EU đạt thỏa thuận sơ bộ về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo
Các công ty triển khai các công cụ AI, chẳng hạn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh Midjourney, sẽ cần xem xét liệu tài liệu có bản quyền có được sử dụng để phát triển hệ thống của họ hay không.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các nghị sỹ một Ủy ban thuộc Nghị viện châu Âu (EP) ngày 27/4 đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính bước ngoặt của khối, mở đường cho một bộ luật toàn diện đầu tiên trên thế giới về công nghệ này.
Theo các đề xuất, các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro nhận thức được: từ tối thiểu đến hạn chế, cao và không thể chấp nhận được. Mặc dù các công cụ có rủi ro cao không bị cấm nhưng những người sử dụng chúng sẽ cần phải rất minh bạch trong hoạt động của mình.
Các công ty triển khai các công cụ AI, chẳng hạn như ChatGPT hoặc trình tạo hình ảnh Midjourney, sẽ cần xem xét liệu tài liệu có bản quyền có được sử dụng để phát triển hệ thống của họ hay không.
Theo nghị sỹ Svenja Hahn, một thỏa thuận vững chắc sẽ điều chỉnh AI một cách tương xứng, bảo vệ quyền của công dân, cũng như thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế. Một cuộc bỏ phiếu ở cấp Ủy ban dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/5, sau đó sẽ được đưa ra trước EP vào tháng 6 tới.
Cách đây 2 năm, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các quy tắc dự thảo nhằm bảo vệ công dân khỏi những nguy cơ của công nghệ mới nổi. Các công nghệ mới đã được đầu tư mạnh tay sau khi xuất hiện ChatGPT của OpenAI vào cuối năm ngoái.
Chatbot đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, đạt 100 triệu người dùng trong vòng vài tuần.
Cuộc đua tiếp theo giữa các công ty công nghệ lớn và nhỏ để đưa các sản phẩm AI ra thị trường khiến một số người dùng lo lắng. Ông chủ sở hữu mạng xã hội Twitter, Elon Musk, đã ủng hộ đề xuất tạm dừng phát triển các hệ thống như vậy trong thời gian 6 tháng.
[ChatGPT có tạo ra kỷ nguyên mới cho trí tuệ nhân tạo phát triển?]
Ngày 25/4, EU đã công bố danh sách đầy đủ các công ty, nền tảng sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và các quy tắc chặt chẽ hơn theo DSA, bao gồm AliExpress của Alibaba, Amazon Marketplace, Apple AppStore, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Shopping, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, TikTok, Twitter, Wikipedia, YouTube, Zalando, Bing, Google Search.
Các nền tảng này hiện sẽ có bốn tháng để tuân thủ các quy tắc dưới sự bảo trợ của DSA.
Điều này bao gồm cung cấp cho người dùng internet thông tin về lý do tại sao họ được đề xuất một số trang web nhất định hoặc các chi tiết khác và khả năng từ chối.
Tất cả quảng cáo trên các nền tảng này cũng sẽ phải có nhãn ghi rõ người đã trả tiền cho chúng và các hợp đồng có điều khoản và điều kiện sẽ phải có phần tóm tắt bằng “ngôn ngữ đơn giản” và bằng các ngôn ngữ khác nhau của các quốc gia mà họ đang hoạt động.
Nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp này, các nền tảng trên có thể phải nộp phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty và có thể bị áp lệnh cấm hoạt động tạm thời tại châu Âu.
Trước đây, các nhà quản lý châu Âu đã cảnh báo Elon Musk, Giám đốc điều hành của Twitter, rằng công ty của ông phải thực hiện một lượng công việc lớn nhằm tuân thủ quy tắc mới.
Tờ Politico Europe dẫn lời Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa, nói rằng những công ty này không thể hoạt động theo kiểu họ quá lớn nên không cần quan tâm.
Đây là danh sách đầu tiên của các công ty sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn theo DSA. Nhiều công ty có thể sẽ được thêm vào trong tương lai.