EU nhất trí kế hoạch cơ sở hạ tầng đối trọng sáng kiến BRI của Trung Quốc
EU nhất trí khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng 'Một châu Âu kết nối toàn cầu', động thái được cho nhằm đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Hãng Reuters đưa tin ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 12-7 đã nhất trí khởi động kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhằm kết nối châu Âu với thế giới.
Đây là động thái mới nhất của EU sau các thỏa thuận với Ấn Độ và Nhật, cũng như kế hoạch tương tự của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), được cho là nhằm đối trọng sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh EU nghi ngờ sáng kiến BRI, vốn nhằm kết nối châu Âu với châu Á thông qua thúc đẩy cơ sở hạ tầng, giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng của mình.
"Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình ở khắp mọi nơi trên thế giới” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết.
“Việc than vãn về điều này là vô ích, chúng tôi phải đưa ra các giải pháp thay thế. Điều quan trọng là EU phối hợp rất chặt chẽ với Mỹ " – ông Maas nói thêm.
Theo thông cáo báo chí của Hội đồng EU, kế hoạch “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhấn mạnh sự cần thiết của EU trong việc theo đuổi cách tiếp cận địa chiến lược và toàn cầu về kết nối. Mục đích là nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế, đối ngoại, phát triển và an ninh cũng như thúc đẩy các giá trị châu Âu.
Kế hoạch được xây dựng trên nền tảng “Tuyên bố chung về kết nối châu Âu – châu Á năm 2018”, với các nguyên tắc căn bản là việc kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ.
Theo thông cáo báo chí, việc kết nối tốt hơn sẽ góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, giảm sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường khả năng cạnh tranh cho EU và các đối tác.
Hội đồng EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng vật chất và khuôn khổ quy định, cũng như của quan hệ đối tác kết nối với các quốc gia và khu vực có cùng chí hướng, vốn có thể giúp thúc đẩy tính tương thích và bổ sung của các hành động và sáng kiến kết nối, với sự hợp tác đầy đủ của các bên.
Hội đồng khuyến khích việc triển khai các quan hệ đối tác hiện có với Nhật và Ấn Độ, đồng thời kêu gọi các quan hệ đối tác và hợp tác bổ sung, gồm cả với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ. Hợp tác trong các diễn đàn đa phương như G7 và Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), cũng được khuyến khích.
Theo Reuters, tuy kế hoạch không hề đề cập Trung Quốc, song một nhà ngoại giao EU tham gia soạn thảo chiến lược cho biết toàn bộ tài liệu dài tám trang này đều đề cập "Trung Quốc".
EU đặt ra lộ trình chính thức cho kế hoạch đầy tham vọng này từ năm 2022.
Chi tiết cụ thể về kế hoạch này hiện chưa được công bố.
Trước đó, EU đã ký kết quan hệ đối tác với Nhật và Ấn Độ để điều phối các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số kết nối châu Âu và châu Á.
Ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí khởi động kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Nhà Trắng cho biết B3W sẽ có quy mô toàn cầu tương tự BRI và có phạm vi toàn cầu từ châu Mỹ Latinh và Caribe đến châu Phi đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
B3W được đưa ra trong bối cảnh sáng kiến BRI bị chỉ trích là môt công cụ đòn bẩy tài chính giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng của mình thông qua “ngoại giao bẫy nợ”. Bắc Kinh đã phủ nhận cáo buộc này.