Éo le học trò Hà Nội mang máy tính đến lớp học trực tuyến
Trong tuần đầu tiên khi học trò quay lại học trực tiếp, thay vì tới trường, cô giáo N.H.T phải dạy tại nhà do thuộc diện F1. Bất đắc dĩ, các học sinh trong lớp cũng phải chuyển từ học trực tuyến ở nhà sang học trực tuyến tại trường.
Cô N.H.T, giáo viên dạy Hóa tại một trường THCS ở Hà Nội cho biết, đây là tình huống “éo le” mà chính cô cũng không lường trước được khi chuẩn bị đón học sinh trở lại.
Theo quy định, với những giáo viên thuộc diện F0, F1 sẽ không đủ điều kiện để dạy học trực tiếp tại trường. Trong một số trường hợp, nhà trường có thể bố trí giáo viên dạy thay. Tuy nhiên, với bộ môn của cô T., việc bố trí giáo viên là rất khó. Do đó, thay vì tới trường, cô giáo trẻ phải dạy online tại nhà.
Khi giáo viên dạy online, học trò vẫn sẽ đi học trực tiếp. Nhà trường cũng đã trang bị một chiếc máy tính có kết nối với máy chiếu, cùng với một bộ loa để học sinh có thể nghe rõ bài giảng của cô giáo hơn. Thêm vào đó, trường còn lắp đặt một chiếc camera chiếu xuống bên dưới để giáo viên có thể bao quát toàn bộ lớp học.
“Việc dạy như vậy cũng có nhiều hạn chế, như đường truyền mạng không ổn định, đôi khi có thể ngắt quãng kết nối. Hơn nữa, nếu giáo viên muốn mời học sinh phát biểu hay lên bảng làm bài, điều này cũng rất khó khăn để giáo viên có thể lắng nghe, theo dõi”.
Một khó khăn khác, theo cô T., dù mic luôn để chế độ mở giúp giáo viên nắm bắt được mọi ồn ào trong lớp, nhưng do quản lý từ xa nên việc giữ ổn định và trật tự trong suốt quá trình giảng bài cũng rất khó. Do đó, trong một số tiết, những giáo viên dạy online ở nhà có thể phải nhờ tới các thầy cô bộ môn khác hỗ trợ quản lý lớp từ bên ngoài.
“Nhưng dù còn nhiều khó khăn, điều khiến tôi mừng nhất là các em vẫn nhiệt tình tham gia vào bài giảng dù không có cô trên lớp hay vẫn đứng lên trình bày bài và nhận xét bài của bạn rất nghiêm túc. Thay vì chờ đợi, giờ đây, các em cùng thầy cô đều nỗ lực tìm cách để thích ứng linh hoạt với việc học tập trong bối cảnh dịch bệnh”, cô T. nói.
Lớp học của con có cô giáo Sinh học thuộc diện F0, vì thế, trong tiết học này, cả lớp sẽ ngồi theo dõi cô giảng bài thông qua màn hình điện thoại, laptop. Chị Lê Hoàng Loan (Đống Đa, Hà Nội) nói vui, điều này chẳng khác nào “chuyển từ học trực tuyến ở nhà sang học trực tuyến tại trường”.
“Bình thường trong thời gian qua, con vẫn học trực tuyến tại nhà bằng máy tính. Hôm trước, cô chủ nhiệm có thông báo các bạn trong lớp tạm thời sẽ mang theo laptop hoặc điện thoại tới trường để ngồi học online tại lớp do cô giáo Sinh học thuộc diện F0, không thể tới trường. Vì nhà trường chưa kịp bố trí giáo viên dạy thay, do đó, buổi học tạm thời sẽ diễn ra theo hình thức này để chạy cho kịp chương trình”.
Theo chị Loan, việc học theo hình thức này có khá nhiều bất cập, bởi không phải học sinh nào cũng có điều kiện để mang theo các thiết bị như thế tới trường. Chưa kể, đường truyền mạng ở trường đôi khi không ổn định như ở nhà.
“Tôi nghĩ rằng nhà trường nên có sự chuẩn bị từ trước cho tình huống này. Nếu chưa thể bố trí giáo viên dạy thay, tạm thời có thể đổi tiết sang một bộ môn khác. Việc học sinh vẫn học trực tuyến, chỉ khác là đổi địa điểm từ học ở nhà sang học ở trường, cũng sẽ không đem lại hiệu quả”, phụ huynh này nói.
Còn với Phạm Tuấn Minh, học sinh lớp 10 ở Đống Đa lại gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” khác khi vừa háo hức tới trường đã phải hụt hẫng quay trở về nhà tiếp tục học trực tuyến do có bạn học là F0.
“Chỉ có khoảng 2 bàn quanh đó và những bạn tiếp xúc trên 15 phút với bạn F0 mới phải chuyển sang học trực tuyến, số còn lại vẫn tiếp tục được học tại trường. Do em có tiếp xúc gần với bạn nên buộc phải học online tại nhà”, Minh nói.
Điều khiến cậu học trò lớp 10 cảm thấy tiếc nuối là vừa được gặp thầy cô, bạn bè chưa lâu đã phải tiếp tục trở về việc học tập thông qua màn hình máy tính.
“Quả thực, dù đã quen với hình thức học này, nhưng khi được đi học trực tiếp em vẫn cảm thấy hứng thú hơn do có thể dễ dàng tương tác với thầy cô và các bạn. Trở lại học trực tuyến, em thấy việc tiếp thu kém hiệu quả hẳn do rất khó theo dõi được chữ viết của thầy cô trên bảng, chưa kể đôi khi mạng chậm, tiếng cô nghe bập bõm khiến việc học cũng bị gián đoạn”.
Câu chuyện “dở khóc dở cười” này không chỉ của riêng Minh. Những ngày qua, khi học sinh trở lại trường, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, các phụ huynh có con em đang học cấp THCS, THPT cũng cho biết không ít trường hợp vừa tới trường đã phải quay về học trực tuyến vì lớp có F0.
Thậm chí, tại một trường THCS ở Cầu Giấy, chỉ sau 1 tuần triển khai học trực tiếp, trường này đã phải cho toàn bộ 3 khối lớp trở về việc học trực tuyến hoàn toàn do xuất hiện các trường hợp F0, F1 trong trường.