Ernest Hemingway và Marlene Dietrich: Tình yêu của tâm hồn!
Nhiều thập kỷ nay, người hâm mộ vẫn không ngừng băn khoăn trước câu hỏi: liệu mối quan hệ giữa văn hào Ernest Hemingway và nữ minh tinh điện ảnh người Đức Marlene Dietrich thực sự tình yêu hay chỉ là một tình bạn rất đặc biệt?
Từ cuộc gặp gỡ định mệnh
Nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald- một trong những người bạn rất thân của Ernest Hemingway- thậm chí đã khẳng định: “Để viết được một cuốn sách hay mới thì Ernest Hemingway cần có một bà vợ mới”. Thế nên chẳng mấy ngạc nhiên khi mối quan hệ khi cây bút lừng danh được cho là có mối quan hệ tình ái với nữ minh tinh màn bạc tài sắc Marlene Dietrich.
Họ gặp nhau lần đầu tiên trong một đêm tiệc được tổ chức trên chuyến tàu biển từ châu Âu sang châu Mỹ năm 1934. Ảnh: T.L
Họ gặp nhau lần đầu tiên trong một đêm tiệc được tổ chức trên chuyến tàu biển từ châu Âu sang châu Mỹ năm 1934. Lúc đó, Hemingway đang trong cuộc hôn nhân với người vợ thứ 3 Mary Welsh.
Trong cuốn hồi ký được phát hành năm Marlene Dietrich tròn 80 tuổi, nữ minh tinh màn bạc này nhớ lại: Bữa tiệc tôi được mời đêm hôm ấy được sắp xếp đúng 13 thực khách. Con số 13 vốn là con số kiêng kỵ đối với nhiều người phương Tây thành thử tất cả những người dự tiệc hôm ấy đều ngần ngại không muốn ngồi vào bàn. Cả tôi cũng vậy. Khi mọi người và cả tôi đang bối rối thì đột nhiên có một người bước vào và nói to: "Yên trí, đã có tôi là người thứ 14 đây”. Người đó là Ernest Hemingway.
Vào thời điểm đó, Marlene Dietrich, dù mới là lần giáp mặt Ernest Hemingway đầu tiên, đã thú nhận: "Tôi như bị tiếng sét ái tình. Yêu ngay không tính toán bằng lý trí". Chỉ cái cách Ernest Hemingway đến và ngồi xuống ghế, cử chỉ rất thoải mái, tự nhiên, đã khiến con tim nghệ sĩ của nữ minh tinh loạn nhịp.
Còn Ernest Hemingway với bản tính đào hoa vốn có, lại đang trong thời kỳ mà ông thổ lộ là cô đơn hết mức trong cuộc hôn nhân thứ 3 với Mary Welsh, việc sự “gục ngã” trước sự quyến rũ hơn người Marlene Dietrich cũng là điều dễ hiểu.
Trong những lá thư Hemingway viết cho Dietrich luôn được mở đầu hoặc kết thúc các bằng những lời lẽ rất nồng nàn. Ảnh: AP
Tình cảm của hai người được neo giữ khá lâu dù khoảng cách địa lý xa cách. Theo hồi ký của Marlene Dietrich là từ thời khắc đó đến năm 1961 khi Hemingway đột ngột qua đời.
Cũng như các cặp tình nhân khác, cũng có lúc họ ghen bóng ghen gió lẫn nhau. Điều này cũng dễ hiểu khi Hemingway là một văn sĩ được nhiều người mến mộ, một người rất đỗi đào hoa, quan hệ rộng, thường xuyên giao du với nhiều phụ nữ đẹp còn Dietrich là nữ minh tinh quá nổi tiếng và quyến rũ.
Tới "mối quan hệ vô cùng cảm động"
Tình yêu của E.Hemingway và Marlenne Dietrich là tình yêu qua những lá thư. Ảnh: Corbis
Về sau này, theo nhiều tài liệu được công bố, mối tình giữa hai con người nổi tiếng này còn nhiều điều đáng nói hơn thế và những ngọt ngào say đắm ấy, dường như chỉ qua những… lá thư, hiển hiện qua câu chữ hơn là bằng những cử chỉ thường thấy ở các đôi tình nhân.
