EU cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng: Cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt

Trả lời phỏng vấn của TBTCVN, ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, việc châu Âu áp dụng đạo luật về các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ không gây phá rừng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam. Đây cũng là 'cú huých' để ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi mạnh mẽ hơn và sản xuất sẽ chuyển đổi theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.

 Nông nghiệp Việt hướng đến những giá trị xanh. Ảnh: TL

Nông nghiệp Việt hướng đến những giá trị xanh. Ảnh: TL

PV: Mới đây, các nước EU đã thông qua đạo luật về sản xuất và thương mại các sản phẩm không gây phá rừng. Theo ông, việc các nước EU áp dụng quy định này sẽ tạo ra thách thức gì đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu đang suy giảm do nhu cầu các nền kinh tế châu Âu giảm như hiện nay, thưa ông?

Ông Đào Xuân Lai

Ông Đào Xuân Lai

Ông Đào Xuân Lai: Việc châu Âu áp dụng quy định này chắc chắn các mặt hàng xuất khẩu có liên quan của Việt Nam sẽ gặp thách thức. Theo đó, sẽ làm tăng chi phí bởi vì phải làm thêm rất nhiều các thủ tục đăng ký về thương hiệu, đăng ký về nguồn gốc, đánh giá các tác động liên quan có gây mất rừng hay suy thoái rừng hay không. Tăng chi phí sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường này.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy, hạn ngạch xuất khẩu các ngành hàng liên quan của Việt Nam vào châu Âu hiện chỉ khoảng 5,5 tỷ USD so với phần khu vực này nhập khẩu hàng năm khoảng 160 tỷ USD/năm. Vì hạn ngạch vào châu Âu thấp nên trước mắt, tác động tổng thể tới xuất khẩu của Việt Nam không quá lớn và tác động chủ yếu với các ngành cà phê, tiêu, cao su và gỗ. Bên cạnh đó, theo đạo luật này, thời điểm tính mất rừng và suy thoái rừng là từ 31/12/2020 trở đi thì thực ra trước thời điểm đó, Việt Nam đã quản lý rừng rất chặt chẽ, về cơ bản đã cấm cửa rừng tự nhiên nên các ngành trồng hay sử dụng các sản phẩm đất được xác định là do mất rừng và suy thoái rừng không nhiều.

Ngoài ra, còn có một số điểm chưa rõ và luật mới được thông qua nên mới quy định 6 ngành hàng đầu tiên và chưa có hướng dẫn cụ thể chính xác áp dụng và tính toán như thế nào; đặc biệt là các khu vực trồng ở vùng đệm có được tính hay không. Với khu vực này cần chờ thêm những hướng dẫn cụ thể thì mới xác định được chính xác tác động đến đâu và tác động đến ai, như thế nào...

PV: Có câu “trong nguy có cơ”. Vậy, theo ông, liệu có cơ hội nào cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi EU áp dụng quy định trên?

Ông Đào Xuân Lai: Tất nhiên, đi kèm với thách thức sẽ là cơ hội. Người tiêu dùng quốc tế chuyển đổi thói quen và trách nhiệm tiêu dùng. Đối với Việt Nam, có thể nói đây là một cơ hội rất tốt, bởi vì Việt Nam đã và đang mong muốn xuất khẩu càng ngày càng nhiều đến với các nước khó tính. Ngành Nông nghiệp có thể chuyển đổi mạnh mẽ hơn và từng người sản xuất sẽ chuyển đổi theo hướng xanh hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động để chuyển đổi ngành Nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn. Như vậy, rõ ràng đây là một cú huých quan trọng để chuyển đổi ngành Nông nghiệp có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, với rừng. Bởi nếu không triển khai thì chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đồng nhất

