Ethiopia: Bất lực với các vụ bắt cóc sinh viên đòi tiền chuộc

Gia đình của một trong số khoảng 100 sinh viên đại học bị bắt cóc mới đây gần thị trấn Garba Guracha ở khu vực North Shoa của Oromia, khi đang đi từ vùng Amhara đến Addis Abeba, cho biết họ đã nhận được yêu cầu đòi tiền chuộc là nửa triệu birr. Chị gái của một nữ sinh viên năm thứ ba tại Đại học Debark bị bắt cóc đã nói với Hãng tin Addis Standard với điều kiện giấu tên rằng gia đình đã rất khủng hoảng vì số tiền họ bị yêu cầu trả và chính phủ không có hành động gì.

Nạn nhân của xung đột

"Chúng tôi đã nhận được các cuộc gọi điện thoại từ các quan chức chính phủ, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ hành động nào. Lựa chọn duy nhất và tốt nhất của chúng tôi dường như là gây quỹ và trả tiền chuộc", cô nói. Gia đình của một sinh viên bị bắt cóc khác đã nói chuyện với Hãng tin BBC cho biết họ đã được yêu cầu trả 700.000 birr tiền chuộc. "Chúng tôi không có 7.000 birr, chứ đừng nói đến 700.000 birr", một thành viên trong gia đình được trích dẫn nói.

Sinh viên là nạn nhân bị bắt cóc đòi tiền chuộc ở Ethiopia. Ảnh: Blavyti.

Sinh viên là nạn nhân bị bắt cóc đòi tiền chuộc ở Ethiopia. Ảnh: Blavyti.

Một số sinh viên được cho là đã trốn thoát vào ngày hôm đó, trong khi những người khác sau đó được thả, "được xác định theo nơi sinh của họ" theo BBC. Nơi ở của những sinh viên vẫn bị giam cầm hiện vẫn chưa được biết đến. Cha mẹ của những sinh viên bị bắt cóc mô tả những kẻ bắt cóc là "Shane", một thuật ngữ mà các quan chức chính phủ sử dụng để ám chỉ nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Oromo (OLA). Asmamaw Zegeye, Chủ tịch của Đại học Debark, đã xác nhận vụ việc với giới truyền thông nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Những nỗ lực của Addis Standard nhằm có được bình luận từ người đứng đầu Cục An ninh và Hòa bình khu vực Bắc Shoa cũng như các quan chức tại Bộ Giáo dục đều không thành công.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Addis Abeba đã lên án sự gia tăng gần đây của các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc được báo cáo ở các khu vực Oromia và Amhara. "Những vụ bắt cóc dân thường và sinh viên để kiếm lợi nhuận phải chấm dứt", đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố. Ủy ban Nhân quyền Ethiopia (EHRC), trong Báo cáo Tình hình Nhân quyền thường niên lần thứ 3 được công bố, đã nhấn mạnh đến sự gia tăng các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc ảnh hưởng đến cả khu vực Oromia và Amhara. Trong một bài báo được xuất bản mới đây, Addis Standard đã đưa tin về các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc ngày càng gia tăng ở khu vực Oromia, với nhiều nạn nhân và quan chức xác nhận xu hướng này, xảy ra trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa các lực lượng chính phủ và OLA.

Sinh viên Ethiopia biểu tình trước các vụ bắt cóc, bạo lực sắc tộc. Ảnh: Blavyti.

Sinh viên Ethiopia biểu tình trước các vụ bắt cóc, bạo lực sắc tộc. Ảnh: Blavyti.

Bạo lực kéo dài

Khi xung đột sắc tộc âm ỷ nhiều năm, kéo dài thì sinh viên thường là những người chịu trận của các lực lượng cực đoan. Ngoài ra, bạo lực trường học cũng làm đau đầu chính phủ quốc gia châu Phi này, Blavyti vừa cho hay.Từ cuối tháng 10/2019, bạo lực đã bùng phát ở Addis Ababa và vùng Oromia. Cảnh sát Ethiopia cho biết con số thương vong trong các cuộc đụng độ ở những khu vực thuộc cộng đồng Oromo lên đến hàng trăm người. Bạo lực kéo dài khiến lực lượng an ninh phải triển khai đến các điểm nóng để thiết lập trật tự. Giới chức Ethiopia cho biết, hơn 400 người đã bị bắt trong cuộc điều tra liên quan bạo lực tại nước này.