Trong những lá thư Hemingway viết cho Dietrich luôn được mở đầu hoặc kết thúc bằng những lời lẽ rất nồng nàn: “Ta yêu con, ta muốn ôm chặt con vào lòng và hôn con say đắm”, “Ta không thể diễn tả nổi rằng cứ mỗi lần ôm con trong vòng tay, ta lại cảm thấy ta đang có một mái ấm”. (Hemingway và Dietrich thường xưng papa-bố và xưng con lạ lùng như thế). Trong một bức thư gửi Hemingway tháng 8/1952, Dietrich cũng bày tỏ tình cảm không kém: “Em muốn ôm anh bằng đôi tay và trái tim em. Em muốn hôn anh mãi mãi… Em không thể yêu anh nhiều hơn thế”.
Trong cuốn Papa Hemingway: A Personal Memoir (Bố già Hemingway: Hồi ký cá nhân), A. E. Hotchner - bạn thân của nhà văn - kể lại rằng, Hemingway đã có lần tâm sự với ông: “Tôi và Kraut (Hemingway thường gọi nữ minh tinh gốc Đức là "My little Kraut"- Kraut bé nhỏ của tôi) phải lòng nhau từ năm 1934 nhưng chưa bao giờ là tình nhân. Đáng ngạc nhiên nhưng đúng thế đấy”. Mọi điều càng thêm được kiểm chứng khi về sau này có thông tin chính Marlene Dietrich cũng từng thừa nhận rằng đây "là thứ tình yêu của tâm hồn, không thuộc về thể xác". Merlene còn bộc bạch: “Hemingway là cái neo, là nhà hiền triết, là cố vấn giỏi nhất, là thủ lĩnh trong ngôi nhà thờ riêng của lòng tôi".
Có lẽ vì thế mà Hemingway và Marlenne không kết hôn với nhau, thậm chí, chính Marlenne đã là "bà mối" cho ông với người vợ thứ tư. Mối quan hệ ấy được bà Maria Riva- con gái của Dietrich gọi là “tri kỷ”.
Cũng chính nhờ việc gìn giữ được sự thuần khiết mà tình cảm giữa Hemingway và Marlene Dietrich lại bền vững hơn bất cứ mối quan hệ khác giới nào của đại văn hào này.
Trong gần 3 thập kỷ làm bạn của nhau, Hemingway và Dietrich đã làm đúng những việc mà những tri kỷ thường làm với nhau đó là chia sẻ mọi điều từ sự trống rỗng mỗi khi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết của Hemingway đến nỗi cô đơn không biết cùng ai thổ lộ. Thậm chí, có người ví với vốn hiểu biết văn học và đời sống khá tường tận, Dietrich đã đóng vai trò là “nàng thơ” của Hemingway. 30 bức thư trao đi đổi lại giữa hai người từ 1949 đến 1953 chứa đựng những tình cảm khá sâu nặng nhưng không có chi tiết nào chứng tỏ họ là người tình của nhau.
Ngày 2/7/1961, E.Hemingway dùng súng tự sát. Quá đau đớn, Marlenne không đủ can đảm đến dự đám tang tri kỷ của mình. “Tôi không bao giờ không yêu ông nữa kể cả khi ông đã lìa xa cõi đời này"- Trong cuốn hồi ký được viết bằng những ngón tay run rẩy của mình, Marlenne Dietrich đã tâm sự cùng bạn đọc.
Đến phút cuối cùng, nữ minh tinh thừa nhận tình yêu của mình, nhưng đó quả thật, là một tình yêu quá mức đặc biệt, “thứ tình yêu của tâm hồn”. Hơn thế nữa, thứ tình yêu đặc biệt đã là chất xúc tác quý giá, để người văn sĩ vốn luôn tâm niệm “yêu để sống, sống để yêu” như Ernest Hemingway sáng tác nên những tác phẩm văn chương bất hủ.