Enzyme ăn nhựa - Công nghệ mới thúc đẩy quá trình tái chế

Các nhà khoa học Anh vừa phát hiện ra một loại enzyme có khả năng ăn nhựa. Phát minh này có thể giúp tái chế các loại trang phục làm từ vải polyester, nhằm ngăn chặn hàng triệu tấn rác thải bị đổ ra bãi rác, hoặc bị đốt cháy mỗi năm.

Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), polyester là một loại vải sợi tổng hợp, được sử dụng rộng rãi trong ngành may mặc. Đây là loại vải phổ biến nhất trên thế giới, chiếm đến 60% các loại trang phục mặc hàng ngày. Tuy nhiên, chất liệu này không phải là một lựa chọn bền vững để dệt quần áo.

Giáo sư ANDY PICKFORD, Đại học Portsmouth, Anh: “Lý do điều này quan trọng đến vậy là bởi, sau khi hết hạn sử dụng, nhựa tái chế chiếm tỉ lệ khá cao, trong khi đó, tỷ lệ tái chế hàng dệt may lại vô cùng thấp, thường chỉ dưới 10%.”

Trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học cắt nhỏ quần áo, nhúng vào nitơ lỏng và nghiền các mảnh vải này thành các hạt nhỏ. Vụn vải sau đó được đặt trong dung dịch, rồi cho vào lò phản ứng sinh học có chứa các enzyme. Những enzyme này sẽ tiêu hóa nhựa trong vụn vải, để biến vải trở lại thành nguyên liệu sợi thô ban đầu.

Tiến sĩ VICTORIA BEMMER, Đại học Portsmouth, Anh: “Chúng tôi đang tìm kiếm một loại enzyme có thể ăn nhựa càng nhanh càng tốt. Đồng thời, nó cũng cần có khả năng hoạt động ổn định trong môi trường công nghiệp, với nhiệt độ thường ở khoảng 70 độ C.”

Mặc dù công nghệ hiện đại đã cho phép con người tái chế một số loại vải sợi tổng hợp, tuy nhiên các phương pháp tái chế công nghiệp này lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Do vậy, việc tìm ra phương pháp tái chế tự nhiên đối với quần áo polyester sẽ là một bước ngoặt trong ngành may mặc bền vững.

Thực hiện : Mạnh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/enzyme-an-nhua-cong-nghe-moi-thuc-day-qua-trinh-tai-che