EU nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng kinh tế

Ðà lây lan khủng khiếp của đại dịch Covid-19 ở châu Âu đã nhấn chìm triển vọng tăng trưởng của 'lục địa già' và đang đặt các nền kinh tế thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) trước thách thức nghiêm trọng. Theo đó, EU cùng lúc phải căng mình chiến đấu trên cả hai mặt trận là chống dịch và chống suy thoái kinh tế.

Cuộc khủng hoảng kép đang diễn ra trong khối EU khi đại dịch diễn biến nghiêm trọng ở hầu hết các quốc gia thành viên. Tâm lý hoang mang lo ngại của thị trường, người dân cùng các lệnh phong tỏa trên quy mô lớn đã giáng một đòn nặng nề vào các ngành kinh tế quan trọng của EU, từ ngoại thương và du lịch đến vận tải và dịch vụ ăn uống công cộng... Việc thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm mạnh mới đây là dấu hiệu rõ rệt nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trầm trọng. Ðánh giá về tình hình hiện nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Leyen cho rằng, EU phải đối diện với cả hai mặt trận là dịch Covid-19 và tác động mà dịch này gây ra cho kinh tế. Bà đã dùng cụm từ "khó khăn" và "dông bão" để diễn tả về những thách thức EU phải đối mặt. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) C.Lagarde cảnh báo châu Âu sẽ phải đối diện với những tác động nghiêm trọng giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã gây ra nếu không áp dụng các hành động khẩn cấp để đối phó với dịch.

Trong bối cảnh nêu trên, các nhà lãnh đạo EU và chính phủ các nước thành viên của khối đang căng sức để không chỉ đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng người dân, mà còn "chiến đấu" ngăn chặn suy thoái kinh tế. Cuối tuần qua, Chủ tịch EC U.Leyen cho biết EC sẽ đề xuất một gói kích thích tài chính mới giúp phục hồi kinh tế của EU.

Theo đó, EC sẽ đề xuất một số điều chỉnh trong dự thảo khung tài chính dài hạn (MFF, ngân sách dài hạn của EU) nhằm cho phép giải quyết những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra. Các thay đổi sẽ bao gồm một gói kích thích tài chính nhằm bảo đảm sự gắn kết trong liên minh được duy trì thông qua sự đoàn kết và trách nhiệm. Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố ủng hộ hành động của ECB nhằm bảo đảm các điều kiện về tài chính để hỗ trợ các nước Khu vực đồng euro(Eurozone). EC đã đề xuất sáng kiến đầu tư ứng phó dịch Covid-19 với gói 37 tỷ euro đầu tư theo chính sách gắn kết để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng. Ở cấp quốc gia, các nước bị "cơn bão Covid-19" tàn phá nghiêm trọng nhất là Italy và Tây Ban Nha cũng đã đưa ra những "cú đấm thép" nhằm tạo xung lực mới để cứu nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái trong bối cảnh đất nước phải siết chặt lệnh phong tỏa suốt mấy tuần qua. Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng P.Sanchez đã công bố gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ euro, bao gồm cung cấp các khoản vay, tín dụng, viện trợ trực tiếp cho hàng loạt doanh nghiệp và người lao động. Khoản cứu trợ này tương đương với 20% GDP quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ Italy đã thông qua khoản viện trợ kinh tế 25 tỷ euro.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế về những nỗ lực của EU trên mặt trận kinh tế thời Covid-19, phản ứng chính sách liên quan lĩnh vực tài chính của EC chủ yếu ở ba khía cạnh: Một là, nới lỏng hạn chế về trợ cấp chính phủ. Ðể khuyến khích các nước thành viên đối phó với tình trạng khó khăn liên tiếp, EC cho phép chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, cung cấp gói hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ cần thiết cho các ngân hàng... Hai là, nới lỏng hạn chế về chi tiêu tài chính trong bối cảnh các nước đang gặp khó khăn, chẳng hạn như Italy, nếu đưa ra kế hoạch kích thích kinh tế chắc chắn sẽ làm tăng tỷ lệ thâm hụt tài chính và thay đổi kết cấu chi tiêu tài chính. Ba là, đưa ra kế hoạch đầu tư để đối phó với dịch. Mục đích của kế hoạch này là hỗ trợ hệ thống y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động và các lĩnh vực dễ bị tổn thương khác trong nền kinh tế...

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những "liều thuốc" cấp bách nêu trên tiềm ẩn một số rủi ro và có thể chưa đủ vực dậy nền kinh tế ốm yếu của EU. Việc nới lỏng hạn chế tài chính tuy làm tăng không gian hoạt động của chính phủ các nước thành viên, nhưng sẽ có thể làm tăng thâm hụt của chính phủ. Hiệu quả của kế hoạch đầu tư để đối phó với tác động của dịch Covid-19 cũng bị hoài nghi khi tổng mức của kế hoạch đầu tư này là 25 tỷ euro, trong đó có 7,5 tỷ euro là quỹ khởi động, tìm cách thúc đẩy dòng vốn đầu tư 17,5 tỷ euro còn lại. Giới phân tích còn chỉ trích ECB không nhanh chóng hành động khi chưa quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đang tạo ra một thách thức chưa từng có đối với châu Âu và toàn thế giới. Tình hình hiện tại đòi hỏi các nhà lãnh đạo "lục địa già" phải có những hành động khẩn cấp, toàn diện cả ở cấp quốc gia và khu vực. Giới chức EU từng khẳng định sẽ "làm mọi điều cần thiết để bảo vệ công dân và vượt qua khủng hoảng", đồng thời nhất quán bảo tồn các giá trị và lối sống châu Âu, tuy nhiên để chiến thắng dịch bệnh cả hai mặt trận y tế và kinh tế, họ cần kiên quyết và đoàn kết hơn nữa.

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43852302-eu-no-luc-ngan-chan-khung-hoang-kinh-te.html