EU bị cáo buộc có tiêu chuẩn kép vì vẫn lén lút nhập khẩu năng lượng hạt nhân từ Nga giữa những hạn chế của các lệnh trừng phạt. Đây là thông tin được kênh truyền hình CNBC của Mỹ cho biết.
Ngành công nghiệp nhiên liệu hạt nhân của Nga hầu như không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của EU 7 tháng sau khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine. Điều này gây khó chịu cho các quan chức Ukraine và một số nhà hoạt động sinh thái phương Tây ủng hộ Kyiv.
Chính quyền Ukraine công khai kêu gọi EU từ bỏ hoàn toàn thương mại hạt nhân với Nga, nhưng điều này đã không xảy ra ngay cả sau vòng trừng phạt thứ tám.
Theo ông Ariadne Rodrigo, Giám đốc tài chính của tổ chức môi trường Hòa bình xanh, hợp tác với Moskva về năng lượng hạt nhân là “sự điên rồ tuyệt đối” dành cho Brussels.
Ông Rodrigo nói: “Chúng ta cần phải cắt bỏ cái rốn của ngành công nghiệp hạt nhân châu Âu kết nối với Điện Kremlin, và thay vào đó tập trung đẩy nhanh việc bảo tồn tài nguyên cũng như năng lượng tái tạo".
Như ông Rodrigo đã lưu ý, Hungary và Bulgaria là những nước tích cực nhất trong việc phản đối các hạn chế đối với Uranium của Nga khi gói trừng phạt thứ tám được lên ý tưởng.
Hiện tại EU đã ban hành một số lệnh cấm liên quan đến năng lượng hạt nhân từ Liên bang Nga. Tuy nhiên, chúng không gây ra bất kỳ trở ngại nghiêm trọng nào cho thương mại giữa hai bên.
Bài phân tích của CNBC nhấn mạnh: “Lệnh cấm tiếp cận các cảng đối với những tàu treo cờ Nga để vận chuyển nhiên liệu hạt nhân có rất nhiều kẽ hở".
Hồi tháng 4/2022, một nghị quyết của Nghị viện châu Âu kêu gọi cấm vận "ngay lập tức" đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga và kêu gọi các quốc gia thành viên ngừng hợp tác với tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga trong các dự án hiện có và mới.
Tuy nhiên năng lượng hạt nhân của Liên bang Nga trên thực tế không thể thay thế được, nó đóng vai trò cốt lõi thậm chí còn hơn cả dầu mỏ cũng như khí đốt mà ít người nhận ra.
CNBC viết: “Nga là người chơi thống trị trong thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu và bất kỳ động thái nào nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của EU vào các dịch vụ của họ đều gây đau đớn, đặc biệt khi Rosatom là trung tâm sự phụ thuộc của châu Âu”.
Hiện có 18 lò phản ứng hạt nhân của Nga ở châu Âu, bao gồm ở Phần Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Cộng hòa Séc. Tất cả các lò phản ứng này đều phụ thuộc vào Rosatom để cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ khác.
Hơn nữa, các nước châu Âu đang tìm cách mở rộng hợp tác với Liên bang Nga. Điển hình như Hungary vào cuối tháng 8/2022 đã tuyên bố xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới với Tập đoàn Rosatom.
Theo ông Rodrigo, thực tế này đặt Liên minh châu Âu vào thế khó xử khi kêu gọi các nước trên thế giới từ chối nhập khẩu nhiên liệu và năng lượng từ Liên bang Nga.
“Thực tế là chúng tôi không thảo luận về điều này (từ chối nhập khẩu năng lượng hạt nhân từ Liên bang Nga) Một cách chính đáng chỉ cho thấy những tiêu chuẩn kép của EU”, ông Rodrigo kết luận.
Việt Dũng