EU đối mặt cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt mới

Theo trang Oilprice, để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga, EU sẽ cần tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và sử dụng các đường ống thay thế, như đường ống xuyên Balkan và dòng chảy TurkStream.

EU cần tăng nhập khẩu LNG để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Ảnh: AP

EU cần tăng nhập khẩu LNG để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga. Ảnh: AP

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, gần một nửa dòng chảy khí đốt của Nga được vận chuyển đến châu Âu thông qua Ukraine, đạt tổng cộng 13,7 tỷ m3 vào năm 2023.

Hợp đồng trung chuyển khí đốt hiện tại kéo dài 5 năm giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024, trong khi khả năng Azerbaijan tham gia một thỏa thuận trung chuyển trong tương lai vẫn chưa rõ ràng, dẫn đến lo ngại về dòng chảy khí đốt sang châu Âu trong tương lai.

Hãng tư vấn Rystad Energy dự đoán rằng khí đốt Nga sẽ cần được chuyển đến châu Âu thông qua các con đường thay thế đường ống quá cảnh Ukraine, với sản lượng 7,2 tỷ mét khối khí LNG mỗi năm.

Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt có thể xảy ra sớm hơn dự kiến ban đầu, như cảnh báo được Công ty năng lượng OMV của Áo đưa ra hồi tháng 5 vừa qua.

Slovakia, Áo và Moldova là các quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều nhất vào khối lượng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine, khi nhập khẩu lần lượt khoảng 3,2 tỷ m3, 5,7 tỷ m3 và 2 tỷ m3 vào năm 2023. Trong năm ngoái, dòng chảy khí đốt của Nga được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine đã cung cấp cho các nước EU thông qua các điểm nhập khí đốt ở Slovakia và Moldova.

Moldova đã đồng ý với Ukraine về việc duy trì nguồn cung khí đốt của Nga cho đến cuối năm 2025, trong đó phần lớn được cung cấp cho khu vực ly khai thân Nga là Transnistria.

Năm ngoái, Moldova đã nhập khẩu 74% khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Bên cạnh đó, nước này lần đầu tiên nhận khí đốt từ Romania và miền nam thông qua dòng chảy ngược qua đường ống xuyên Balkan.

Italia và Hungary cũng nhập khẩu khí đốt của Nga qua Ukraine, trong khi Slovenia và Croatia là các nhà nhập khẩu khí đốt quan trọng của Moscow.

Chính vì vậy, việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga đi qua Ukraine sẽ tác động đáng kể đến nhiều nước thành viên EU. Ví dụ, khi hợ đồng trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev hết hạn từ năm 2025, Moldova sẽ cần định tuyến lại 2 tỷ mét khối từng được cung cấp qua Ukraine.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom và các nhà nhập khẩu châu Âu đều bày tỏ hy vọng tiếp tục duy trì thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine gần đây tuyên bố không có ý định gia hạn thỏa thuận khí đốt với Nga.

Nếu không có Azerbaijan hoặc bên thứ ba khác trung chuyển khí đốt sau thỏa thuận hoán đổi với Moscow, EU sẽ cần khoảng 7,2 tỷ m3 khí LNG để thay thế khí đốt Nga. Các trạm tiếp nhận LNG ở Ba Lan, Đức, Lithuania và Italia có thể chuyển khối lượng khí này đến các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như Slovakia và Áo.

Nếu không có khí đốt của Nga, Slovakia sẽ cần khoảng 4 tỷ mét khối LNG được vận chuyển từ Czech. Áo - nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga vào năm 2023 - sẽ cần phải nhập khẩu 2,5 tỷ m3 khí đốt từ Italia nếu tất cả dòng khí đốt của Nga qua Ukraine chấm dứt.

Italia có một số lựa chọn để thay thế các đường ống dẫn khí của Nga và gần như không phụ thuộc vào việc quá cảnh nhiên liệu qua Ukraine. Tuy nhiên, nước này sẽ phải cung cấp khoảng 3,75 tỷ m3 khí đốt cho Slovakia và Áo.

Hungary sẽ phải đối mặt thách thức không nhỏ trong trường hợp thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine không được gia hạn. Khi đó, Hungary sẽ phải dựa vào lưu lượng khí đốt tăng lên qua đường ống dẫn khí TurkStream.

Các nước Trung và Đông Âu đang lên phương án đối phó với khả năng dừng vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine và đã hợp tác để tạo ra Hành lang khí đốt thẳng đứng theo Sáng kiến kết nối năng lượng Trung và Đông Nam Âu (CESEC) của EU.

Hành lang khí đốt này sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có ở Ukraine và Moldova, đồng thời cho phép nhập khẩu LNG từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để đến Slovakia, Hungary và có thể cả Ba Lan.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/eu-doi-mat-cuoc-khung-hoang-nguon-cung-khi-dot-moi.html