EU nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để giảm sự phụ thuộc vào Nga

Azerbaijan đang đạt được tiến bộ trong việc thay thế khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu của Liên minh châu Âu. Nga, quốc gia đã chứng kiến xuất khẩu khí đốt sang châu Âu giảm mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, hiện đang có ý định mở rộng nguồn cung cấp sang Trung Á.

Sau khi chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, Nga chịu nhiều vòng trừng phạt từ các nước phương Tây, trong khi đó các nước EU giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Xuất khẩu của Moscow sang châu Âu đã giảm từ 155 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2021, một năm trước xung đột, xuống chỉ còn 43 bcm vào năm ngoái.

Cho đến nay, các thành viên EU đã bù đắp cho sự sụt giảm của Nga thông qua việc kết hợp nhập khẩu khối lượng LNG ngày càng tăng bằng tàu và tăng cường sản xuất điện từ các nguồn năng lượng khác. Brussels cũng đã đạt được một thỏa thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu lên ít nhất 20 bcm mỗi năm vào năm 2027.

 Ảnh minh họa: Oilprice.

Ảnh minh họa: Oilprice.

Các kế hoạch mở rộng xuất khẩu của Azerbaijan dường như cuối cùng đã thành hiện thực, vì gần đây quốc gia này đã ký các thỏa thuận vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan đến châu Âu. Đồng thời ký kết các thỏa thuận mới nhằm mở rộng kết nối tới các quốc gia ở Trung và Đông Nam Âu.

Có thể cho rằng, bước phát triển quan trọng nhất là quyết định của một công ty nhà nước Hungary, MVM, mua 5% cổ phần trong mỏ khí đốt khổng lồ Shah Deniz (Azerbaijan), một động thái được công bố trong tuần lễ năng lượng ở Baku vào đầu tháng 6. MVM đã có sẵn hai thỏa thuận nhập khẩu khí đốt từ quốc gia này.

Giờ đây với cổ phần của Shah Deniz, MVM trở thành cổ đông duy nhất mua khí đốt từ mỏ này, tạo ra mối liên kết quan trọng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bằng cách ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Azerbaijan, Hungary cũng đang báo hiệu sự xa cách với Nga. Budapest từ lâu đã phụ thuộc vào Nga là nguồn cung cấp khí đốt chính vì Chính phủ của Viktor Orban đã phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt của EU đối với Điện Kremlin.

Cũng có thông tin quan trọng là Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận với Albania để cung cấp 200 triệu mét khối (mcm) khí đốt mỗi năm từ năm 2026. Khí đốt sẽ đến qua đường ống xuyên Adriatic (TAP), hiện có công suất khoảng 10 bcm /năm nhưng đang cần mở rộng quy mô lớn để đáp ứng các cam kết xuất khẩu ngày càng tăng của Baku sang các nước châu Âu.

Cho đến nay, các chủ sở hữu đường ống, trong đó có Azerbaijan, chỉ cam kết bổ sung thêm 1,2 bcm công suất hàng năm, phàn nàn rằng họ không thể đầu tư số tiền khổng lồ cần thiết nếu không nhận được cam kết trả trước từ những người mua khí đốt châu Âu.

Một sáng kiến khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển khí đốt của Azerbaijan, được mệnh danh là “Hành lang dọc”, đang được tiến hành với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Hành lang này đòi hỏi phải mở rộng mạng lưới đường ống ở Đông Nam châu Âu, trong đó Bulgaria đóng vai trò là trung tâm kết nối Hy Lạp, Moldova, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.

Vào ngày 6/6, Bulgaria đã ký hai hợp đồng xây dựng đầu tiên để mở rộng đoạn hành lang theo kế hoạch. Dự kiến sẽ có động thái mở rộng các phần khác vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Trong khi đó, Nga đang cố gắng bù đắp thị phần đã mất ở châu Âu bằng cách cung cấp khí đốt cho Trung Á. Vào ngày 7/6, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, tập đoàn năng lượng khổng lồ do nhà nước Nga kiểm soát, Gazprom đã ký các thỏa thuận cung cấp mới với Kyrgyzstan và Kazakhstan, đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán với Uzbekistan về các kế hoạch cung cấp khí đốt trong tương lai.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao hàng đến Kyrgyzstan, Gazprom đã ký một thỏa thuận với công ty con ở Kazakhstan, NC Qazaqgaz, theo đó công ty sẽ mở rộng mạng lưới đường ống hiện có ở Kazakhstan.

Việc mở rộng cũng sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu khí đốt ngày càng tăng sang Uzbekistan, quốc gia từng là nước xuất khẩu khí đốt nhưng hiện đã trở thành nước nhập khẩu ròng. Vào năm 2023, Tashkent ký thỏa thuận hai năm để nhập khẩu khí đốt của Nga với nguồn cung bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái.

Lê Na (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/eu-no-luc-da-dang-hoa-nguon-cung-khi-dot-de-giam-su-phu-thuoc-vao-nga-post299685.html