Emilio Morenatti: Từ phóng viên chiến trường đến chủ nhân Pulitzer
Nếu phải tìm một phóng viên in đậm dấu chân của mình trong các sự kiện nổi bật trên thế giới trong năm 2021, đó chỉ có thể là Emilio Morenatti.
Anh từng có hàng chục năm đưa tin về cuộc chiến vừa kết thúc tại Afghanistan và đã mất một chân tại đây. Morenatti còn đoạt giải Pulitzer 2021 với loạt ảnh đầy xúc động trong đại dịch COVID-19.
Dấn thân với nghề dẫu có trả giá
Emilio Morenatti sinh năm 1969 tại Zaragoza trong thời gian cha anh, một cảnh sát, đang làm việc ở đây. Sau đó vài tháng, anh cùng gia đình chuyển đến sinh sống tại thị trấn Cadiz thuộc thành phố Jerez, Tây Ban Nha.
Morenatti bắt đầu làm việc cho một số tờ báo địa phương tại Jerez. Không lâu sau, anh gia nhập hãng thông tấn hàng đầu EFE của Tây Ban Nha và sớm gây dựng tên tuổi của mình.
Kể từ đó, Morenatti bắt đầu đi “khắp thế giới” với tư cách là một phóng viên ảnh. Anh ghi hình và đưa tin về những sự kiện lớn như Hội nghị thượng đỉnh châu Âu, Thế vận hội Olympic Sydney hay chuyến đi của quân đội Tây Ban Nha đến Iraq trên con tầu Galicia.
Với mong muốn được “giúp đỡ xã hội” nhiều hơn nữa, Morenatti đã đến châu Phi lần đầu tiên vào năm 2001. Sau đó, anh đã cho trưng bày những bức ảnh đầy xúc động về cuộc sống nghèo khó ở Malawi và quyên góp tất cả số tiền thu được từ cuộc triển lãm cho một tổ chức phi chính phủ.
Vào năm 2003, Morenatti đi đến một quyết định lớn, khi rời bỏ công việc ở EFE vì muốn đi sâu vào các vấn đề gai góc và nhức nhối hơn trên thế giới. Đó là các cuộc chiến, các cuộc xung đột đang diễn ra với đầy đau thương tại Trung Đông, từ dải Gazza cho đến Afghanistan.
Morenatti bắt đầu dành một năm ở Kabul với nhiệm vụ chụp ảnh cho hãng tin AP và rồi thêm hai năm tiếp theo ở Israel, nơi mà anh đã chứng tỏ “lòng dũng cảm” của mình, cũng như khả năng “điều tra để đạt được thông tin”.
Bức ảnh “Nụ hôn” của Agustina Canamero, 81 tuổi, ôm và hôn chồng Pascual Perez, 84 tuổi, qua tấm phim nhựa để tránh nhiễm Covid-19 tại một viện dưỡng lão ở Barcelona. Dẫu vậy, một cái ôm trong ngăn cách vẫn có thể truyền đi sự dịu dàng, tình yêu và lòng tận tâm.
Việc dấn thân để ghi lại hình ảnh các cuộc chiến, các vụ xung đột tại Trung Đông có thể nói là công việc nguy hiểm nhất trong thế giới báo chí hiện đại. Để rồi, chẳng bao lâu sau khi bước vào con đường đầy hiểm nguy đó, một sự cố lớn đã xảy ra với Morenatti.
Đó là vào khoảng cuối năm 2006, anh đã bị bắt cóc tại thành phố Gazza, Palestine. Đây là một sự việc rất nổi bật trên truyền thông khi đó. Khoảng 300 người đã biểu tình tại thành phố Jerez và hàng trăm nhiếp ảnh gia khác trên toàn Tây Ban Nha đã hành động để yêu cầu chính phủ gây sức ép khiến Palestine giải thoát cho Morenatti. Kết quả là sau đó chính phủ Palestine đã lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ huy động tối đa nguồn lực để giải cứu anh.
Morenatti rốt cuộc cũng đã được tự do không lâu sau. Dẫu vậy, sự việc này cũng không hề làm anh sợ hãi hay nhụt chí. Morenatti tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến tại Dải Gazza, Jerusalem, Pakistan và đặc biệt Afghanistan.
