khai 3 nội dung phục vụ Đề án 06 theo chỉ đạo của Bộ Y tế gồm: liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử.

Kết quả đạt được từ thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quản lý đã giúp các đơn vị y tế trong tỉnh tối giản thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nhân lực y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là tạo được bước đột phá trong công tác quản lý. Cải cách hành chính-chuyển đổi số được đánh giá là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế Ninh Bình năm 2023.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-nganh-y-te-ninh-binh-nhieu-giai-phap-huong-toi-su/d20240224120153660.htm