Theo ông Đào Xuân Lai, để tận dụng được cơ hội cũng như hạn chế tác động tiêu cực từ quy định về các sản phẩm không gây phá rừng của EU, cần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho tất cả các doanh nghiệp, người dân nắm được lộ trình trong thời gian tới. Đồng thời, để tạo ra độ tin cậy của dữ liệu, ngành Nông nghiệp nên có một cơ sở dữ liệu quốc gia về truy suất nguồn gốc và các dữ liệu mất rừng, suy thoái rừng từ năm nào; thời điểm nào để có thể truy cập được vào thông tin đó, tạo ra độ tin cậy, tin tưởng; đồng thời giúp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Nhưng để chuyển đổi được thì phải cần rất nhiều bước chuẩn bị, phối hợp từ các cấp và các bên khác nhau, từ chính quyền, Nhà nước đến khối doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã. Hơn nữa, cần phải hệ thống hóa, có các quy định bài bản hơn để có thể đảm bảo được việc xuất khẩu không chỉ hiện tại mà về lâu dài. Vì hiện tại mới có EU áp dụng quy định này, nhưng rồi dần dần, các thị trường khác của Việt Nam cũng sẽ áp dụng, thậm chí cả thị trường trong nước.

PV: Vậy ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp để có thể hạn chế được những tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng được những cơ hội mang lại từ quy định trên?

Ông Đào Xuân Lai: Chắc chắn các doanh nghiệp từ trước đến giờ khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu hay Mỹ đã có nhận thức triển khai theo các quy chuẩn như: VietGap hay GlobalGap. Tuy nhiên, có thể trước đây làm theo từng đợt, từng lô, từng đối tượng nhưng trong thời gian tới sẽ phải làm bài bản hơn, từ việc truy suất nguồn gốc cho đến các thông tin dữ liệu liên quan đến nguồn gốc của đất trồng hay dấu chân carbon trong quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước hay sử dụng lao động trẻ em… Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên, đều phải cùng vào cuộc.

Khi đi vào hệ thống và thực hiện bài bản thì các doanh nghiệp lớn hoàn toàn có thể làm được, do có nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông hộ, hợp tác xã thì là một thách thức khi tăng chi phí. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề này.

Chắc chắn cần có hợp tác công tư, nhà nước và người dân cùng làm, nhà nước ra chính sách và có thể hỗ trợ ban đầu. Đặc biệt đẩy mạnh phối kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân vì hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải dựa vào đầu vào từ người nông dân nên phải giúp người dân cùng xác định nguồn gốc đất đai rồi phối hợp quá trình sản xuất, thu hái giữa hai bên để có dữ liệu cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định của EU đưa ra trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp giảm các chi phí ngay từ đầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam nên đàm phán với EU về lộ trình áp dụng

Vào tháng 4/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua đạo luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.

Theo đó, không có bất cứ hàng hóa và sản phẩm nào trong phạm vi của quy định này được phép đưa vào thị trường châu Âu nếu chúng được sản xuất trên đất bị chặt phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020. Các hàng hóa dự kiến sẽ chịu tác động bởi quy định này gồm: dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó (ví dụ: sôcôla, đồ nội thất, lốp xe, sản phẩm in).

Theo ông Đào Xuân Lai - Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường của UNDP tại Việt Nam, là một trong những nước chịu ảnh hưởng, Việt Nam có thể nhận được một phần hỗ trợ của EU và các nước hỗ trợ cho việc chuẩn bị cũng như triển khai đạo luật này. Tuy vậy, Việt Nam nên cân nhắc cùng các nước chịu tác động lớn đàm phán với EU về lộ trình thời điểm áp dụng, để tác động ít nhất có thể hoặc tác động theo từng nhóm đối tượng. Trước mắt, lộ trình áp dụng có thể theo hướng với các tập đoàn sản xuất lớn thì áp dụng sớm hơn, còn với các hợp tác xã nhỏ hay hộ nông dân có thể áp dụng muộn hoặc theo lộ trình nào đó để đỡ gánh nặng người dân và doanh nghiệp./.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/eu-cam-hang-hoa-co-xuat-xu-tu-pha-rung-co-hoi-tot-cho-doanh-nghiep-viet-129872.html