Và rồi một điều tồi tệ hơn đã đến với Morenatti. Vào năm 2009, trong một chuyến đi cùng quân đội Mỹ ở Afghanistan mà anh được khuyên không nên theo, một chiếc chân của anh đã vĩnh viễn mất đi bởi một vụ nổ bom.
Nguy hiểm không ngăn được khát khao cống hiến và phần thưởng tuyệt vời
Sau khi được chữa trị, Morenatti trở lại Tây Ban Nha. Con đường phóng viên chiến trường của anh đã kết thúc kể từ đó. Song, sự nghiệp nhiếp ảnh của anh vẫn thăng hoa. Sau khi được lắp chân giả, Morenatti tiếp tục rong ruổi trên khắp nẻo đường để ghi lại các sự kiện thời sự lớn tại Tây Ban Nha, châu Âu cũng như cả trên thế giới.
Alvaro Puig Moreno nói trong đêm Giáng sinh 2020: “Những ngày lễ như này, thay vì làm tôi vui, lại khiến tôi buồn. Gia đình đã mất, tôi là một trong những người cuối cùng còn lại. Tôi sẽ đón Giáng sinh ở nhà một mình vì tôi không còn ai bên cạnh”.
Để rồi, trong 2 năm rất đặc biệt của thế giới vừa qua, Morenatti đã lại dấn thân vào một cuộc chiến khác, một cuộc chiến không tiếng súng nhưng hiểm nguy không kém các cuộc chiến tại Trung Đông. Đó là cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Vào thời điểm đại dịch bùng phát mạnh nhất, khi mà hầu hết mọi người đều đang trú ẩn trong nhà với sự sợ hãi, thì người phóng viên ảnh 52 tuổi này đã xa gia đình hàng tháng trời, đối mặt với rất nhiều rào cản và cả hiểm nguy, để chụp lại những hình ảnh đau thương, nhưng đáng được ghi lại để nhắc nhở về sự tàn khốc của đại dịch COVID-19.
Trên một chiếc xe tay ga, Moranatti đi khắp các thành phố tại Tây Ban Nha để chụp lại những bức ảnh đầy xúc động về sự khó khăn, nỗi cô đơn và cả cái chết của những người lớn tuổi trong đại dịch COVID-19. Loạt ảnh của Moranatti đã tạo ra tiếng vang lớn và giúp anh đoạt giải Pulitzer – giải thưởng được ví như Nobel báo chí cho hạng mục ảnh chuyên đề.
Chia sẻ về công việc của mình, Moranatti nói rằng anh thấy có nhiều điểm tương đồng giữa cách anh đưa tin về các khu vực chiến sự và các biện pháp phòng ngừa mà anh phải thực hiện để thực hiện nhiệm vụ đưa tin về đại dịch một cách an toàn. Đối với anh, những người già là nạn nhân lớn của đại dịch.
“Trong suốt ngần ấy năm, tôi đã học cách đối phó với cảm xúc và tránh những nguy hiểm trong mỗi tình huống tế nhị”, Moranatti nói, nhưng anh cũng thừa nhận bị ám ảnh bởi hình ảnh chết chóc tại các viện dưỡng lão, mà theo anh kể lại “có những viện dưỡng lão, gần một nửa người cao tuổi chết vì COVID”.
Một người già đẩy xe đẩy với đồ đạc của mình khi bà đi dọc một con phố vắng lặng ở trung tâm thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.
“Tôi đã mất hằng tháng trời để có thể vào một trong những viện dưỡng lão đó để chụp ảnh những người chết trong cô đơn, những người già chết trong những căn phòng biệt lập, cách xa những bệnh nhân và nhân viên phục vụ còn lại, không nhận được một cái ôm cuối cùng hay một lời tạm biệt cuối cùng”, anh nói, điều đó thật đau lòng.
Dẫu vậy, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Moranatti thẳng thắn chia sẻ: “Tôi sẵn sàng từ bỏ Pulitzer hay những giải thưởng lớn khác trong sự nghiệp của mình để đổi lại chiếc chân bị mất. Điều này thật mâu thuẫn với cuộc đời tôi. Nhưng đó là ý muốn chân thật trong tôi”. Nhưng điều quan trọng là anh không thấy hối tiếc vì những gì anh đã lựa chọn. Chính sự mất mát đã giúp anh có bài học đắt giá về nghề, để chia sẻ với những bạn đồng nghiệp và đồng thời cũng là động lực để anh tiếp tục chiến đấu cho đam mê của mình.