EU, Đức đạt thỏa thuận vẫn cho phép sử dụng ô tô dùng nhiên liệu hóa thạch sau năm 2035
Đức và EU thống nhất vẫn sẽ cho phép đăng ký xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ được sử dụng nhiên liệu tổng hợp.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên phụ trách môi trường EU, Frans Timmermans cho biết, EU đã đạt được thỏa thuận với Đức về việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp (eFuel) đối với xe hơi trong tương lai. Trước đó, EU và nền kinh tế lớn nhất của khối này đã xảy ra mâu thuẫn với kế hoạch loại bỏ ô tô thải khí CO2 vào năm 2035.
Tuy nhiên, hiện tại hai bên sẽ phối hợp để đưa ra các quy chuẩn về khí thải đối với xe hơi trong thời gian sớm nhất. Cụ thể, Đức và EU thống nhất vẫn sẽ cho phép đăng ký xe mới sử dụng động cơ đốt trong sau năm 2035 với điều kiện các xe này chỉ được sử dụng nhiên liệu tổng hợp, đạt mức trung hòa về khí thải.
Nhiên liệu tổng hợp, như dầu hỏa điện tử, e-methane hoặc e-methanol, được tạo ra bằng cách tổng hợp lượng khí thải CO2 thu được và hydro được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo hoặc không có CO2 và nó rất thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đức, Volker Wissing nhận định, thỏa thuận đạt được đã mở ra cánh cửa đối với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Các phương tiện này nếu sử dụng nhiên liệu tổng hợp thì vẫn có thể đăng ký hoạt động sau năm 2035.
Chính trị gia thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng cho rằng, các bước đi cụ thể về mặt thủ tục đã được ấn định và tiến trình có thể sẽ hoàn tất vào quý III/2024.
Hồi tháng 10/2022, Nghị viện châu Âu và các quốc gia EU đã nhất trí từ năm 2035 sẽ tiến hành chỉ cho phép đăng ký mới với những ô tô mới không phát thải gây ảnh hưởng khí hậu và môi trường. Tuy nhiên, Đức lại bất ngờ muốn cả những ô tô mới có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu tổng hợp vẫn sẽ có thể được đăng ký sau thời điểm này.
Theo lập luận của Berlin, các ô tô này tuy sử dụng động cơ đốt trong nhưng lại dùng các nhiên liệu tổng hợp được sản xuất bằng năng lượng tái tạo và trung hòa về khí thải không gây ảnh hưởng xấu tới khí hậu và môi trường. Do vậy, kế hoạch phê chuẩn của các nước EU đầu tháng 3 vừa qua đã bị trì hoãn do vấp phải sự phản đối của Đức.
Bộ Giao thông Vận tải liên bang Đức và Ủy ban châu Âu sau đó đã đàm phán về một thỏa hiệp và đã đạt được thống nhất như trên. Tuy nhiên, có nhiều đối tác của EU đã phản ứng gay gắt với hành động của Đức trong vụ việc lần này.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng, toàn bộ của quá trình đưa ra quyết định tại EU sẽ sụp đổ nếu các nước đều hành xử như Đức. Kế hoạch trên cũng đã dẫn tới những bất đồng trong chính nước Đức, giữa đảng FDP ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn động cơ đốt trong và Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập phản đối rất mạnh mẽ lệnh về việc cấm xe sử dụng động cơ đốt trong trên toàn EU.
Liên minh này cho rằng lệnh cấm sẽ gây thiệt hại cho toàn ngành công nghiệp ô tô tại Đức.
Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ lệnh cấm này cho rằng công nghệ eFuel không hoàn toàn thân thiện với khí hậu và môi trường, do đó chỉ nên sử dụng nhiên liệu tổng hợp này trong các lĩnh vực không còn lựa chọn nào khác, chẳng hạn như trong ngành hàng không.