Hiện nay, vấn đề an ninh được cho là một trong những thách thức lớn mà Thủ tướng Abiy Ahmed phải đối mặt. Ông cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nạn bạo lực gia tăng tại các trường đại học, chủ yếu do xung đột giữa sinh viên từ các nhóm sắc tộc khác nhau. AP dẫn nguồn tin từ giới chức Ethiopia cho biết, các tay súng đã chặn chiếc xe buýt chở sinh viên đang trên đường từ Đại học Dembi Dollo tới Thủ đô Addis Ababa và bắt cóc họ. Một nữ sinh trốn thoát nói rằng các tay súng tự nhận họ là thành viên của OLA, một nhóm vũ trang hoạt động mạnh tại khu vực phía tây và nam vùng Oromia với mục tiêu là giành lại lợi ích cho nhóm sắc tộc người Oromo.

Vụ việc xảy ra là diễn biến gần đây nhất và gây quan ngại về tình trạng mất an ninh tại các trường đại học, cao đẳng ở Ethiopia. Giới chức nước này lo ngại việc tấn công nhằm vào sinh viên là do xung đột giữa các nhóm sắc tộc gây ra. Phong trào Quốc gia Amhara, đảng chính trị đại diện sắc tộc Amhara ở Ethiopia, cho rằng đang có một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào các học sinh, sinh viên Amhara ở vùng Oromia của Ethiopia. Họ tố cáo nhóm bắt cóc sinh viên nhằm đòi thêm lợi ích cho người Oromo ở khu vực Oromia. Oromo là nhóm dân tộc lớn nhất trong số hơn 80 dân tộc sống ở Ethiopia. Thống kê cho thấy, người Oromo chiếm khoảng 35% dân số trong khi người Amhara và Tigrean chiếm 33% dân số. Đây là các cộng đồng có tiếng nói nhất ở Ethiopia. Trước đây, dù Oromo là nhóm dân tộc lớn nhất song người Amhara đã phát triển và có ảnh hưởng lớn, liên tục trong nhiều năm. Kết quả là xung đột sắc tộc giữa người Amhara với người Oromo đã nổ ra trong suốt một thời gian dài.

OLA là tổ chức do một số thủ lĩnh người Oromo thành lập vào năm 1973. Lúc đầu, những người ủng hộ tổ chức này yêu cầu đòi tăng quyền lợi cho cộng đồng đa số của người Oromo dưới sự thống trị của người Amhara. Sau đó, do phong trào vũ trang phát triển vượt ngoài kiểm soát nên tổ chức này bị Chính phủ Ethiopia đưa vào danh sách khủng bố và phân biệt chủng tộc. Ngay chính trong cộng đồng người Omoro cũng có nhiều người lên tiếng phản đối hoạt động của OLA.

Các tay súng bộ lạc Murle. Ảnh: NYT.

Các tay súng bộ lạc Murle. Ảnh: NYT.

Nỗ lực giải cứu

Giới chức Ethiopia vừa giải cứu thành công 21 sinh viên đại học bị một nhóm tay súng bắt cóc kể trên. Vụ bắt cóc xảy ra tại khu vực Oromia bất ổn của Ethiopia, nghi do nhóm vũ trang OLA thực hiện. Sự kiện tiếp tục cho thấy nhiều năm nay, quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi đã phải đối mặt tình trạng bạo lực sắc tộc bất chấp các nỗ lực chuyển đổi kinh tế - xã hội tại đây.

Theo bà Billene Seyoum, người phát ngôn của Thủ tướng Ethiopia,13 sinh viên nữ và 8 sinh viên nam được các tay súng trả tự do nhưng sáu người khác vẫn bị giam giữ. Lực lượng an ninh nước này khẳng định đã phối hợp với các thủ lĩnh tôn giáo để giải cứu các sinh viên, tuy nhiên không tiết lộ cách thức hòa giải cũng như chưa đưa ra thông tin về nhóm nào đứng sau vụ bắt cóc.Phiến quân vũ trang của OLA từng đã tấn công một nhóm người Amhara, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Theo báo cáo của giới chức Ethiopia, 154 người (chủ yếu thuộc sắc tộc Amhara) đã bị sát hại ở Arba Guugu. Vụ việc đã châm ngòi cho hàng loạt động thái thù địch giữa hai cộng đồng người Oromo và người Amhara trong khu vực. Trong đó có các cuộc tiến công của OLA nhằm vào cộng đồng người định cư Amhara, đốt phá làng mạc và sát hại dân thường.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, OLA đã bị buộc tội tàn sát và tiến hành nhiều hành động khủng bố ở Kenya, Somalia và Ethiopia, dù các thủ lĩnh của tổ chức này không thừa nhận. Năm 1998, OLA bị cáo buộc đã tham gia vụ thảm sát tại làng Bagalla ở biên giới Ethiopia và Kenya, khiến 187 người thiệt mạng. Các tay súng của nhóm này cũng bị Chính phủ Kenya cáo buộc cướp hàng nghìn đàn gia súc của người dân và là thủ phạm bắt cóc nhiều trẻ em gái trong các khu làng gần biên giới. Chính quyền Kenya đã nhiều lần yêu cầu giới chức Ethiopia giải quyết tình trạng hoành hành của phiến quân OLA trong lãnh thổ nước này.

Theo một nghiên cứu của Trường đại học Minnesota (Mỹ) về tình trạng xung đột sắc tộc ở Ethiopia, OLA đã thừa nhận các vụ thảm sát kể trên có thể do những người ủng hộ nhóm này thực hiện, nhưng tuyên bố rằng OLA không lên kế hoạch và không chịu trách nhiệm về các vụ việc. Đến năm 2012, các thủ lĩnh chính của OLA tan rã, song vẫn có nhiều cáo buộc nhóm này thực hiện các cuộc tấn công khác nhau nhằm vào dân thường cũng như lực lượng chính phủ. Tháng 8/2018, Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed đã ký kết thỏa thuận hòa bình với OLA, tuy nhiên thỏa thuận này vẫn chưa thể chấm dứt cuộc xung đột như mong đợi.Năm 2016, chính quyền Ethiopia cho biết, các tay súng đã bắt cóc 39 học sinh sau khi giết hại 140 người tại tỉnh Gambella gần biên giới nước này và Nam Sudan. Bộ trưởng Bộ Thông tin Ethiopia Getachew Reda nói, những kẻ tấn công là thành viên bộ lạc Murle đang cư ngụ tại nước sáng giềng Nam Sudan. Theo ông Reda, lực lượng an ninh nước này đang truy đuổi theo những kẻ tấn công và tiêu diệt khoảng 60 tên.

Ethiopia là nơi trú ngụ của hàng ngàn người tị nạn Nam Sudan. Những người tị nạn di chuyển đến Ethiopia sau khi cuộc chiến bùng phát giữa Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và Phó tổng thống Riek Machar.

Ông Riek Machar sau khi bị truất phế đã tập hợp các chiến binh nổi dậy chiến đấu với quân chính phủ. Hiện ông Riek Machar đang dự định quay lại thủ đô để thực thi hiệp định hòa bình.

Bộ trưởng Reda cho biết, các tay súng bộ lạc Murle không có liên kết với cả phe chính phủ Nam Sudan và phiến quân, họ từng nhiều lần tràn sang Ethiopia nhằm cướp gia súc và trẻ em về sở hữu. Trước tình trạng này, chính phủ Ethiopia đã cam kết sẽ đẩy mạnh các hoạt động vây ráp phiến quân dọc biên giới. Chính phủ cũng đã tổ chức 2 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công.

Bộ trưởng Reda cho biết, các vụ tấn công đẫm máu đã khiến rất nhiều người dân nước này phải rời bỏ ngôi làng của mình. Đến nay, sau hàng loạt các cuộc vây ráp của chính phủ nhằm trấn áp phiến quân, một số người đã quay lại tái định cư.

Nhiệm vụ khó khăn

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 4/2018, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã được đánh giá cao về những nỗ lực chấm dứt chế độ hà khắc của chính quyền tiền nhiệm nhằm “hạ nhiệt” xung đột sắc tộc và cải cách kinh tế. Ông Abiy là một người Oromo, đã chủ trương hòa giải một cách mềm dẻo giữa các nhóm sắc tộc, thả tù nhân, xóa bỏ nhiều lệnh cấm… Năm 2019, ông Abiy đã nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột giữa Ethiopia với nước láng giềng Eritrea.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng trao giải Nobel Hòa bình cho ông Abiy còn quá “vội vàng”, vì chính phủ của ông vẫn đang phải đương đầu với tình trạng bạo lực gia tăng mà chưa có giải pháp rốt ráo. Dù được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt, nhưng những cải cách của ông Abiy để hòa giải với các nhóm vũ trang đã không nhận được sự đồng tình cao trong nước, đặc biệt là từ phía các quan chức quân đội và một số thành viên của liên minh cầm quyền.

Ông Abiy cũng đối mặt những chỉ trích là chậm trễ và thiếu quyết đoán trong cách thức phản ứng trước tình trạng bạo lực sắc tộc. Hồi tháng 6/2019, hai đồng minh thân cận của Thủ tướng Abiy đã bị sát hại sau một cuộc đảo chính bất thành ở Thủ đô Addis Ababa. Trước tình trạng trên, Thủ tướng Abiy Ahmed đã cảnh báo cuộc khủng hoảng sắc tộc hiện nay ở quốc gia châu Phi này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn nếu người dân không đoàn kết. Người đứng đầu Chính phủ Ethiopia cũng khẳng định rằng, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp ngăn chặn các cuộc đụng độ liên quan sắc tộc và tôn giáo. Ông cũng nhắc lại quan điểm đề cao giải pháp đối thoại như một lựa chọn ưu tiên để giải quyết bất đồng.

Long Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/ethiopia-bat-luc-voi-cac-vu-bat-coc-sinh-vien-doi-tien-chuoc-i766999/