EU dự kiến dành 3,5 triệu Euro hỗ trợ các nước Đông Nam Á thích ứng với EUDR
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ dành 3 - 3,5 triệu Euro hỗ trợ các nước Đông Nam Á nâng cao năng lực, nhận thức, chia sẻ thông tin trong việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định chống phá rừng (EUDR).
Chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/8, ông Hoàng Thành – Quản lý chương trình, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, nguồn vốn này sẽ được EU hỗ trợ cho 4 - 5 nước tại Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) trong việc nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ thông tin liên quan đến Quy định chống phá rừng (EUDR).
Dự án sẽ do Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cùng các nước trong khu vực Đông Nam Á thực hiện, Bộ NN&PTNT sẽ là đầu mối cho phía Việt Nam.
Một trong những hoạt động đầu tiên của kế hoạch là tổ chức các cuộc đối thoại và đào tạo cho phía Việt Nam về EUDR. Ông Thành cho rằng, quy định EUDR đã được thông tin, đối thoại với cơ quan quản lý của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên các doanh nghiệp, địa phương đến hiện tại vẫn chưa nắm rõ. Do đó, kế hoạch hỗ trợ trên của EU nhằm cung cấp nhiều thông tin hơn cho các bên liên quan, để có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc đáp ứng EUDR.
Quy định chống phá rừng (EUDR) với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm/chuỗi cung ứng liên quan đến phá rừng/suy thoái rừng được đưa vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU. Đồng thời, gia tăng nhu cầu giao thương của EU về các sản phẩm và hàng hóa không gây phá rừng và được sản xuất hợp pháp.
EUDR có hiệu lực vào tháng 6/2023. Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng, bao gồm cà phê, gỗ và cao su, vốn là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.
Để chứng minh, doanh nghiệp đưa sản phẩm vào lưu thông tại EU phải thu thập thông tin về chuỗi cung ứng nguyên liệu. Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ...
Các doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ và vừa có 24 tháng để chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu của EUDR tính từ thời điểm quy định này có hiệu lực.
Cuối tháng 12/2024, EU sẽ xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu để giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin. Dữ liệu này sau đó có thể được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên EU. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ có quyền truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp như tọa độ định vị địa lý. Họ sẽ tiến hành kiểm tra bằng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích DNA để xác minh nguồn gốc của sản phẩm.