EU luôn là một dự án của tương lai

EU ra đời sau cuộc khủng hoảng Thế chiến II. Thật không may, năm nay là lần thứ hai chúng ta phải kỷ niệm 'Ngày châu Âu' giữa một cuộc khủng hoảng khác: Covid-19.

Ngày 9/5 mỗi năm, EU kỷ niệm Ngày châu Âu - còn được gọi là ngày Schuman - để nhớ về tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman năm 1950, kêu gọi các nước trước đây có chiến tranh với nhau tập hợp nguồn lực, ngăn chặn xung đột trong tương lai. Đó là ví dụ nổi bật của thế giới về hợp tác xuyên quốc gia dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài.

EU ra đời từ cuộc khủng hoảng do hậu quả tàn khốc của Thế chiến II. Ngày nay, EU ngày nay tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn khác là Covid-19 - trận đại dịch ảnh hưởng tới xã hội, kinh tế không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu.

Chúng tôi phải nhìn ra ngoài thế giới

Thật không may, năm nay là lần thứ hai chúng ta phải kỷ niệm “Ngày châu Âu” giữa dịch Covid-19. Dịch bệnh này không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng về sức khỏe mà còn đẩy thế giới vào đợt suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

EU ban đầu được thành lập để giải quyết các vấn đề giữa người châu Âu trong một thế giới lưỡng cực, nhưng ngày nay, chúng tôi ở trong một thế giới đa cực, và chúng tôi phải nhìn ra bên ngoài vì vấn đề không chỉ còn ở giữa chúng tôi nữa; nó ở giữa chúng tôi và phần còn lại của thế giới.

Đầu tiên và quan trọng nhất là nhu cầu tiêm chủng, không chỉ đối với người châu Âu mà với người dân toàn thế giới. Bất chấp những thất bại ban đầu, châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai nội bộ vaccine Covid-19. Chiến dịch tiêm chủng đang tăng tốc trên toàn EU, và đến tháng 7, 70% người trưởng thành sẽ được tiêm chủng.

Ở châu Âu, chúng tôi nói rằng không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. Đây không phải một câu cửa miệng, mà là sự thật đương nhiên. Khi virus tiếp tục lây lan, các biến chủng khác cứ xuất hiện. Đó là cuộc chạy đua với thời gian, vì chúng ta phải tiêm chủng trên toàn thế giới nhanh hơn so với tốc độ virus và những biến chủng của nó. Chúng ta làm như vậy vì nghĩa vụ đoàn kết cơ bản, và còn vì tư lợi của chính chúng ta.

Do đó, chúng tôi đã đóng góp đáng kể vào hoạt động tiêm chủng toàn cầu thông qua xuất khẩu và nguồn cung COVAX quốc tế. “Nhóm châu Âu” (gói ngân sách của các nước EU nhằm hỗ trợ đối tác chống dịch Covid-19 - ND) đã cam kết đưa vaccine Covid-19 trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu.

Là một trong những bên đầu tiên và đóng góp lớn nhất cho Covax, “nhóm Châu Âu" đóng góp 2,1 tỷ USD, tương đương 33% tổng ngân sách COVAX. Minh chứng là Việt Nam đã nhận được lô vaccine COVAX miễn phí đầu tiên vào ngày 1/4. GIờ là lúc tiến hành chiến dịch tiêm chủng.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng sức khỏe chỉ là một phần của câu chuyện. Đại dịch Covid-19 đã thách thức xã hội và nền kinh tế của chúng ta theo những cách chưa từng có. Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử EU.

Nhằm khắc phục những thiệt hại về kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra, Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về kế hoạch phục hồi đầy tham vọng, dẫn lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng, đặt nền móng cho một châu Âu hiện đại và bền vững hơn. Với tổng ngân sách 1.800 tỷ euro (gần 2.200 tỷ USD), chương trình mang tên “Thế hệ EU tiếp theo” sẽ là gói kích cầu lớn nhất từng được đưa ra ở châu Âu.

Trọng tâm của khoản tài trợ này là xanh hóa, số hóa; tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm; gắn kết việc làm, xã hội và khu vực; sức khỏe và khả năng phục hồi, cũng như đầu tư cho thế hệ tiếp theo về giáo dục và kỹ năng.

EU theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong khi đang giải quyết cuộc khủng hoảng lớn hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục trọng trách toàn cầu của mình.

