EU đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển bền vững, tự chủ năng lượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 18/2 đã tiếp ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) đang có chuyến thăm Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh Phó Chủ tịch Frans Timmermans đã chọn Việt Nam để thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến khu vực trong năm 2022 và cũng là thời điểm hai bên kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (2012 - 2022).
Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam...
Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2022, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, khôi phục họp trực tiếp các cơ chế hợp tác/đối thoại. Ông đề nghị EU tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu, nhất là hàng nông sản, trái cây mùa vụ.
Trên cơ sở những nỗ lực tích cực và tiến bộ mà Việt Nam đạt được, EU xem xét tích cực gỡ bỏ thẻ vàng về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với hàng thủy sản của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy các nước thành viên EU hoàn tất phê chuẩn để Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm có hiệu lực.
Trao đổi về việc triển khai các kết quả Hội nghị COP26, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai những cam kết của mình thông qua việc thành lập BCĐ Quốc gia cuối tháng 12/2021 để triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Thủ tướng đánh giá cao EU đóng vai trò đi đầu trong giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu và coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2021- 2027...
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị EU và các nước thành viên, doanh nghiệp, tổ chức tài chính châu Âu hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, đào tạo nhân lực, năng lực quản trị, tài chính để thực hiện các cam kết, các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Phó Chủ tịch Frans Timmermans bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ của Việt Nam.
Liên minh châu Âu coi trọng quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, đặc biệt mong muốn tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực ưu tiên về thương mại - đầu tư, phát triển bền vững, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, năng lượng sạch…
Ông đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, khẳng định EU cùng các nước thành viên mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực, tăng cường hợp tác công tư, giúp Việt Nam triển khai thành công các cam kết tại COP26, ủng hộ Việt Nam tự chủ về năng lượng như Việt Nam đang tự chủ về kinh tế.
Đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU cho Việt Nam
Trước đó tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hai bên bày tỏ vui mừng nhận thấy trong thời gian qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, quan hệ Việt Nam – EU tiếp tục phát triển tích cực.
EU hiện là đối tác kinh tế - phát triển quan trọng của Việt Nam, đặc biệt đang là nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 và nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam và các nước EU đều đang dần mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội và giao thương quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị EU và các nước thành viên tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường EU.
Về hợp tác trong nông nghiệp, Phó Thủ tướng đã thông báo các kết quả tích cực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Phó Thủ tướng đề nghị EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đồng thời hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quản lý nghề cá, hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các giải pháp chống khai thác trái phép IUU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân cũng như nguồn cung ứng thủy sản cho thị trường EU.
Phó Chủ tịch Frans Timmermans cho rằng Việt Nam có lợi thế và tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng sạch, tái tạo. EU ủng hộ và sẽ thúc đẩy khả năng hợp tác với Việt Nam thông qua các nguồn vốn đầu tư tư nhân, các nguồn lực của EU cũng như từ các nguồn tài chính quốc tế.
Phó Chủ tịch Timmermans đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề IUU và thông báo EU sẽ sớm cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam để khảo sát và đưa ra kết luận về vấn đề này.