EU giải thích lý do không tước tư cách thành viên G20 của Nga

Josep Borrell, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, đã đưa ra lời giải thích vì sao ông phản đối việc tước tư cách thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Nga.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell phát biểu trong một cuộc họp báo tại New Delhi vào ngày 1/3. Ảnh: AFP

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Josep Borrell phát biểu trong một cuộc họp báo tại New Delhi vào ngày 1/3. Ảnh: AFP

Ông Borrell nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nền tảng quốc tế - nơi các quốc gia không đồng quan điểm có thể chia sẻ ý kiến .

Theo kênh truyền hình RT, trong một hội thảo tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 3/3, một nhà báo đã hỏi ông Borrell rằng: “Tại sao ông không thể đình chỉ tư cách thành viên G20 của Nga?”.

Trả lời vấn đề này, nhà ngoại giao EU giải thích: “Chúng ta không thể nói rằng chúng ta muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và sau đó yêu cầu Nga rời khỏi G20. Điều đó là mâu thuẫn. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải duy trì đối thoại hoặc ít nhất là lắng nghe, nếu không nói chuyện thì ít nhất là lắng nghe người khác".

Ông Borrell miêu tả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm G20 tổ chức tại Ấn Độ trong 2 ngày 1-2/3 là một bước cải thiện đáng kể so với hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Bali (Indonesia) vào giữa tháng 11/2022.

Trước đó, hồi tháng 11/2022, ông Borrell miêu tả cuộc xung đột giữa Kiev và Moskva là một “trận chiến địa chính trị”. Nhà ngoại giao này lập luận Brussels nên hướng tới cô lập Nga trên trường quốc tế và buộc nước này phải chịu trách nhiệm.

Bình luận về các đề xuất của trưởng đoàn ngoại giao EU vào thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng những nỗ lực kêu gọi đó là vô vọng.

Trong khi đó vào cuối tháng trước, trước cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 tại New Delhi, các quan chức hàng đầu Ấn Độ đã kêu gọi các quốc gia thành viên tập trung vào những thách thức toàn cầu thay vì tập trung vào các vấn đề gây tranh cãi như Ukraine.

Bộ trưởng Thông tin Ấn Độ Anurag Thakur kêu gọi tinh thần đa phương. Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên Ấn Độ cho biết New Delhi không muốn thảo luận về các biện pháp chống Nga trong sự kiện này.

Tại các sự kiện G20 trong năm 2022, một số quốc gia phương Tây đã coi đây là cơ hội để lên án các hành động của Nga ở Ukraine và kêu gọi ủng hộ Ukraine mặc dù Kiev không phải là thành viên của nhóm G20.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-giai-thich-ly-do-khong-tuoc-tu-cach-thanh-vien-g20-cua-nga-20230303225116996.htm