Ngày nay, trong số mười nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, có năm nền kinh tế đến từ châu Âu. EU là nhà kinh doanh hàng hóa và dịch vụ lớn nhất, với lượng gấp đôi Trung Quốc và gấp ba lần Mỹ. Chúng tôi cũng là nhà đầu tư nước ngoài số 1 thế giới, có mặt tại ASEAN, Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc. Đồng euro đã nhanh chóng trở thành đồng tiền dự trữ thứ hai trên thế giới.

EU và các nước thành viên cung cấp 60% viện trợ phát triển toàn cầu, và là nguồn đóng góp chính cho công việc của Liên Hợp Quốc. Trong nền kinh tế kỹ thuật số, trong số bốn công ty hàng đầu thế giới về 5G, hai công ty là của châu Âu và đang hoạt động tại Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, EU mong muốn theo đuổi "Quyền tự trị chiến lược" và định hình chính sách đối ngoại của mình theo các điều kiện riêng. Chúng tôi rất nghiêm túc về việc tăng cường tham gia an ninh trong và với các đối tác châu Á, trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, không gian mạng và gìn giữ hòa bình.

Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được 27 bộ trưởng Ngoại giao của các quốc gia thành viên thông qua một tháng trước, thể hiện sự công nhận của EU về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực và sự cam kết củng cố vai trò của mình trong hợp tác với các đối tác tại đây.

Dưới tư cách EU, chúng tôi tin rằng nền kinh tế thế giới cần một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, ổn định và có thể dự đoán được. Do đó, chúng tôi cần một sự đồng thuận mới để cập nhật sách quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

EU đã, đang và sẽ vẫn là một tổ chức đấu tranh cho sự cởi mở và hợp tác toàn cầu. EU sẽ tiếp tục tạo ra các giải pháp dựa trên khuôn khổ thương mại toàn cầu mà được hiện đại hóa và có nền tảng quy tắc. Chúng tôi sẽ tham gia với các quốc gia cùng chí hướng để theo đuổi một chương trình nghị sự mạnh mẽ về môi trường trong WTO, đồng thời làm việc với họ để đảm bảo rằng chính sách và thực tiễn thương mại hỗ trợ công việc tử tế và công bằng xã hội trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tạo ra một công cụ mua sắm quốc tế để san bằng sân chơi trong các thị trường mua sắm công.

Với châu Á - Thái Bình Dương, nơi bắt nguồn nhiều tăng trưởng kinh tế của thế giới, chúng tôi sẽ tìm cách củng cố quan hệ đối tác và tăng cường thương mại và đầu tư, tái khẳng định cam kết ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trong khu vực, trong đó dẫn đầu là Việt Nam. Quan hệ đối tác chiến lược mới giữa EU và ASEAN sẽ giúp chúng tôi tham gia tích cực hơn theo hướng đó.

Đối tác phù hợp nhất của Việt Nam

Trong tất cả những điều trên, Việt Nam là một đối tác quan trọng. Cũng giống như châu Âu cách đây 76 năm, các bạn đã phải vượt qua sự tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh và đẩy nhanh tốc độ phát triển của mình.

Việt Nam đã vượt qua tất cả những điều này và hiện có nền kinh tế mở thứ hai ASEAN, sau Singapore, và Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào EU, một phần nhờ vào Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) gần đây.

Việc lần đầu tham gia Hiệp định khung về quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự với một nước đang phát triển đã được hai bên ký kết, cho phép Việt Nam đóng góp lực lượng trong các hoạt động do EU dẫn đầu.

Trong số 10 nước ASEAN, Việt Nam có số lượng sinh viên và học giả được cử sang EU nhiều nhất.

Trong ASEAN, các bạn là nước thứ hai sau Indonesia đã ký Hiệp định cấm buôn bán gỗ trái phép, bảo vệ rừng tự nhiên và tiếp cận bền vững vào thị trường EU.

Chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để trở thành đối tác phù hợp nhất của Việt Nam. Điều này có nghĩa là với những nền tảng xây dựng đó, và trên hành trình tham gia tích cực của Việt Nam trên trường thế giới, EU và Việt Nam có thể đón nhận một chương mới trong quan hệ đối tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Tôi xin được kết thúc bằng viết này bằng câu nói: EU luôn là một dự án của tương lai. Do đó, giữa những thách thức và khủng hoảng mà chúng ta đang phải đương đầu, hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày châu Âu để ghi nhớ quá khứ, nhưng đồng thời để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Đại sứ Giorgio Aliberti

Chuyển ngữ: Nguyễn HuyĐồ họa: Hà My

Giorgio Aliberti

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/eu-luon-la-mot-du-an-cua-tuong-lai-post1213150.html