EU 'đau đầu' đối phó khủng hoảng an ninh từ dòng người di cư
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết các nỗ lực ngoại giao của Warsaw đang giúp giảm số lượng người di cư đến Belarus với hy vọng vào EU, nhưng Ba Lan và các nước láng giềng cảnh báo cuộc khủng hoảng biên giới còn lâu mới kết thúc.
Ông Morawiecki, phát biểu sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia tại Budapest, cho biết Ba Lan đã đàm phán với các chính phủ của Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và các nước khác.
Một phát ngôn viên của chính phủ đã tweet rằng ông Morawiecki sẽ gặp Tổng thống Pháp Emanuel Macron vào thứ Tư và truyền thông Ba Lan đưa tin về kế hoạch cho các cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết, EU cũng đang phối hợp với các đối tác ngoài EU - Hoa Kỳ, Canada và Anh để đối phó với thách thức di cư và khẳng định với Nghị viện châu Âu rằng, khối 27 quốc gia này đứng trên tinh thần đoàn kết với Ba Lan, Lithuania và Latvia.
Bà cho biết, để ngăn chặn những người trung gian vận chuyển người di cư đến Belarus, EU sẽ lập một danh sách đen các công ty du lịch liên quan đến buôn bán và buôn lậu người di cư. Theo Ủy viên EU Margaritis Schinas, nó sẽ cung cấp cho EU một công cụ pháp lý để đình chỉ hoặc hạn chế hoạt động của các công ty, hoặc thậm chí cấm họ ra khỏi EU nếu họ tham gia vào hoạt động buôn người.
"Đây không phải là một cuộc khủng hoảng di cư, đây là một cuộc khủng hoảng an ninh", bà Schinas lưu ý. Theo EU, hơn 40.000 nỗ lực vào EU qua biên giới Belarus đã bị ngăn chặn vào năm 2021.
Minsk đã dọn sạch các trại di cư ở biên giới và đồng ý thực hiện các chuyến bay hồi hương đầu tiên trong nhiều tháng vào tuần trước. Theo báo cáo của Minks hôm thứ Ba, khoảng 120 người di cư đã hồi hương vào ngày 22/11 và sẽ có thêm nhiều chuyến hồi hương người di cư tiếp theo.
Nhưng các nhà chức trách ở Warsaw cho biết các sự cố lặp lại ở biên giới cho thấy Minsk có thể đã thay đổi chiến thuật nhưng vẫn chưa từ bỏ kế hoạch sử dụng những người di cư chạy trốn khỏi Trung Đông và các điểm nóng khác như một vũ khí trong cuộc đối đầu với EU.
Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của các cơ quan đặc biệt của Ba Lan, nói với các phóng viên: “Có nhiều nỗ lực lặp đi lặp lại để vượt qua biên giới và họ sẽ tiếp tục". Các nhà chức trách Ba Lan ước tính khoảng 10.000 người di cư có thể vẫn còn ở Belarus, tạo ra khả năng xảy ra các vấn đề khác.
Ông Lukashenko, người phủ nhận cáo buộc rằng ông đã gây ra cuộc khủng hoảng, cũng đã gây áp lực buộc EU và Đức nói riêng phải chấp nhận một số người di cư trong khi Belarus hồi hương những người khác, nhưng EU đã từ chối.
Các cơ quan nhân đạo cho biết có tới 13 người di cư đã chết ở biên giới, trong khu rừng ẩm ướt, lạnh giá với ít thức ăn hoặc nước uống khi mùa đông bắt đầu.