Ép học sinh chuyển trường, bỏ thi: Bệnh thành tích và sự tàn nhẫn
Vận động học sinh kém chuyển trường hoặc không thi vào 10 không chỉ sai về mặt quy định mà còn sai về mặt đạo lý.
Càng học sinh yếu kém càng phải tạo điều kiện
Những ngày qua, thông tin học sinh lớp 9 được giáo viên "tư vấn" chuyển đến trường tư thục hoặc "xin tự nguyện" không thi tuyển lớp 10 trở thành đề tài nóng trong dư luận.
Trước đó , mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, 1 học sinh lớp 9, Trường THCS Dịch Vọng có điểm tổng kết học kỳ I đạt loại Khá (7,2 điểm) nhưng cách đây ít hôm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cùng đại diện Ban giám hiệu gọi phụ huynh đến trao đổi, đưa ra phương án học tập cho con.
Cụ thể, giáo viên đề nghị cho con học trường tư, phụ huynh ký giấy cam kết không thi tuyển vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích của trường.
Hiện, đây vẫn là đề tài được bàn tán xôn xao trên các diễn đàn giáo dục.
Hện tượng giáo viên “tư vấn”, ép học sinh sớm đăng ký vào trường tư thục hoặc không thi lớp 10 là tình trạng được nhắc đến trong nhiều năm qua ở Hà Nội.
Đây là biểu hiện của “bệnh thành tích”, nhất là các trường công lập, khi chỉ chiếm 60-70% học sinh trên toàn thành phố.
Hành động này không chỉ sai về mặt quy định, quyền lợi hợp pháp của các em mà còn sai về mặt đạo lý.
Các trường núp vào cái cớ mang tính nhân văn “phân luồng” nhưng bản chất “hành vi” ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 lại khác nhau, thậm chí là phi giáo dục.
Bởi thực tế, học sinh đã được trường tuyển, đạt đầu vào. Sau 4 năm đào tạo, trường lại đẩy các em "ra rìa" trách nhiệm là sai hoàn toàn.
Tất cả học sinh phải được giúp đỡ như nhau. Những em, học yếu kém, có muốn thi hay không là quyền của các em và phụ huynh, không phải quyền của các thầy cô.
Các thầy cô phải tạo điều kiện, nhất là những em học yếu kém. Ngoài ra những em có hoàn cảnh khó khăn, muốn có cơ hội phấn đấu nhưng chỉ có học ở trường công lập mới đủ điều kiện kinh tế, thì càng phải hỗ trợ, động viên nhiều hơn.
Chúng ta vẫn nhắc đến quan điểm giáo dục nhân văn - tất cả vì học sinh, lấy học sinh là trung tâm. Nhưng phải hành động đúng, chứ không phải tất cả vì bản thân mình, vì thành tích của mình.
Lỗi tại Hiệu trưởng
Thông tin về việc ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập không còn là chuyện lạ đối với phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 những năm gần đây.
Bệnh thành tích trong giáo dục nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung khiến mọi thứ trở nên giả dối, bất nhân văn.
Thực tế, hàng năm, Phòng GD&ĐT quận/huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT lập để đánh giá thành tích của trường.
Việc trường THCS làm "đẹp" con số thống kê đó của mình bằng các “giải pháp thiết thực”, cụ thể là câu chuyện "vận động" học sinh yếu kém không thi lớp 10 là tàn nhẫn với học sinh.
Lỗi này thuộc về những người quản lý, về hiệu trưởng nhà trường chứ không phải do giáo viên. Chúng ta không thể chạy theo thành tích như vậy.
Tôi cho rằng, cách tính thi đua của giáo dục đang đi ngược thực tế. Chúng ta phải tính được tỷ lệ giúp đỡ được các em học sinh yếu kém vươn lên, thay vì tỷ lệ học sinh giỏi.
Bởi, không ít em học khá giỏi, phần nhiều do chính bản thân em và gia đình nỗ lực.
TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội)