EU: Các đột biến cúm gia cầm gây ra mối đe dọa ngày càng tăng
Các cơ quan châu Âu kêu gọi các nước cần chuẩn bị tốt hơn và chia sẻ thông tin nhiều hơn về cúm gia cầm trong bối cảnh các số ca nhiễm trên toàn cầu đang gia tăng và các đột biến mới được xác định có thể làm tăng khả năng lây lan của virus sang người.
Theo báo cáo mới của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), virus cúm gia cầm đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng, có khả năng thích nghi với con người và làm tăng nguy cơ gây ra các đại dịch trong tương lai.
“Những diễn biến toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác và đảm bảo sẵn sàng ứng phó với mối đe dọa của cúm gia cầm”, bà Pamela Rendi-Wagner, Giám đốc ECDC cho biết và nói thêm rằng việc có các kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở châu Âu.
Các nghiên cứu đã xác định được 34 đột biến chính trong virus cúm gia cầm có thể làm tăng khả năng lây nhiễm cho người, từ đó đòi hỏi phải phát hiện và ứng phó nhanh chóng.
Theo ECDC, những đột biến này có thể làm tăng khả năng thích nghi của virus với các vật chủ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền giữa các động vật có vú và dẫn đến các ca nhiễm ở người, làm dấy lên lo ngại về khả năng thích nghi với con người của virus và gây ra đại dịch toàn cầu.
“Trong năm 2024, virus cúm gia cầm đã mở rộng phạm vi lây nhiễm, gây bệnh cho các loài trước đây không bị ảnh hưởng”, EFSA nêu rõ.
Các chuyên gia y tế đang ngày càng lo ngại khi các ca mắc cúm gia cầm tiếp tục gia tăng ở các loài chim hoang dã trên toàn thế giới, nhất là ở Mỹ - nơi một đợt bùng phát dịch ở gia cầm và bò sữa đã dẫn đến 67 ca nhiễm ở người và 1 trường hợp tử vong.
Được biết, nhóm virus gây ra các ca nhiễm này là H5N1, và mặc dù đã lây lan giữa các loài chim và một số loài động vật có vú, nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào lây truyền từ người sang người. Hầu hết các ca mắc cúm gia cầm đều liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị nhiễm virus.
Theo ECDC, kể từ lần phát hiện đầu tiên vào năm 1997, nhóm virus này đã gây ra 954 ca nhiễm ở người, được ghi nhận ở 24 quốc gia.
Tình hình đáng lo ngại ở động vật
Mặc dù virus cúm gia cầm hiện không phổ biến ở người, nhưng tình hình lây nhiễm ở động vật rất đáng lo ngại. Từ tháng 9 - 12 năm 2024, đã phát hiện 657 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao ở chim trong nước và chim hoang dã trên 27 quốc gia châu Âu.
Việc phát hiện ra nhánh H5N1 ở động vật nuôi trong trang trại, chẳng hạn như một đợt bùng phát ảnh hưởng đến mèo ở Ba Lan, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho con người.
Nhánh này cũng ảnh hưởng đến chó ở Canada, Italy và Ba Lan, động vật lông thú nuôi ở Tây Ban Nha và Phần Lan, và đặc biệt lây lan mạnh giữa các đàn bò sữa ở Mỹ.
Một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp để giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh này. Tại Tây Ban Nha, Bộ Nông nghiệp đã ban hành cảnh báo "nguy cơ cao" đối với cúm gia cầm, cấm nuôi vịt và ngỗng với các loài gia cầm khác, cũng như cấm nuôi gia cầm ngoài trời.
Để đảm bảo các quốc gia thành viên có thể ngăn ngừa và ứng phó với khả năng bùng phát dịch bệnh, Ủy ban châu Âu cũng đang triển khai các biện pháp đối phó y tế, bao gồm 3 hợp đồng mua vaccine cúm gia cầm chung đã được phát động.
Hồi tháng 6/2024, EU đã mua 665.000 liều vaccine cúm gia cầm ngừa đại dịch và đặt mua 40 triệu liều trong 4 năm tới.
Tuy nhiên, các cơ quan châu Âu cảnh báo rằng nếu vaccine cúm gia cầm được đưa vào sử dụng, thì đó phải là một phần của chiến lược quản lý dịch bệnh toàn diện và rộng lớn hơn. Đồng thời, để giảm nguy cơ xảy ra các sự kiện lan truyền (một khi virus lây sang người), cần lên kế hoạch chăn nuôi cẩn thận. Theo nghiên cứu chung của ECDC và EFSA, điều này bao gồm việc giảm mật độ các trang trại thương mại có các loài dễ bị tổn thương cao, chẳng hạn như gia cầm và động vật có vú.