EU chia rẽ vì vấn đề tẩy chay Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022
Các quốc gia EU đã không đạt được quan điểm chung về việc có nên tham dự Thế vận hội Olympic Bắc Kinh vào đầu tháng 2 tới.
Theo Politico.eu ngày 20/1, Ba Lan là quốc gia mới nhất xác nhận Tổng thống nước này Andrzej Duda sẽ tham dự Thế vận hội Olympic mùa Đông Bắc Kinh năm 2022 và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bất chấp việc Mỹ kêu gọi các đồng minh tẩy chay ngoại giao.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, ông Jakub Kumoch cho biết: “Ba Lan là một quốc gia có chủ quyền và tự quyết định quan điểm chính trị của mình đối với Trung Quốc. Ba Lan là đồng minh của Mỹ nhưng Ba Lan cũng có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc”.
Theo giới chức Ba Lan, do quan hệ giữa Ba Lan và Mỹ đã xấu đi dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, nên việc tiếp tục chỉ trích Trung Quốc để làm hài lòng người Mỹ không còn mang lại lợi ích cho quốc gia Trung Âu này.
Vấn đề trên sẽ dẫn đến một tình huống khó xử: Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ xuất hiện tại buổi khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Nga và NATO. Ba Lan là quốc gia luôn phản đối mạnh mẽ Nga trong vấn đề Ukraine. Câu hỏi đặt ra là ông Duda sẽ làm gì khi gặp ông Putin.
Ngoài Ba Lan, các nước Pháp, Italy, Na Uy và Phần Lan cũng đã thông báo sẽ cử các quan chức đến Bắc Kinh dự sự kiện. Các nước thành viên EU khác cũng cử đại diện ngoại giao tham dự bao gồm Latvia, Romania, CH Séc, Ireland và Hy Lạp.
Ngược lại, Bỉ, Đan Mạch, Estonia và Litva thông báo sẽ không cử quan chức tham dự. “Không có gì bí mật khi Đan Mạch rất quan tâm đến tình hình nhân quyền ở Trung Quốc”, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết hôm 14/1.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu khác cho biết họ sẽ không tham dự vì lý do đại dịch COVID-19 như Áo, Hà Lan, Slovenia và Thụy Điển.
Với nền kinh tế lớn nhất EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước cho biết các cuộc tham vấn về vấn đề trên giữa các đối tác EU vẫn đang diễn ra, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này Annalena Baerbock đã loại bỏ khả năng tham dự.
Ông Scholz đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào đầu tuần này. Theo Politico.eu, phía Trung Quốc đã gửi thông điệp cho nhà lãnh đạo Đức rằng Berlin nên tiếp tục duy trì cách tiếp cận thực dụng và không đối đầu như thời bà Angela Merkel. Điều này dường như được Thủ tướng mới của Đức ủng hộ vì ông Scholz được cho là có quan điểm ưu tiên quan hệ kinh tế hơn thay vì mối quan ngại chiến lược lâu dài với Trung Quốc.
Theo Mạng lưới Phòng Thương mại Toàn cầu của Đức (AHK) và Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, hiện có 1/4 các doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc đang muốn giảm quy mô hoạt động hoặc đóng cửa hoàn toàn. Trong khi đó, hơn 1/2 số doanh nghiệp của Đức ở Trung Quốc kỳ vọng các ngành của họ sẽ phát triển theo hướng tích cực ở quốc gia Đông Á này trong năm tới. Niềm tin kinh doanh trong tương lai ở Trung Quốc có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quan điểm của Berlin về quan hệ tổng thể EU-Trung Quốc.