EU chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký tại Việt Nam
Riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ KH&ĐT, lũy kế đến tháng 8/2022, đã có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với 2.384 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 27,6 tỷ USD, chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký tại Việt Nam. EU hiện đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.
Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2021 với số dự án cấp mới đạt 104 dự án.
Đáng chú ý, tuy số lượng và giá trị của các dự án FDI của EU vào Việt Nam có xu hướng tăng lên, nhưng mới chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của EU. Điều này cho thấy dòng FDI vào Việt Nam từ EU chưa tương xứng với tiềm năng mà các doanh nghiệp EU có thể mang lại. Tính trên tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (OFDI) của EU, Việt Nam mới chỉ nhận được lượng vốn đầu tư vô cùng khiêm tốn: tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so với tổng vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới, theo số liệu của Eurostat và Tổng cục Thống kê.
Thoe TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần được thực thi “tốc độ” hơn nữa để hút dòng vốn từ EU. Bởi, những lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại chỉ là ngắn hạn khi các “đối thủ” trong ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang tích cực đàm phán FTA với EU, đồng thời EU cũng đang hướng tới một FTA chung trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, việc thực thi hiệp định này còn dẫn tới những áp lực và chi phí liên quan tới cải cách thế chế, chính sách, hay thậm chí làm giảm dòng FDI vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dòng FDI toàn cầu đang suy giảm và có tính chọn lọc hơn.
Bên cạnh đó, FDI của EU vào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh bởi chính sách thương mại mới của EU, khi dành ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh.
Thực tế, các dự án đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh và chuyển đổi số có thể sẽ được tăng cường tại Việt Nam, khi có nhiều nhà đầu tư EU như Đức, Hà Lan, Đan Mạch... với lợi thế về phát triển năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo sẽ xem xét cân nhắc đầu tư các dự án tại Việt Nam.