Mỹ và kế hoạch triển khai tên lửa gây tranh cãi

Lần đầu tiên kể từ những năm 1980, Mỹ công bố ý định triển khai lâu dài tên lửa tầm trung ở Đức. Từ năm 2026, tên lửa tầm trung đa năng và vũ khí siêu thanh của Mỹ sẽ được triển khai trên lãnh thổ nước Đức. Đây là một bước leo thang nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.

Ngày 10/7, website Nhà Trắng đăng tuyên bố tuyên bố chung của Chính phủ Mỹ và Đức sau các cuộc thảo luận trước Hội nghị thượng đỉnh NATO: Mỹ sẽ bắt đầu triển khai theo từng đợt các khả năng hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa miền tại Đức vào năm 2026, như một phần của kế hoạch triển khai lâu dài các khả năng này trong tương lai.

Khi được phát triển đầy đủ, các đơn vị hỏa lực tầm xa thông thường này sẽ bao gồm SM-6, Tomahawk và các vũ khí siêu thanh đang phát triển, có tầm bắn xa hơn đáng kể so với hỏa lực trên bộ hiện tại ở châu Âu.

Việc thực hiện các khả năng tiên tiến này sẽ chứng minh cam kết của Mỹ đối với NATO và những đóng góp của nước này vào khả năng răn đe tích hợp của châu Âu. Trong Hội nghị thượng đỉnh NATO, Pháp, Đức, Ý và Ba Lan cũng đã nhất trí cùng nhau phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn hơn 500 km để lấp đầy khoảng trống trong kho vũ khí của châu Âu.

Tổng thống Vladimir Putin tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga tại St. Petersburg, ngày 28/7.

Tổng thống Vladimir Putin tham dự Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga tại St. Petersburg, ngày 28/7.

Điều nguy hiểm nhất của tình huống này là việc lặp lại một kịch bản tương tự như vấn đề tên lửa tầm trung ở châu Âu thời Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, một vấn đề nan giải về an ninh đã nảy sinh, khi tên lửa tầm trung có thể “đánh phủ đầu” phe đối lập một cách nhanh chóng và bất ngờ. Theo đó, một cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa tầm trung sẽ nhằm vào các trụ sở, kho quân sự, sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng năng lượng và các mục tiêu quan trọng khác. Điều này không chỉ tạo ra lợi thế khi tấn công trước mà còn giảm rủi ro rằng đối thủ tiềm năng có thể ra tay trước.

“Tình huống này gợi nhớ đến các sự kiện thời Chiến tranh Lạnh liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung Pershing ở châu Âu”, Tổng thống Nga Putin nói tại Ngày Hải quân thường niên của Nga ở St. Petersburg. Tên lửa Pershing II, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, đã được quân đội Mỹ triển khai tại các căn cứ của Mỹ ở CHLB Đức từ năm 1983. Giới lãnh đạo Liên Xô khi đó, bao gồm cả Tổng Bí thư Yuri Andropov, lo ngại rằng việc triển khai Pershing II là một phần trong kế hoạch phức tạp do Mỹ cầm đầu nhằm tiêu diệt Liên Xô. Năm 1983, ông Andropov đang đau yếu và KGB đã coi một loạt động thái của Mỹ bao gồm việc triển khai Pershing II và một cuộc tập trận lớn của NATO là dấu hiệu cho thấy phương Tây sắp tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Liên Xô...

Theo các nhà chức trách Mỹ, việc triển khai tên lửa tầm trung theo từng giai đoạn sẽ diễn ra ở Đức. Danh sách vũ khí được triển khai sẽ bao gồm tên lửa SM-6 (tên lửa đất đối đất, không đối đất và đất đối đất đa năng), tên lửa hành trình Tomahawk, cũng như vũ khí siêu thanh đang được phát triển, có tầm bắn xa hơn nhiều so với các phương tiện tấn công trên bộ hiện nay ở châu Âu. Việc triển khai vũ khí Mỹ ở Đức không phải là điều mới mẻ. Đây là những kế hoạch đã có từ lâu. Các loại vũ khí này sẽ được triển khai dưới sự chỉ huy của Lực lượng đặc nhiệm đa miền của Mỹ tại Đức, một phần của Bộ chỉ huy pháo binh số 56 của quân đội Mỹ, đã giải thể vào năm 1991 và tái thành lập vào năm 2021.

Đây là một bước leo thang nghiêm trọng, mặc dù có thể đoán trước được, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019. Ngày 2/8 đánh dấu kỷ niệm 5 năm chấm dứt hiệp ước giữa Mỹ và Liên Xô (Nga) về tên lửa tầm trung. Việc triển khai và sản xuất loại tên lửa này ở Mỹ và Nga trước đây đã bị cấm theo Hiệp ước INF giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987. Tuy nhiên, vào ngày 20/10/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước với lý do Nga không tuân thủ và cả hai nước đều chính thức rút vào năm 2019. Sự xuất hiện của những loại vũ khí này làm tăng mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga nhưng không mang lại những thay đổi cơ bản cho cán cân lực lượng ở châu Âu. Giờ đây có thể khẳng định rằng tất cả các hình thức đàm phán trước đây về việc không triển khai tên lửa tầm trung đã hoàn toàn bị chôn vùi.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon (MRC), tên lửa tiêu chuẩn SM-6, tên lửa hải quân đa năng và tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ thông báo sẽ triển khai tại Đức từ năm 2026.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon (MRC), tên lửa tiêu chuẩn SM-6, tên lửa hải quân đa năng và tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ thông báo sẽ triển khai tại Đức từ năm 2026.

Theo giới quan sát quốc tế, thỏa thuận tên lửa Mỹ - Đức thay vì mang lại sự đảm bảo an ninh như đã hứa hẹn, lại gây ra những rủi ro mới không chỉ cho Đức mà còn cho phần còn lại của châu Âu. Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở bất cứ đâu, nước này sẽ từ bỏ lệnh cấm tự nguyện triển khai các hệ thống như vậy. Ngày 4/7, tại cuộc họp báo ở Astana, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung. Nga cũng thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay vào sản xuất. Chúng tôi đã đưa ra những hướng dẫn cần thiết cho ngành. Về việc triển khai, như tôi đã đề cập rằng chúng tôi tuyên bố tạm dừng việc triển khai các hệ thống tương ứng của mình cho đến khi những tên lửa này xuất hiện ở một khu vực nào đó trên thế giới. Nếu tên lửa tầm trung của Mỹ xuất hiện ở đâu đó, chúng tôi có quyền hành động đối xứng”, ông Putin nói rõ.

Trong một cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Hải quân Nga vào cuối tháng 7, ông Putin cho biết Nga được tự do triển khai tên lửa tầm thấp và tầm trung, bao gồm cả trong lực lượng ven biển của hải quân, nếu Mỹ và Đức tiến hành kế hoạch của họ. Thời gian bay của tên lửa này đến các mục tiêu trên lãnh thổ Nga "sẽ mất khoảng 10 phút", ông nói.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin cùng ngày rằng quyết định của Đức nhằm mục đích bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của nước ngoài. "Điều đầu tiên Nga nên làm (để ngăn chặn Đức triển khai vũ khí của Mỹ) là chấm dứt cuộc chiến với Ukraine", tờ DW đưa tin, trích dẫn lời ông Scholz. Ông Putin cho biết Mỹ đã gây căng thẳng và đã chuyển hệ thống tên lửa Typhon tới Đan Mạch và Philippines, nay tiếp tục là kế hoạch triển khai tên lửa tới Đức.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-va-ke-hoach-trien-khai-ten-lua-gay-tranh-cai-i742208/